0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 03/09/2021 15:34 (GMT+7)

Hòa Phát: "Vua thép Đông Nam Á" và những nước đi ở sân chơi thế giới

Sau khi trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, Tập đoàn Hòa Phát đang đặt mục tiêu củng cố vị thế của mình và dần tiến bước trên con đường đa ngành, khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế.

tm-img-alt

Sau 30 năm gây dựng, phát triển, Hòa Phát không còn là một công ty phân phối thiết bị phụ tùng nhỏ lẻ mà dần tiến bước trên con đường đa ngành, khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế, mang đến sự hưng phấn cho ngành thép Việt.

tm-img-alt

Tỷ phú Trần Đình Long, người được ví như "vua thép" tại Việt Nam không hề có kinh nghiệm về thép khi quyết định làm lĩnh vực này giữa thập niên 90.

"Tất cả những gì tôi có khi đó là niềm đam mê và không sợ hãi", Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát hồi tưởng khi chia sẻ với Bloomberg gần đây. Khởi đầu bằng lĩnh vực phân phối máy móc thiết bị, kinh doanh đồ nội thất, nhưng thép mới là mảng làm lên tên tuổi của Hòa Phát. Hơn hai thập kỷ sau khi công ty thép ra đời, tập đoàn hiện giữ thị phần đứng đầu về thép xây dựng tại Việt Nam.

Ông Long bắt đầu kinh doanh từ đầu thập niên 90. Năm 1992, ông cùng bạn bè lập doanh nghiệp đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát - Công ty Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát, đơn vị đầu tiên thời điểm đó kinh doanh máy móc thiết bị. Đến năm 1995, Hòa Phát thành lập doanh nghiệp kinh doanh nội thất, chuyên làm đại lý phân phối cho các sản phẩm nội thất nhập ngoại.

Phải tới nửa cuối thập niên 90, công ty về thép và ông thép mới được khai sinh. Năm 1996, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát được thành lập, 4 năm sau đó, đến lượt Công ty cổ phần Thép Hòa Phát.

tm-img-alt

Sinh sau đẻ muộn nhưng hai lĩnh vực này nhanh chóng trở thành mảng kinh doanh chính của Hòa Phát. Ông Long đặt cược Việt Nam sẽ cần nhiều thép hơn khi đất nước phát triển. "Một đất nước mới công nghiệp hóa sẽ phải xây rất nhiều cơ sở hạ tầng", ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

Ở thời điểm Hòa Phát lên sàn chứng khoán năm 2007, Thép và Ống thép đã chiếm hơn 60% tổng doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn. Những năm sau đó, cho dù thị trường bất động sản nhiều thời điểm đóng băng, thép vẫn chiếm ưu thế trên báo cáo tài chính Hòa Phát với tỷ trọng áp đảo so với các mảng kinh doanh còn lại.

Khi Hòa Phát đã là doanh nghiệp đứng đầu về mảng thép, ông Long tiếp tục đặt cược vào khả năng tăng trưởng của thị trường khi đầu tư vào dự án Dung Quất. Năm 2017, họ xây Khu liên hợp sản xuất thép Dung Quất trị giá tới 2,6 tỷ USD.

Nếu như Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Kinh Môn, Hải Dương năm 2007 là căn cứ để đưa Hòa Phát trong nhóm dẫn đầu thị trường, thì Dung Quất là nước cờ tiếp theo của "Vua Thép" để áp đảo đối thủ.

Dự án Dung Quất giúp Hòa Phát khép kín chuỗi giá trị các sản phẩm thép, từ quặng sắt đến phôi thép, thép xây dựng, thép chất lượng cao, thép cuộn cán nóng, ống thép, tôn mạ, thép dự ứng lực. So với các doanh nghiệp khác, điều này giúp Hòa Phát có lợi thế đáng kể.

Khi thị trường tăng trưởng tốt, việc giữ trọn chuỗi giá trị giúp Hòa Phát có biên lợi nhuận tốt hơn. Nếu cần thiết, Hòa Phát cũng có căn cứ để tham gia cuộc chiến về giá khi muốn gia tăng thị phần tại những thị trường còn yếu, như khu vực phía Nam. Khi đầu ra khó khăn, Hòa Phát có thể bán phôi thép cho các nhà sản xuất khác, giúp đảm bảo khả năng tiêu thụ.

