0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 19/05/2022 06:00 (GMT+7)

Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ

Để phát triển các khu kinh tế biển bền vững, thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp có trình độ khoa học công nghệ cao, đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, các địa phương khu vực Bắc Trung bộ cần tạo nên các lợi thế cạnh tranh.

Để phát triển các khu kinh tế biển bền vững, thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp có trình độ khoa học công nghệ cao, đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, các địa phương khu vực Bắc Trung bộ cần tạo nên các lợi thế cạnh tranh.

Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ - Ảnh 1
Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ - Ảnh 2

Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế mới đây, để phát triển các khu kinh tế biển (KKTB) bền vững, thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp có trình độ khoa học công nghệ cao, đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, đòi hỏi các địa phương cần tạo nên các lợi thế cạnh tranh bền vững. Một trong những lợi thế cạnh tranh bền vững đó là việc địa phương có khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phù hợp với sự phát triển của các ngành mũi nhọn trong các KKTB.

Riêng đối với các KKTB khu vực Bắc Trung Bộ, do hạn chế về nguồn lực đầu tư, cơ sở hạ tầng của đa số các KKTB của vùng còn khá lạc hậu, dẫn đến cái “vòng luẩn quẩn”: kinh tế kém phát triển cơ sở hạ tầng kém phát triển khó thu hút nhà đầu tư thứ cấp khó thu hút nhà đầu tư hạ tầng có tiềm lực.

Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa)

KKTB Nghi Sơn giai đoạn vừa qua đã được đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giúp phát huy lợi thế của khu kinh tế trong thu hút đầu tư, tăng khả năng lấp đầy, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Thanh Hóa. Với sự đầu tư đó, Thanh Hóa nhanh chóng đạt tới mục tiêu lấp đầy 50% đất công nghiệp tại KKTB Nghi Sơn, đặc biệt tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn, tỷ lệ lấp đầy sẽ đạt tới 100% vào năm 2025.

Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ - Ảnh 3
Khu kinh tế Nghi Sơn (KKT Nghi Sơn) có diện tích tự nhiên 18.611,8 ha nằm phía Nam tỉnh Thanh Hoá, trên trục giao lưu Bắc - Nam của đất nước. (Ảnh: Internet)

Song song với hạ tầng đường bộ như Dự án đường Bắc - Nam 2, Dự án đường Đông Tây 4, Dự án đường từ quốc lộ 1A đến điểm đầu đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn, Dự án các tuyến giao thông trục chính phía Tây - Khu kinh tế Nghi Sơn, Dự án kè chống sạt lở và nạo vét tiêu thoát lũ Khu kinh tế Nghi Sơn giai đoạn 1 cơ bản đãn hoàn thành, các tuyến đường sắt từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi KKTB Nghi Sơn, đầu tư xây dựng ga Trường Lâm và tuyến đường sắt từ ga Trường Lâm tới Cảng Nghi Sơn đã được triển khai, góp phần tạo nên lợi thế trong thu hút đầu tư vào các cảng cạn (ICD) và hình thành trung tâm logistics.

Đồng thời, tỉnh cũng đã thực hiện cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng ở phía Nam Khu kinh tế Nghi Sơn, phát triển cảng biển nước sâu ở Hòn Mê tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, kinh tế hướng tới xuất khẩu trong KKTB Nghi Sơn.

Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Thanh Hóa sẽ ưu tiên đầu tư mới kéo dài tuyến đường từ Sân bay Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, tiếp tục đầu tư phát triển cảng nước sâu Nghi Sơn trở thành cảng lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ và của Việt Nam, đón đầu tuyến các tàu vận tải containrer lớn và mở tuyến vận tải container quốc tế đến Nghi Sơn.

