0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 09/03/2022 14:14 (GMT+7)

[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” năng lượng tái tạo

Trong những năm qua, T&T Group của Bầu Hiển đã nổi lên như một "ông lớn" trong lĩnh vực tái tạo với dự án điện mặt trời, điện gió trên khắp cả nước.

Với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, chiến lược và tầm nhìn bài bản, trong những năm qua, T&T Group của Bầu Hiển đã nổi lên như một "ông lớn" trong lĩnh vực tái tạo với dự án điện mặt trời, điện gió trên khắp cả nước.

[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” ngành năng lượng tái tạo - Ảnh 1

Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo được xem là xu hướng tất yếu trên thế giới, khi góp phần quan trọng hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường, cũng như giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch.

Trong những năm qua, thế giới cũng đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng, trong đó sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn "năng lượng xanh" được xem là điểm sáng nổi bật.

Còn tại Việt Nam, trong những năm qua, ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp một phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm đã ảnh hưởng tích cực đến việc thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường, huy động được nguồn nhân lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế nòng cốt, đặc biệt là các doanh nghiệp.

[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” ngành năng lượng tái tạo - Ảnh 2
[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” ngành năng lượng tái tạo - Ảnh 3

Nhắc đến doanh nhân Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group, người ta còn biết đến ông là ông chủ của hàng loạt doanh nghiệp khác như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB); Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF); Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS); Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB (SHB Land); Tổng Công ty Bảo hiểm BSH; CTCP Khai thác chế biến khoáng sản T&T Hà Giang.

Ông Hiển sinh năm 1962, tốt nghiệp ngành vật lý vô tuyến, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1984-1987, ông làm việc tại Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình, Đài Phát thanh Hà Nội. Sau đó ông Hiển chuyển sang làm kỹ sư tại Công ty điện tử Hà Nội rồi gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia.

Năm 1993, Đỗ Quang Hiển nghỉ Nhà nước và thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T (Technology & Trade). Đây là một công ty TNHH nhỏ có trụ sở trên phố Hai Bà Trưng, chuyên cung cấp hàng điện tử.

Đến năm 1998, ông Hiển và T&T đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe máy, động cơ và phụ tùng xe máy có quy mô lớn nhất Việt Nam với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng. Vị doanh nhân này cũng đầu tư nhà máy lắp ráp hàng điện lạnh gia dụng có tổng mức đầu tư lớn nhất miền Bắc tại thời điểm này.

[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” ngành năng lượng tái tạo - Ảnh 4

Năm 2005 là bước ngoặt với ông Đỗ Quang Hiển và T&T khi đầu tư vào lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái. Tập đoàn tư nhân này tham gia lập chiến lược quản trị và điều hành tại ngân hàng và chuyển đổi thành công mô hình hoạt động thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Năm 2007, Công ty TNHH T&T được chuyển đổi thành Công ty Cổ Phần Tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T Group). T&T đầu tư sáng lập và trở thành cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và Công ty bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) cũng như tham gia vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư phát triển các dự án tại Hà Nội, Vinh (Nghệ An), TP.HCM và một số tỉnh thành phố lớn trên cả nước.

Giai đoạn 2011-2016, T&T tham gia hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn, tham gia quản trị tại nhiều Tổng công ty, Công ty trong các lĩnh vực: Tài chính & Đầu tư, Bất động sản, Nông nghiệp, Lâm nghiệp & Thủy sản, Thương mại tiêu dùng & Thương mại Xuất nhập khẩu tổng hợp, Hạ tầng giao thông, Cảng biển, Năng lượng & Môi trường, Y tế & Giáo dục. Tập đoàn của ông Hiển cũng được Chính phủ cấp phép đầu tư ra nước ngoài và thành lập Công ty T&T tại Đức, T&T tại Mỹ, T&T tại Nga hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bất động sản.

Tham vọng của T&T chưa dừng lại ở đó, trong vài năm trở lại, T&T còn mạnh tay đầu tư lớn vào các dự án điện mặt trời, điện gió và hàng loạt dự án năng lượng sạch khác với tham vọng sẽ trở thành “ông lớn” về năng lượng tái tạo.