Thành quả của chiến lược này phần nào đã được phản ánh trong bức tranh hoạt động năm 2020. "Từ khi dự án Dung Quất đi vào hoạt động từ quý III/2019, với trọng tâm là phát triển thị trường miền Nam, HPG đang dần lấy được thị phần của các doanh nghiệp khác như PoscoSS, Pomina hay VNSteel tại thị trường này", báo cáo của FPTS cho biết.

Theo tính toán của VCSC, HPG ghi nhận thị phần 33% trong 9 tháng 2020 so với 26% tính đến cuối 2019. Tiêu thụ của tập đoàn tăng kỷ lục bất chấp sự sụt giảm của thị trường chung do ảnh hưởng từ đại dịch.

Năm 2020, lần đầu tiên thép Hòa Phát đạt lũy kế trên 5 triệu tấn, trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Lượng phôi thép cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đạt 1,7 triệu tấn. Tăng trưởng trong quý cuối năm, ngoài việc lấy thị phần từ các đối thủ, còn hưởng lợi từ làn sóng tăng đầu tư công của Chính phủ. Hòa Phát cũng cho biết thép của tập đoàn được lựa chọn sử dụng trong rất nhiều công trình hạ tầng lớn.

Đặt trọng tâm theo hướng hoàn thiện chuỗi giá trị cũng được thể hiện rõ hơn qua cơ cấu sản phẩm với giai đoạn II của dự án Dung Quất.

Hòa Phát đặt mục tiêu phát triển từ tháng 1/2022 và đi vào hoạt động 3 năm sau đó. Phần mở rộng sẽ có công suất 5 triệu tấn mỗi năm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng (HRC). "Ước tính sau khi hoàn thành, HPG có thể cung cấp 5 triệu tấn HRC mỗi năm, tương đương Formosa và khoảng 50% nhu cầu nội địa hiện tại", báo cáo của FPTS cho biết.

Việc dồn lực của sản phẩm HRC trong tương lai sẽ mang lại ưu thế cho Hòa Phát tương tự cách đã làm với thép xây dựng. Sản phẩm này là đầu vào cho sản xuất ống thép, vốn là nhóm mang lại biên lợi nhuận cao hơn. Bản thân mảng này cũng còn nhiều dư địa khi đối thủ lớn nhất là Formosa vẫn chưa chiếm được quá nửa nhu cầu. Ông Long ước tính, khi dự án Dung Quất hoạt động toàn bộ, quy mô doanh thu và lợi nhuận hàng năm của Hòa Phát có thể tăng thêm 80%.

tm-img-alt
Năm 2020, lần đầu tiên thép Hòa Phát đạt lũy kế trên 5 triệu tấn, trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn.

Cùng nhìn lại "cuộc chơi" của Hòa Phát trong ngành thép từ những năm đầu phát triển tới nay:

Giai đoạn 2000 - 2010: Năm 2000, thép xây dựng lần đầu tiên xuất hiện trong danh mục sản xuất của Hòa Phát. Từ một "tay mơ" bắt đầu với thép, Hòa Phát dần đi vào hoạt động ổn định trong giai đoạn 10 năm sau đó.

Giai đoạn 2010 - 2017: Hòa Phát gia tăng thị phần thêm 10% trong giai đoạn này.

Năm 2015, theo thống kê của Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel), Việt Nam đứng ở vị trí thứ 24 về sản xuất thép thô trong top 50 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2014.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng vị trí số 1, chiếm 29% tổng sản lượng thép thô của khu vực. Sản xuất thép thành phẩm Việt Nam năm 2015 cũng đứng vị trí số 1 trong ASEAN, chiếm gần 34 % tổng sản lượng thép thành phẩm của khu vực.