Về cơ bản, trọng tâm phát triển hạ tầng giao thông của Khu kinh tế Nghi Sơn chính là phát triển các công trình trọng điểm, có tính kết nối cao, liên thông với cảng biển, sân bay, trung tâm logistics để phát triển các mạng lưới, tuyến vận tải đa phương thức (Khu kinh tế Nghi Sơn, 2017-2021).

Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An

Trong giai đoạn vừa qua, chính quyền tỉnh Nghệ An đã đôn đốc triển khai phát triển, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong các khu kinh tế và khu công nghiệp thuộc KKTB Đông Nam Nghệ An. Đơn cử như năm 2020, tỉnh Nghệ An đã tiếp tục triển khai dự án đường N2, N5, D4, tuyến đường nối quốc lộ 7 vào Khu công nghiệp Tri Lễ…

Cùng với kế hoạch mở rộng KKTB Đông Nam, các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được thực thi khai nhanh chóng nhằm hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế theo hướng hiện đại, đồng bộ; giúp KKTB Đông Nam tăng cường năng lực cạnh tranh với các khu kinh tế trong khu vực, giúp kết nối với cảng biển Cửa Lò, Đồng Hới khai thác tối đa tiềm năng kinh tế biển của địa phương.

Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ - Ảnh 4
Khu công nghiệp VSIP được hình thành, tạo điểm nhấn cho nguồn vốn FDI thu hút đầu tư vào Nghệ An. (Ảnh:Internet)

Với mục tiêu hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng của 3-5 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2016-2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã xây dựng 8 nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, tỉnh đã xây dựng nhiều cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giảm thời gian chuẩn bị dự án cho nhà đầu tư, hỗ trợ tái định cư cho người dân trong khu vực.

Hầu như các nguồn vốn đầu tư công trung và dài hạn được phê duyệt đều được ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, các công trình phúc lợi xã hội, công trình công cộng. Theo báo cáo của Sở Tài chính Nghệ An, tổng vốn đầu tư phát triển cho KKTB Đông Nam Nghệ An giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 11.912 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước đạt 1.050 tỷ đồng; vốn ngoài nhà nước đạt 9.838 tỷ đồng) (Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, 2017-2021).

Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh)

Giai đoạn 2017-2021, tỉnh Hà Tĩnh tập trung phát triển các công trình giao thông cho KKTB Vũng Áng, nhằm phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực luyện kim, khai thác cảng biển, luyện thép, nhiệt điện và lọc hóa dầu.

Mục tiêu của hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là giúp kết nối các khu công nghiệp trong KKTB, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư và các dự án đầu tư phát triển Khu liên hợp Cảng Vũng Áng - Sơn Dương, phát triển các khu đô thị mới… Đặc biệt, để đẩy mạnh việc hình thành và hoạt động của các khu du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái nằm trong vành đai du lịch biển Bắc Trung Bộ, việc hoàn thiện các tuyến đường giao thông là điều kiện thiết yếu.

Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ - Ảnh 5
KKT Vũng Áng sẽ có dự án Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng 330 tỷ. (Ảnh: Nguyễn Thanh Hải)

Giai đoạn vừa qua, tỉnh đã đầu tư phát triển tuyến đường ven biển, đoạn qua Xuân Hội, Vũng Áng, Thạch Khê; các đoạn nối Hà Tĩnh với các khu kinh tế của Nghệ An và Quảng Bình, hình thành chuỗi KKTB và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả khu vực.

Đặc biệt, với sự đầu tư phát triển hệ thống giao thông liên tỉnh, nội tỉnh, Hà Tĩnh đã giúp kết nối được 6 huyện, thành phố, 4 khu du lịch, 3 khu công nghiệp và 1 cảng biển, từ đó thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa các địa phương trng vùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong KKTB Vũng Áng. Tỉnh cũng đã quy hoạch chi tiết, ưu tiên triển khai các tuyến giao thông như:

Quốc lộ 12, Vũng Áng - Thạch Khê, Cảng Vũng Áng giai đoạn 2, nối liền các khu công nghiệp, khu phi thuế, kho ga xăng dầu, khu dân cưcũng như các khu du lịch trong vùng… (KKT Vũng Áng, 2017-2021).

Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 29/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị khóa XVI về “Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đã có 68 dự án đăng ký đầu tư trong khu kinh tế với số vốn đạt gần 300 tỷ đồng. Nhằm tăng cường tỷ lệ lấp đầy Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển kết cấu đường giao thông nội vùng và liên vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, đầu tư trong khu kinh tế.

Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ - Ảnh 6
Khu Kinh tế Đông Nam - Quảng Trị. (Ảnh minh họa)

Với nguồn lực được cấp phát và đối ứng từ ngân sách địa phương, Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh và chủ đầu tư đã thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng 484,6 ha, thu hồi đất sạch cho các dự án triển khai. Năm 2020, Chính phủ đã cấp cho tỉnh Quảng Trị 100 tỷ đồng xây dựng tuyến nối đường Hồ Chí Minh nhánh Tây với tuyến Hồ Chí Minh nhánh Đông, góp phần kết nối tuyến đường ven biển phía Nam Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình, nhờ đó góp phần thu hút đầu tư vào phát triển du lịch biển đảo của tỉnh nhằm khai thác các bãi tắm nổi tiếng như:

Cửa Tùng, Cửa Việt, Gio Hải, Vĩnh Thái. Hoạt động đầu tư giao thông cảng biển Bắc Cửa Việt với 03 bến cảng mới, đón tàu có trọng tải 3.000 tấn, bến cảng CFG Nam Cửa Việt đang được đầu tư, với 04 cầu cảng, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 tấn

Tuy nhiên, do đặc thù kinh tế địa phương hạn chế, nguồn lực đầu tư khó khăn, nên việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng KKTB nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế, gây khó khăn trong thu hút đầu tư các dự án mới vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, 2017-2021).

Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình)

Hạ tầng giao thông của KKTB Hòn La được xác định là cầu nối các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Đối với tỉnh Quảng Bình, Khu kinh tế Hòn La là mắt xích quan trọng của nhiều tuyến giao thông huyết mạch, cả về đường bộ, đường thủy, đường không, kết nối địa phương với Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam.

Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ - Ảnh 7
Tàu vào ăn hàng tại Cảng biển Hòn La. (Ảnh:Internet)

Do vậy, KKTB Hòn La đã được tỉnh Quảng Bình đầu tư phát triển các tuyến giao thông quan trọng như:

- Phát triển các tuyến thủy nội địa và tuyến hàng hải trong nước và quốc tế, biến cảng Hòn La thành cảng loại 1, hình thành các cảng cạn cũng như trung tâm kho vận.

- Phát triển các tuyến giao thông đô thị bằng các tuyến xe buýt nhanh, với hệ thống hạ tầng hiện đại, kết nối nhanh với sân bay Đồng Hới, thúc đẩy giao thông tới các khu du lịch trong vùng.

- Phát triển các tuyến giao thông kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh như: trục kết nối KKTB Hòn La với các khu công nghiệp tập trung, các nhà máy xử lý rác thải (Khu kinh tế Hòn La, 2017-2021).

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế)

KKTB Chân Mây - Lăng Cô được định hướng phát triển là đô thị hiện đại, trung tâm dịch vụ, du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp, phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao, nhờ đó được đầu tư phát triển thành đô thị động lực quan trọng của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ - Ảnh 8
Sở hữu cảng nước sâu là một trong những lợi thế phát triển của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. (Ảnh: Nguyễn Phong)

Với tổng diện tích khoảng 27.000 ha, KKTB Chân Mây - Lăng Cô có 05 khu chức năng chính là: cảng biển, khu công nghiệp, khu phi thuế, khu đô thị và khu du lịch. Tính tới năm 2021, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của khu kinh tế đã khá hoàn chỉnh, các tuyến giao thông chính theo quy hoạch chung cơ bản đã hoàn thiện, với tổng chiều dài đường đô thị khoảng 120 km, đủ đáp ứng nhu cầu giao thông và tạo điều kiện đầu tư các dự án trong khu kinh tế.