Đến năm 2030, T&T Group cho biết dự kiến tổng công suất các nguồn điện của tập đoàn đạt khoảng 10.000 MW - 11.000 MW, chiếm từ khoảng 8% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam. Trong đó, điện LNG mới khoảng 3.000 MW, còn lại chủ yếu là điện gió và điện mặt trời từ 7.000 MW - 8.000 MW. Điện gió sẽ bao gồm cả điện gió ngoài khơi (hiện cơ chế chính sách cho điện gió ngoài khơi đang được nghiên cứu và đề xuất giá riêng cho công nghệ này)…

[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” ngành năng lượng tái tạo - Ảnh 5

Từng chia sẻ với báo chí về khát vọng trở thành "ông lớn" trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, trước đây trong lĩnh vực năng lượng thì chúng ta ưu tiên phát triển thủy điện và điện than. Đó cũng là quy luật phát triển bước đầu mà hầu như quốc gia nào cũng trải qua. Tuy nhiên, hiện nay các quốc gia phát triển họ đã chuyển đổi thẳng từ điện than, thủy điện chuyển sang năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió)... Từ 15 năm trước tôi đã có suy nghĩ Việt Nam rồi cũng sẽ đi theo xu hướng như vậy.

[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” ngành năng lượng tái tạo - Ảnh 6

"Tôi luôn đau đáu và tìm hiểu, nghiên cứu và đặt vấn đề hợp tác với một số đối tác để phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, cũng có ý kiến với cơ quan quản lý của Nhà nước dần dần đưa năng lượng tái tạo vào trong quy hoạch phát triển ngành điện. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng việc này cần có lộ trình, bởi nếu làm sớm quá thì giá điện mặt trời, điện gió rất cao, chưa phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam"- doanh nhân Đỗ Quang Hiển từng chia sẻ.

Trong 10 năm qua, Tập đoàn T&T đã hoạch định chiến lược phát triển năng lượng phù hợp với quy hoạch của Chính phủ. Hiện nay, T&T đã đầu tư và đang vận hành gần 2.000 MW điện mặt trời và điện gió trên bờ, trong đó có gần 1.000 MW đã hoà lưới điện quốc gia.

[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” ngành năng lượng tái tạo - Ảnh 7

Trong hai năm gần đây, T&T hợp tác với nhiều đối tác lớn về năng lượng tái tạo trên thế giới. Tập đoàn đẩy mạnh chiến lược phát triển điện gió, mà đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Với điện gió trên bờ, T&T lựa chọn bắt tay với Tập đoàn Total của Pháp; trong khi điện gió ngoài khơi là sự hợp tác cùng Tập đoàn Orsted của Đan Mạch. Ngoài ra, bầu Hiển cho biết T&T đang trao đổi với nhiều doanh nghiệp lớn ở các quốc gia khác nhau như Australia, Nhật Bản, Malaysia… để phát triển điện gió.

Không chỉ năng lượng tái tạo, tập đoàn Việt Nam cũng liên doanh cùng tổ hợp các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, chuẩn bị khởi công dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng – Quảng Trị công suất 1.500 MW.

[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” ngành năng lượng tái tạo - Ảnh 8

Đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến công tác tham dự Hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của Liên hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).

Qua sự kiện này, Thủ tướng đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu được quan tâm nhất hiện nay - biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, Việt Nam cam kết đạt "mức phát thải ròng bằng 0" vào năm 2050.

Chuyến đi không chỉ thành công về mặt đối ngoại mà còn mang lại thắng lợi lớn về kinh tế, đặc biệt là các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Trong hơn 30 tỷ USD mà các doanh nghiệp Việt được các đối tác ngoại cam kết rót vốn nhân chuyến công du châu Âu này của Thủ tướng, có hơn một nửa trong số này là dành cho các dự án phát triển xanh.