Năm 2017 là một dấu mốc đáng nhớ - đúng 1 năm sau khi Tập đoàn Hòa Phát hoàn thành giai đoạn 3 Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương, thị phần thép Hòa Phát tăng lên 22,2%, lần đầu tiên vượt qua khối VNSteel (Tổng Công ty Thép Việt Nam) để nắm vị trí thị phần số 1 trong ngành.

Giai đoạn 2017 - 2020: Hòa Phát tiếp tục gia tăng thêm 10% thị phần. 

Đánh giá về ngành thép trong giai đoạn này, Hiệp hội Thép Việt Nam ghi nhận: “Ngành thép Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể, giữ vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và cải thiện vị trí trong ngành công nghiệp thép thế giới”.

Từ chỗ chỉ biết nhập khẩu thép từ Trung Quốc, Việt Nam đã xuất ngược trở lại thị trường khổng lồ này lô hàng đầu tiên ngay trong tháng 1/2018.

Tháng 10/2020: Giai đoạn 1 Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất chính thức hoàn thành, giai đoạn 2 đạt trên 90% và đã tuyển dụng gần 10.000 lao động.

Nhìn lại quãng đường ấy, nhiều người phải thốt lên: Kỳ tích! Phải, chỉ có “kỳ tích” mà không cần đến 4 năm, Hòa Phát đã dựng xây một khu liên hợp quy mô ngần ấy, và chỉ có “kỳ tích” mà thép Việt bắt đầu ghi danh trên thị trường thế giới.

Đến năm 2020, sản xuất thép thô của Việt Nam đã đạt mức rất cao, 19,5 triệu tấn/năm, ngành thép Việt Nam đã vươn lên thứ 14 thế giới. Đây là bước tiến mạnh mẽ trên bản đồ ngành thép thế giới.  

Quý I/2021, Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam với sản lượng bán hàng hơn 2,16 triệu tấn thép các loại. 

Tôi nghĩ có 3 điều làm nên thành công của Hòa Phát. Thứ nhất, chúng tôi đầu tư đúng hướng, kiên định đầu tư theo con đường lâu dài, không làm theo phong trào. Thứ hai, chúng tôi tính toán đúng nhu cầu thị trường về các sản phẩm mà Hòa Phát đầu tư. Thứ ba, Việt Nam là nước công nghiệp mới, nên nhu cầu về sắt thép xây dựng còn rất lớn.

Năm 2020, dù kinh tế toàn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, Chính phủ đã dẫn dắt nền kinh tế đạt được “mục tiêu kép”, vừa chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo tăng trưởng. Chính phủ tăng cường đầu tư công, vấn đề giải ngân thực hiện rất tốt nên Hòa Phát được hưởng lợi rất lớn từ chính sách.

Định hướng của Hòa Phát là trở thành tập đoàn sản xuất công nghiệp với chất lượng dẫn đầu, trong đó thép là lĩnh vực cốt lõi. Năm 2021, với công suất thép thô đạt 8 triệu tấn, Hòa Phát đã nằm trong top 50 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới.

tm-img-alt

Trái với nhiều lĩnh vực khác lao đao vì đại dịch, năm 2020 đánh dấu những thành công ấn tượng của Hòa Phát khi giữ vững vị trí số 1 về thị phần thép xây dựng tại Việt Nam với khoảng 32%, một con số tăng trưởng vượt bậc, khi kết thúc năm 2019 mới chỉ là 26,2%. Cũng trong năm 2020, Hòa Phát đã hoàn tất đầu tư Dự án Hòa Phát Dung Quất 1, đặc biệt đã đạt  mức lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử hoạt động gần 30 năm của mình  với  trên 13.000 tỷ đồng.

Lĩnh vực sắt thép là mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn, tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Doanh thu nhóm này tăng trưởng 81%, lợi nhuận từ các sản phẩm thép tăng 94%. Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục giữ vững thị phần số 1 tại Việt Nam, lần lượt là 32,5% và 31,7%. Sản phẩm Tôn Hòa Phát tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ tới gần 150% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng thép rút dây, mạ dây, thép thanh dự ứng lực (PC Bar) đạt 100.000 tấn, xuất khẩu 30.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2019.