Như vậy, nhìn chung, hạ tầng giao thông đường bộ trong các KKTB cơ bản được xây dựng và hoàn thiện theo đúng quy hoạch. 100% các tuyến đường trục trong các khu kinh tế đã được xây dựng, tạo điều kiện để triển khai các dự án đầu tư đã đăng ký. Nhiều khu kinh tế phát triển như: Nghi Sơn, Vũng Áng, Đông Nam Nghệ An đã phát triển tốt các tuyến, trục kết nối giữa KKTB với các địa phương không thuộc khu kinh tế cũng như các tuyến quốc lộ, các hành lang kinh tế trong và ngoài nước (Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, 2017-2021).

Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ - Ảnh 9

Mục tiêu quy hoạch phát triển điện lực các KKTB là nhằm đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định và an toàn cho phát triển các khu kinh tế. Việc thiết kế và quy hoạch lưới điện trong các KKTB được căn cứ trên nhu cầu của từng loại phụ tải, đảm bảo yêu cầu tiên quyết là cung cấp điện an toàn, tin cậy, đảm bảo đầu tư đúng, hiệu quả, tiết kiệm, hạn chế tối đa thất thoát điện và tăng khả năng kết nối với lưới điện của các khu vực ngoài khu kinh tế.

Các khu kinh tế đều nhằm phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và sinh hoạt của khu dân cư. Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện thương phẩm và điện sinh hoạt khá cao, tăng trưởng bình quân đạt từ 20-30%, tùy thuộc vào tốc độ đầu tư vào các khu kinh tế. Điều này đòi hỏi Ban Quản lý các khu kinh tế cần chú trọng xây dựng mới các đường trung áp, trạm biến áp với công suất cao, cải tạo các trạm biến áp cũ…

Đơn cử như KKTB Nghi Sơn, thời gian qua đã hoàn thành cải tạo 18 trạm biến áp từ 10 kV lên 22 kV với tổng công suất thiết kế là 3.500 kVA, thực hiện xây dựng mới 106,5 km đường dây trung áp và 206 trạm biến áp phân phối với tổng công suất 141.800 kVA. Tổng vốn đầu tư để thực hiện các dự án trên trong KKTB Nghi Sơn lên tới 738,52 tỷ đồng.

Hay như tại KKTB Vũng Áng, theo dự báo nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp trong khu kinh tế đến năm 2025 dự kiến đạt khoảng 1.792 MW, phần lớn sẽ được các nhà máy điện trong khu kinh tế (gồm 4 nhà máy nhiệt điện, 10 tổ máy nhiệt điện của Formosa và 1 trung tâm điện lực) cùng với mạng lưới điện của khu vực miền Trung (gồm lưới điện 500 kV và 220 kV) cung cấp. Để tự chủ nguồn điện năng, thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai các dự án cấp điện trong Khu kinh tế Vũng Áng như:

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I (công suất 1.200 MW với tổng mức đầu tư là 1,2 tỷ USD), Hạ tầng điện cho khu kinh tế với 3 hệ thống đường điện (đường điện cung cấp cho khu kho ga và xăng dầu; hệ thống điện cho khu tái định cư thuộc huyện Kỳ Anh, điện chiếu sáng từ Quốc lộ 23 và Quốc lộ 1A kéo dài bốn phía, Dự án chiếu sáng các tuyến giao thông chính trong Khu kinh tế Vũng Áng, xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, đẩy nhanh thi công 4 tổ máy thuộc Nhà máy Nhiệt điện Formosa, công suất mỗi tổ là 650 KW.