Trong số đó, Tập đoàn T&T của bầu Hiển là doanh nghiệp nổi bật nhất. T&T Group tiên phong ký kết các bản ghi nhớ, hợp tác với những tập đoàn lớn trên thế giới như Total, Ørsted để phát triển năng lượng xanh ở Việt Nam. Standard Chartered cũng cam kết tài trợ cho các dự án xanh của T&T 6 tỷ USD (trên tổng số 8 tỷ USD tài trợ chung cho Việt Nam)…

[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” ngành năng lượng tái tạo - Ảnh 9
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group và ông Patrick Lee, Chủ tịch Standard Chartered Việt Nam, Giám đốc Standard Chartered Singapore và thị trường ASEAN trao biên bản ghi nhớ tài trợ vốn 6 tỷ USD cho các dự án xanh của T&T Group.

Cụ thể, ngày 4/11/2021, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng, Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn Total Eren (Cộng hòa Pháp) đã trao đổi biên bản ghi nhớ về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Hai bên cũng thống nhất cùng nhau xác định các dự án mới, xem xét tính khả thi về kỹ thuật, tài chính và quy định của các dự án mới với mục đích cùng đầu tư các dự án khả thi và hợp tác phát triển ít nhất 2.000 MW, với tổng mức đầu tư dự kiến 3 tỷ USD. Bắt tay với Total Eren - công ty năng lượng tái tạo đa ngành (thuộc Tập đoàn Dầu khí Total Energies - top 3 các tập đoàn lớn nhất của Pháp và top 5 các tập đoàn lớn nhất thế giới về năng lượng), cho thấy bước đi rất đột phá và táo bạo của T&T Group.

[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” ngành năng lượng tái tạo - Ảnh 10
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group và đại diện Tập đoàn Total Eren (Cộng hòa Pháp) trao biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trước đó, ngày 1/11/2021, trong khuôn khổ Diễn đàn về môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ, Tập đoàn T&T Group và Standard Chartered - định chế tài chính quốc tế hàng đầu có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, đã trao biên bản ghi nhớ về việc Standard Chartered tài trợ vốn cho các dự án môi trường và xử lý chất thải, điện khí LNG, năng lượng tái tạo. Theo đó, Standard Chartered cam kết thu xếp khoản tài chính lên tới 6 tỷ USD để tài trợ cho các dự án xanh mà Tập đoàn T&T Group triển khai tại Việt Nam…

Ngày 9/9/2021, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc chính thức tại Vương quốc Bỉ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tập đoàn T&T Group và Ørsted (Đan Mạch) cũng đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về việc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Hai tập đoàn dự kiến phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận với công suất lắp đặt ước tính gần 10 GW, với tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD, được phân kỳ đầu tư trong thời gian 20 năm.

Gặp gỡ các tập đoàn lớn tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực hết sức mình để phát triển xanh và rất cần các nước phát triển ưu đãi về tài chính xanh, hỗ trợ về công nghệ.

Để có được sự tin tưởng của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng tại tạo, bầu Hiển đã có sự chuẩn bị rất kỹ. “Từ 10 năm trước, chúng tôi đã bắt tay vào nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo để sẵn sàng đón đầu cơ hội. Đến nay, bên cạnh một số dự án điện mặt trời, điện gió lớn đã và sắp hoàn thành, T&T Group còn hoạch định chiến lược phát triển các dự án năng lượng tái tạo, điện khí, cảng và trung tâm khí LNG đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, phù hợp với chiến lược và quy hoạch năng lượng quốc gia.

Việc hợp tác với một tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi như Tập đoàn Ørsted sẽ giúp T&T Group đẩy nhanh tiến độ triển khai hoạch định trên, cũng như đem lại cho chúng tôi những kinh nghiệm và nguồn tài chính quốc tế quý báu trong việc thực hiện các dự án tại Việt Nam”, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T, chia sẻ.