Cổ phiếu HPG của Hòa Phát cũng thuộc diện có mức tăng cao nhất nhóm bluechips, với thị giá có lúc đã vượt qua 45.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 1/2021. Mức giá này gấp hơn 2 lần mức đáy vào cuối tháng 3/2020 và cũng là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.

tm-img-alt
Các công ty thành viên của Tập đoàn Hòa Phát (nguồn: Internet)

Năm 2021, Hoà Phát đặt kế hoạch doanh thu toàn tập đoàn dự kiến 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 18.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,15% và 33,27% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, kết quả quý 1 đã hoàn thành được gần 40% mục tiêu cả năm đặt ra. 

Về định hướng trong thời gian tới, ông Long nhấn mạnh: Không ai có thể làm thép mãi được. Hoà Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn đa ngành và một trong những hướng đó là bất động sản. "Chúng ta đang có uy tín, có tiếng trên thị trường, năm vừa rồi chúng tôi liên tục đi địa phương tìm tòi để phát triển các dự án giá vốn thấp. Lúc nào cũng vậy, trước đây, hiện nay và sau này cũng sẽ tìm dự án để M&A và chỉ M&A khi mà chắc chắn có lợi nhuận", ông Long nhấn mạnh. 

tm-img-alt
 KCN Phố Nối A Là KCN đầu tiên đánh dấu hoạt động của Hòa Phát trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ 2001 đến nay.

Từ năm cuối năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát đã quyết định cơ cấu lại mô hình tổ chức theo hướng tập trung vào 4 mảng chính: gang thép, sản phẩm thép hạ nguồn (gồm ống thép, tôn mạ màu, thép rút dây, thép dự ứng lực); nông nghiệp và bất động sản.

Trong đó, lĩnh vực bất động sản sẽ do Công ty CP phát triển bất động sản Hòa Phát (Tổng công ty bất động sản) đảm nhiệm. Công ty này được thành lập vào tháng 12/2020 với vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng. Lĩnh vực bất động sản của Hòa Phát bao gồm hai mảng kinh doanh chính là bất động sản khu công nghiệp (KCN) và khu đô thị.

Về bất động sản KCN, Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật 3 KCN bao gồm: KCN Phố Nối A (600ha) và KCN Yên Mỹ II (giai đoạn 1: 97,5ha) – Hưng Yên; KCN Hòa Mạc – Hà Nam (131ha).

KCN Hòa Mạc đã nâng tỷ lệ lấp đầy lên 75% diện tích, trong khi KCN Phố Nối A, Yên Mỹ II đạt 100% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tính đến thời điểm cuối năm 2020.

Đối với mảng bất động sản khu đô thị, Hòa Phát đã đầu tư xây dựng các dự án như Khu phức hợp Mandarin Garden 1 (diện tích: 2,5ha) tại Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội; Khu phức hợp Mandarin Garden 2 (diện tích: 1,3ha) tại 493 Trương Định, Quận Hoàng Mai, Hà Nội và Khu Chung cư tại 70 Nguyễn Đức Cảnh.

Ngoài ra, tập đoàn đang phát triển một dự án khu đô thị lớn khác là Khu đô thị Bắc Phố Nối, Hưng Yên, tại xã Phan Đình Phùng, xã Nhân Hòa, thị trấn Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên với diện tích 262 ha.

Dự án Khu đô thị Bắc Phố Nối được phát triển với mục tiêu trở thành tổ hợp khu đô thị gắn liền hạ tầng xã hội, bao gồm trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng, chung cư cao tầng, thấp tầng, nhà liền kề, nhà biệt thự.

tm-img-alt

Cuối tháng 5 vừa rồi, báo chí nước ngoài và trong nước đều rầm rộ đưa tin về việc Tập đoàn Hòa Phát vừa mua được mỏ quặng có trữ lượng hơn 320 triệu tấn tại Úc. Theo đó, Ủy ban Đầu tư nước ngoài Liên bang Úc đã chấp thuận phê duyệt hợp đồng mua 100% cổ phần dự án mỏ quặng sắt Roper Valley của công ty con tại Úc thuộc Tập đoàn Hòa Phát. 