Đặc biệt, để đáp ứng các tổ hợp dự án sản xuất lớp thuộc công nghiệp sắt thép và sản xuất ô tô (Tập đoàn Vingroup), Vũng Áng đang tích cực nhanh chóng triển khai các phương án cấp điện với việc xây dựng Trạm biến áp 220 kV Vũng Áng, hai đường dây 22 kV mạch kép…, đảm bảo cấp tiện an toàn, tin cậy cho các khu công nghiệp và vùng lân cận.

Đối với các khu kinh tế khác, do những hạn chế về vốn đầu tư phát triển hạ tầng, khả năng thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp chưa cao, tính tới thời điểm hiện nay, cơ bản mới hoàn thành hệ thống cấp điện, đèn chiếu sáng trong các khu công nghiệp. Đặc biệt, đối với một số địa phương khó khăn như: Quảng Bình, Quảng Trị, việc đầu tư phát triển mạng lưới điện trong các khu kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc xây mới các trạm biến áp còn được tiến hành khá chậm.

Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ - Ảnh 10

Đầu tư và phát triển hệ thống cấp thoát nước trong khu kinh tế biển

Đầu tư và phát triển hệ thống cấp thoát nước trong các KKTB hiện là một vấn đề khó khăn, chưa được quan tâm giải quyết thích đáng. Hầu hết các khu kinh tế đều được trang bị hệ thống nước sạch, đạt tiêu chuẩn, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông trong khu kinh tế biển

Hạ tầng viễn thông là điều kiện quan trọng, nhất là trong giai đoạn phát triển hiện nay, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều kết nối với Internet toàn cầu. Để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư tại khu kinh tế, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đã đầu tư 1.907 km cáp viễn thông, 38 trạm chuyển mạch điện thoại cố định, 170 trạm truy cập Internet băng thông rộng… đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động. Với sự tăng trưởng dân cư trong khu kinh tế, dự kiến đến năm 2025, Khu kinh tế Nghi Sơn đạt 115,000 thuê bao, mật độ đạt 50 máy/100 dân.

Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ - Ảnh 11

Từ Bảng trên, có thể nhận thấy các khu kinh tế: Nghi Sơn, Vũng Áng và Đông Nam Nghệ An có hạ tầng viễn thông phát triển hơn các khu kinh tế khác. Nguyên nhân chủ yếu là do các khu kinh tế này đã thu hút được khá nhiều các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất. Trong khi đó, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Hòn La (Quảng Bình) và Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), do tỷ lệ lấp đầy thấp nên hầu như không chỉ hạ tầng mạng viễn thông, mà tất cả các hạ tầng khu công nghiệp khác đều chưa được hoàn thiện, thiếu nguồn vốn đầu tư, không thu hút được nhiều doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp mạnh tiến hành đầu tư phát triển.

Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ - Ảnh 12

Nhìn vào Bảng 2 có thể thấy điểm do các nhà đầu tư đánh giá về quy hoạch và chất lượng cơ sở hạ tầng của các KKTB của khu vực Bắc Trung Bộ là chưa cao, nhất là đối với các khu kinh tế:

Đông Nam Quảng Trị, Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Đặc biệt, theo đánh giá của những nhà đầu tư tham gia khảo sát, các tiêu chí về quy hoạch của các khu kinh tế này đạt điểm khá thấp, thể hiện chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa phù hợp với khả năng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa đảm bảo sự liên kết các ngành trong KKTB, chưa tạo được các động lực tăng trưởng lớn cho toàn bộ kinh tế của địa phương cũng như tạo lực hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các KKTB này.