[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” ngành năng lượng tái tạo - Ảnh 11
[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” ngành năng lượng tái tạo - Ảnh 12

Trong những năm qua, với việc đẩy mạnh quyết tâm phát triển năng lượng và cho thấy hướng đi đúng đắn, hiệu quả của một trong những lĩnh vực kinh doanh trọng điểm của tập đoàn. Năm 2020, T&T Group để lại dấu ấn nổi bật bằng những dự án lớn. Cụ thể, dự án nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (tỉnh Ninh Thuận) khi công trình này chính thức khánh thành chỉ sau gần 4 tháng thi công xây dựng. Cuối tháng 6/2020, dự án đi vào hoạt động và hòa vào hệ thống lưới điện quốc gia, vượt kế hoạch 15 ngày. Với công suất 45 MWp, ước tính trung bình mỗi năm, dự án điện mặt trời Phước Ninh sẽ cung cấp cho ngành điện quốc gia khoảng 75 triệu kWh.

Phước Ninh chỉ là dấu mốc đầu tiên trên con đường đua năng lượng của T&T Group. Đà tích lũy trong tròn một thập kỷ tiếp tục đưa T&T cán đích một loạt những cột mốc đáng tự hào. Ngay sau Phước Ninh, tập đoàn còn khởi công liên tiếp các dự án điện mặt trời khác tại Ninh Thuận và Bình Thuận với tổng công suất khoảng 300 MWp.

[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” ngành năng lượng tái tạo - Ảnh 13
Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2.

Trong số này, đến cuối tháng 12/2020, tại Ninh Thuận 2 nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 (có công suất 100 MWp) và Thiên Tân 1.3 (công suất 50 MWp) đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.

Tại tỉnh Bình Thuận, tháng 8/2020, T&T Group bắt đầu triển khai xây dựng dự án nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3 với công suất 50 MW, và tới ngày 22/12/2020, nhà máy Hồng Liêm 3 hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần cung cấp sản lượng điện lớn để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, chỉ tính riêng trong năm 2020, T&T Group đã đưa vào vận hành 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 245 MWp. Trong các dự án này, T&T Group đều bắt tay hợp tác với các tổng thầu uy tín trong nước và thế giới, đảm bảo quy trình vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, các nhà máy điện mặt trời được ứng dụng các công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới, chất lượng vật liệu tốt, bền bỉ và thân thiện với môi trường như sử dụng các tấm pin quang điện, hệ thống Inverter chuỗi cho hiệu suất cao với hệ thống điều khiển tiên tiến, hiện đại.

[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” ngành năng lượng tái tạo - Ảnh 14
Top 4 dự án điện mặt trời lớn nhất của T&T. (Đồ họa: Hoàng Việt)

Bên cạnh các dự án nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Tập đoàn T&T Group cũng đang nghiên cứu, có kế hoạch triển khai hàng loạt dự án nhà máy điện gió ở các địa phương giàu tiềm năng trên khắp cả nước, với tổng công suất lên tới 530 MWp. Theo dự kiến, các dự án này sẽ hòa lưới điện quốc gia sẽ góp phần đưa T&T Group trở thành “ông lớn” số 1 về đầu tư điện gió trong tương lai. Đồng thời, T&T Group đã hoạch định chiến lược phát triển các dự án năng lượng tái tạo, điện khí, cảng và trung tâm khí LNG đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 phù hợp với chiến lược và quy hoạch năng lượng quốc gia

Với các dự án năng lượng tái tạo hiện nay, T&T Group đã, đang và sẽ góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Về dài hạn, các dự án này sẽ đóng góp lớn vì mục tiêu ổn định an ninh năng lượng quốc gia, xây dựng nguồn năng lượng bền vững cho tương lai đất nước và mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống của người dân.

[Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” ngành năng lượng tái tạo - Ảnh 15

Bài viết: Hà LanĐồ họa: Hoàng Việt

Bạn đang đọc bài viết [Kỳ 1] Bầu Hiển và chiến lược trở thành “ông lớn” năng lượng tái tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bắt Giám đốc Công ty mua bán điện thuộc EVN
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Danh Sơn, Giám đốc Công ty mua bán điện thuộc EVN để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tin mới