Hải Phòng: Đầu năm 2022, khởi công 4 bến cảng container hơn 13.000 tỷ đồng
Hải Phòng là địa phương có vùng biển và đảo rộng lớn với 126km bờ biển và hơn 4.000km2 diện tích mặt biển, thời gian tới Hải Phòng sẽ tận dụng lợi thế này để xây dựng 4 cảng biển vào đầu năm 2022.
Cử tri TP.Hải Phòng trước đó đã có Công văn số 277/BDN ngày 30/08/2021 kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về nguồn lực, thủ tục đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án đầu tư các bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng theo công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh với các cảng biển của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo đó, cử tri TP.Hải Phòng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về nguồn lực, thủ tục đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án đầu tư các bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng theo công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh với các cảng biển của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hai bến khởi động số 1, số 2 thuộc Khu bến Lạch Huyện mà theo Bộ Giao thông vận tải đã được Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đầu tư với các thiết bị bốc dỡ thuộc loại hiện đại, tiên tiến trên thế giới, đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 05/2018 với công suất thiết kế khoảng 1,1 triệu TEU/năm.
Năm 2019, 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, lượng hàng hóa thông qua 2 bến cảng lần lượt là 353.632 TEU; 659.684 TEU và 520.000 TEU, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng bến cảng số 3, số 4 thuộc Khu bến Lạch Huyện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 09/10/2019 và giao Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng là nhà đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 6.946 tỷ đồng. Song, sau gần 2 năm phê duyệt chủ trương, do nhiều vướng mắc, tốc độ đầu tư xây dựng các bến container hiện đang quá chậm, dự án vẫn chưa được khởi công.
Cùng với đó, bến số 5, số 6 được Thủ tướng Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 299/QĐ-TTg ngày 04/03/2021 và giao Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư 6.425 tỷ đồng. Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng vừa tổ chức hội nghị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6 vào tháng 09/2021.
Để phục vụ hoạt động của các bến cảng từ số 3 - 6 thuộc Khu bến Lạch Huyện, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ cũng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình "Tuyến đường giao thông sau bến số 3 đến bến số 6 thuộc Khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng" với quy mô đầu tư tiếp nối tuyến đường hiện hữu từ cuối bến số 2 đến bến số 6 và bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, để thực hiện đầu tư đồng bộ với tiến độ thực hiện các bến cảng từ số 3-6.
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-BGTVT ngày 22/09/2021.
"Hiện nay, các nhà đầu tư các bến cảng từ số 3 - 6 thuộc Khu bến Lạch Huyện đang triển khai thủ tục theo quy định. Dự kiến sẽ khởi công đầu năm 2022 và lần lượt đưa 04 bến, từ bến số 3 - 6 vào khai thác trong giai đoạn 2023-2025".
Bộ Giao thông vận tải
Bộ Giao thông vận tải đang giao Cục Hàng hải Việt Nam lập "Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước vùng đất, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" và "Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" làm cơ sở để quản lý quy hoạch và tham gia ý kiến đối với chủ trương đầu tư các bến cảng tiếp theo của Khu bến Lạch Huyện.
Có thể nói, Hải Phòng là địa phương có vùng biển và đảo rộng lớn với 126km bờ biển và hơn 4.000km2 diện tích mặt biển, là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm dịch vụ logistics.