Đây là mỏ quặng nước ngoài đầu tiên được Tập đoàn Hòa Phát "để mắt" tới, sau mỏ quặng đang sở hữu tại Hà Giang, trữ lượng khai thác khoảng 500.000 tấn/năm. Khi đó, giá trị hợp đồng chưa được hai bên tiết lộ theo quy định bảo mật thông tin tuy nhiên, với trữ lượng như vậy, các chuyên gia đều dự đoán đây là một thương vụ lớn thể hiện cho tham vọng của "vua thép" Việt Nam.

Theo thông tin phát đi từ Tập đoàn Hòa Phát, sau khi giao dịch hoàn tất, "vua thép" sẽ là chủ sở hữu dự án quặng sắt Roper Valley với trữ lượng ước tính 320 triệu tấn, cho công suất khai thác khoảng 4 triệu tấn/năm. Chưa dừng lại ở đó, hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Úc, nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của tập đoàn, tương đương 10 triệu tấn/năm.

Australia là quốc gia xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới với tổng sản lượng là 900 triệu tấn vào năm 2020 - chiếm khoảng 37,5% tổng sản lượng thế giới. Đất nước này cũng là nơi có trữ lượng quặng sắt thô lớn nhất thế giới, theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ là khoảng 50 tỷ tấn. Vào năm 2017, Tập đoàn Hòa Phát bắt tay được với Top 4 chủ mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới tại quốc gia này. Cụ thể, thông tin từ Tập đoàn này, bà Vương Ngọc Linh – Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất khẳng định, ngoài chủ mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới Vale (Brazil) hiện là nhà cung cấp thường xuyên của Công ty, Hòa Phát đã thiết lập thêm quan hệ mới với các nhà sản xuất lớn và lâu đời nhất gồm Rio Tinto (sản lượng 329.5 triệu tấn năm), BHP (227 triệu tấn năm), FMG (170 triệu tấn năm), Royhill (55 triệu tấn/năm).

Hiện Hòa Phát nằm trong tốp 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Từ Quý 1/2021, Hòa Phát đã trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, sở hữu hệ sinh thái sản phẩm thép từ quặng sắt đa dạng nhất.

Sau khi trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, Tập đoàn Hòa Phát đang đặt mục tiêu củng cố vị thế của mình với việc khởi công xây dựng một lò luyện thép mới với số tiền đầu tư là 3,7 tỷ USD vào đầu năm 2022.

Hồi tháng 6, Tập đoàn Hòa Phát đã công khai tham vọng xuất khẩu các sản phẩm ống thép, tôn mạ sang nhiều các quốc gia Châu Âu, Mỹ, khu vực Nam Mỹ và Đông Nam Á. 

tm-img-alt

Được biết, các nhà máy tôn và ống thép Hòa Phát đã hoạt động với 100% công suất để phục vụ bán hàng trong và ngoài nước. Ngay từ đầu năm 2021, Công ty CP Sản phẩm thép Hòa Phát đã chủ trương tối ưu công suất tất cả các dây chuyền để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường xuất khẩu phục hồi sau đại dịch Covid. Đặc biệt, định hướng phát triển thị trường xuất khẩu được xem là hoạt động kinh doanh trọng yếu trong năm 2021. 

Ban lãnh đạo Hòa Phát có thể tự tin xuất khẩu, cạnh tranh với nhiều "ông lớn" trên thế giới bởi theo số liệu từng được công khai trên trang chủ thì trong 5 tháng đầu năm 2021 sản lượng ống thép, tôn mạ của Hòa Phát ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ lần lượt đạt 334.000 và 123.000 tấn, tương ứng tăng 21% và 270% so với cùng thời điểm năm 2021.