Về thực trạng và vấn đề phát triển kinh tế biển của Việt Nam, một số chuyên gia đã từng đánh giá:

PGS.TS NGUYỄN CHU HỒI - NGUYÊN PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC BIỂN VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM:

Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ - Ảnh 13

Đề cập đến khái niệm KKT ven biển/hướng biển là hướng phát triển ở đẳng cấp cao của thế giới. Nhưng đã là đẳng cấp mà dàn hàng ngang ra mà tiến thì chắc là khó. Tôi cho rằng đầu tiên phải nhìn nhận về quy hoạch tổng thể. Cùng một lúc phát triển 15 đặc khu kinh tế có vai trò như nhau, kiểu làm ồ ạt thế này đối với một đất nước có xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp là không hề khôn ngoan. Thứ hai, là phải nghĩ đến một cơ chế chính sách, một thể chế đủ tầm cho sự hấp dẫn các nhà đầu tư đẳng cấp cao. Trong tình cảnh đó, tự ta lại dồn hết nguồn lực, gồng hết lên để mà cho vốn đầu tư vào mà không nhìn thấy các chỉ báo dài hạn thì tôi cho là phiêu lưu”.

TS TRẦN ĐÌNH THIÊN - NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ VIỆT NAM:

Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ - Ảnh 14

“Cùng với mấu chốt quan trọng là thể chế chính sách minh bạch, phù hợp, việc phát triển KKT trong thời gian tới chỉ nên tập trung cho 4 KKT biển quy mô lớn gắn với 4 vùng kinh tế trọng điểm gồm: KKT Hải Phòng; KKT Đà Nẵng - Lăng Cô - Chân Mây; KKT tự do Vũng Tàu và đặc khu kinh tế Phú Quốc. Đây chính là 4 cửa mở quốc tế, 4 tọa độ kết nối phát triển vùng, là điều kiện tiền đề cho sự bùng nổ và lan tỏa phát triển vùng”.

GS VÕ ĐẠI LƯỢC - NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ THẾ GIỚI - GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KINH TẾ CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG:

Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ - Ảnh 15

“Thể chế hành chính và thể chế kinh tế bất cập của chúng ta là hai điểm nghẽn trong phát triển các KKT biển hiện nay. Việc cần làm là giảm bớt các KKT ven biển và chỉ nên tập trung xây dựng ở mỗi miền Bắc, Trung, Nam một KKT theo mô hình đặc khu kinh tế tự do mà ở đó những nút thắt về thể chế kinh tế được tháo bỏ. Tôi kiến nghị nên tìm một tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới để giúp chúng ta quy hoạch lại toàn bộ vùng kinh tế ven biển”.

Để phát triển các KKTB bền vững, thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp có trình độ khoa học công nghệ cao, đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, đòi hỏi các địa phương cần tạo nên các lợi thế cạnh tranh bền vững. Một trong những lợi thế cạnh tranh bền vững đó là việc địa phương có khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phù hợp với sự phát triển của các ngành mũi nhọn trong các KKTB. Đối với các KKTB khu vực Bắc Trung Bộ, do hạn chế về nguồn lực đầu tư, cơ sở hạ tầng của đa số các KKTB của vùng còn khá lạc hậu, dẫn đến cái “vòng luẩn quẩn”: kinh tế kém phát triển -> cơ sở hạ tầng kém phát triển -> khó thu hút nhà đầu tư thứ cấp -> khó thu hút nhà đầu tư hạ tầng có tiềm lực.

Nội dung: Bùi Hằng

Đồ họa: Hoàng Việt

Bạn đang đọc bài viết Đầu tư mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Có một thu Đà Lạt khiến bao du khách vương vấn
Thật khó để không vấn vương với những sớm tinh mơ tháng 10 trên những ngọn đồi lãng đãng sương giăng hay sắc vàng trên những cành hồng trĩu quả... và cùng nhiều cảnh đẹp thơ mộng, thức quà thơm ngọt là những nét riêng chỉ có thể thấy khi Đà Lạt vào thu.
Khơi dậy tiềm năng phát triển bền vững đô thị biển
Là quốc gia có chiều dài bờ biển hơn 3.260 km từ Móng Cái đến Hà Tiên, qua 28/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những lợi thế mà biển cả mang lại.

Tin mới