Hạ tầng giao thông - Điểm tựa quan trọng để kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu cất cánh
Với hệ thống giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới.
Cùng với nhiều tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 51, Quốc lộ 56, Quốc lộ 55, các tuyến đường liên tỉnh, đường ven biển... đang phát huy hiệu quả cho phát triển kinh tế. Mới đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng. Trong đó, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường ĐT 994... là các dự án vừa được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi công đồng loạt vào tháng 6/2023.
Theo định hướng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu việc hoàn thiện về hạ tầng giao thông sẽ giúp tỉnh phát huy tối đã các tiềm năng kinh tế của tỉnh như du lịch, cảng biển, công nghiệp... Đồng thời, sẽ giúp Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút được nhiều hơn nữa đầu tư trong và ngoài nước.
Nhận định về tác động của hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chuyên gia kinh tế Hoàng Đình Thảo, Giáo đốc Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Tư vấn Hồng Hà cho rằng, hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới đề xuất phát từ các lợi thế như vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, con người và đặc biệt hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
“Hạ tầng giao thông là dẫn lực rất quan trọng của phát triển kinh tế. Đối với các nhà đầu tư, trước khi quyết định đầu tư tại địa phương nào thì điều đầu tiên họ nhắm tới là hạ tầng giao thông, haj tầng kỹ thuật có đáp ứng được cho ngành nghề của họ hay không. Do đó, việc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua thể hiện tâmg nhìn chiến lược cua lãnh đạo tỉnh trong phát triển kinh tế bền vững”, ông Thảo nhận định.
Đồng quan điểm với ông Hoàng Đình Thảo, nhiều chuyên gia cũng nhận định, các dự án giao thông kết nối có ý nghĩa rất quan trọng, phát huy tối đa tiềm năng của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Trong đó, dự án cầu Phước An nối đường liên cảng với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, đấu nối đường Vành đai 3 TP. HCM, nối Bình Dương với khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải qua Đồng Nai. Còn cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu sẽ giúp cho vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai đến các khu vực lân cận và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nhanh chóng hơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực Đông Nam bộ.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội cảng biển Đông Nam Á cho rằng, trong 2-3 năm tới, các dự án trên sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt giao thông của khu vực phía Nam mà đặc biệt là vùng Đông Nam bộ. Riêng ở khu vực Cái Mép – Thị Vải, khi các dự án trên hoàn thiện và đưa vào khai thác không chỉ khẳng định vai trò quan trọng, là cửa ngõ trung chuyển quốc tế mà còn góp phần cắt giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.
“Cái Mép không so sánh các cảng ở Việt Nam mà phải so với khu vực, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải tận dụng lợi thế "độc nhất vô nhị" của mình, đó là có cụm cảng nước sâu. Thứ hai là khi khơi thông được 3 tuyến huyết mạch này (cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, cầu Phước An và đường ven biển 994 - PV) thì các tổ hợp công nghệ, tập đoàn lớn sẽ vào Bà Rịa – Vũng Tàu, bởi họ sẽ tận dụng lợi thế, đặt "đại bản doanh" tại đây nhằm mục đích xuất khẩu hàng hoá đi Mỹ”, ông Nguyễn Xuân Kỳ nói.
Theo Nghị quyết 24 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, đến 2030 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, Thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, các trục ven biển từ Phú Mỹ đến Bình Châu, huyện Xuyên Mộc sẽ trở thành trung tâm du lịch quốc gia.
Còn theo nhận định của ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngành đã tham mưu cho tỉnh về chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 gắn với quy hoạch mới: “Để du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu cất cánh và phát triển, chúng tôi đặt trọng tâm việc xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu thị trường, từ đó thấy được những thị trường truyền thống, thị trường cần mở rộng, chuyên sâu và có những thị trường cần làm mới để thu hút lượng khách quốc tế, khách du lịch có mức chi tiêu cao”.
Thông tin về tình hình phát triển hạ tầng giao thông của Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay, ngoài những dự án hạ tầng kết nối liên vùng, tỉnh cũng đang đẩy mạnh triển khai các tuyến nội vùng kết nối vào sân bay Long Thành, trục hành lang kinh tế như: tuyến đường 991B nối từ cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu vào đường liên cảng; tuyến Long Sơn – Cái Mép nối từ Trung tâm hoá dầu Long Sơn vào 911B và nối với đường liên cảng với đường ven biển 994.
Dự kiến trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để hình thành trung tâm kiểm định hàng hoá tại Cái Mép - Thị Vải, kết hợp với trung tâm thương mại tự do.
“Hướng phát triển của Bà Rịa – Vũng Tàu tới đây sẽ là tập trung đầu tư khu công nghiệp công nghệ cao, các tổ hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị theo hình thức mới. Chính phủ cũng đã quyết định cho Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành lập các đề án này. Như vậy, khi các nhà đầu tư đến đây thì tỉnh cũng đã sẵn sàng về hạ tầng, về quy hoạch để phục vụ nhà đầu tư”, ông Nguyễn Công Vinh cho biết.
Việt Quang