Riêng sản phẩm tôn mạ kẽm và mạ lạnh, tỷ trọng hàng xuất khẩu đóng góp khoảng 45% tổng sản lượng các loại hàng bán ra trong 5 tháng vừa qua. Đối với sản phẩm ống thép, bên cạnh thị phần luôn trên 30% tại thị trường nội địa, hơn 10 năm qua, ống thép Hòa Phát đã xuất khẩu đi hầu hết thị trường lớn như Mỹ, Canada, Úc… 

Bên cạnh đó, nhiều nước Âu Mỹ phục hồi sau đại dịch liên tục đặt nhiều đơn hàng từ các sản phẩm này, do đó đây là thời điểm thích hợp để nhắm đến các thị trường mới. 

Để có thể phục vụ định hướng trên, tập đoàn đã triển khai một loạt kế hoạch nhằm tạo tiền đề triển khai. 

Đầu tiên, vấn đề tự chủ nguyên liệu đầu vào đã được giải quyết khi tập đoàn đã thông báo mua thành công mỏ quặng sắt Roper Valley với trữ lượng dự đoán 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm. tại Úc. 

Chưa dừng lại ở đó, Hòa Phát cho biết tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Úc, nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của Tập đoàn (tương đương 10 triệu tấn/năm). 

Được biết, nguyên liệu cấu thành đến 30% giá thép là than luyện cốc hiện được Hòa Phát nhập khẩu từ nước Úc – thị trường cung cấp than luyện cốc lớn nhất thế giới. Do đó, việc mua lại mỏ than với trữ lượng khai thác lớn sẽ giúp tập đoàn tự chủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho các kế hoạch sắp tới, cụ thể là xuất khẩu. 

Bước đi trên được nhiều chuyên gia đánh giá cao, trong bối cảnh phần đông nhà máy thép của Việt Nam dựa vào sắt thép vụn để sản xuất. Tuy nhiên, sắt thép vụn hiện nay hạn chế, giá lại tăng, chất lượng kém, chưa kể khó khăn trong vận chuyển. Có thể nói, những doanh nghiệp sản xuất thép bằng công nghệ lò điện, sử dụng sắt thép vụn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai.  

Theo ước tính của VNDirect thì trung bình giá quặng sắt năm 2022 là 160 USD/tấn, mỏ quặng sắt RVIM tại Úc có thể đóng góp khoảng 4.635 tỷ đồng, tương đương 22,1% lợi nhuận trước thuế của Hòa Phát trong năm tới. Hòa Phát có thể tận dụng việc giá quặng sắt cao kỷ lục và chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với thời điểm năm 2014 để thu lời. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng dần chuyển mình tự chủ về vấn đề vận tải nguyên vật liệu. Hòa Phát cũng đã đặt Nhật đóng xong và đưa vào vận hành tàu The Harmony trọng tải 90 nghìn tấn để chuyên chở hàng rời như than, quặng sắt,… Hiện HPG sở hữu 2 tàu có quy mô lớn như vậy, giúp Hòa Phát chủ động trong việc nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng như xuất khẩu.

Trong tương lai gần, Hòa Phát sẽ tiếp tục nhắm đến việc giữ vững vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu Đông Nam Á bằng kế hoạch khởi công lò cao 85 nghìn tỷ đồng (3,7 tỷ USD) vào đầu năm 2022. Điều này cũng nhằm để phục vụ cho việc sản xuất thép cuộn cán nóng, hưởng ứng những nỗ lực của Chính phủ, tránh phục thuộc vào nguồn cung nước ngoài. 

tm-img-alt
Bạn đang đọc bài viết Hòa Phát: "Vua thép Đông Nam Á" và những nước đi ở sân chơi thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Có một thu Đà Lạt khiến bao du khách vương vấn
Thật khó để không vấn vương với những sớm tinh mơ tháng 10 trên những ngọn đồi lãng đãng sương giăng hay sắc vàng trên những cành hồng trĩu quả... và cùng nhiều cảnh đẹp thơ mộng, thức quà thơm ngọt là những nét riêng chỉ có thể thấy khi Đà Lạt vào thu.
Khơi dậy tiềm năng phát triển bền vững đô thị biển
Là quốc gia có chiều dài bờ biển hơn 3.260 km từ Móng Cái đến Hà Tiên, qua 28/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những lợi thế mà biển cả mang lại.

Tin mới