0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 31/08/2020 15:30 (GMT+7)

Giá bất động sản vẫn tăng nhưng không còn dành cho nhà đầu tư ngắn hạn

Bất chấp dịch Covid-19 bất động sản vẫn không khủng hoảng cũng không giảm giá; đầu tư bất động sản hiện nay cần cái nhìn trung và dài hạn.

Đây là những nhận địch tích cực được nhiều chuyên gia Tại hội thảo "Bất động sản Việt Nam 2020 – 2021: Sẵn sàng chu kỳ mới" do BizLive tổ chức, diễn ra vào ngày 29/8 vừa qua tại FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa) 

Đánh giá về thị trường bất động sản, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Jll Việt Nam cho rằng, trong ngắn hạn cần cẩn trọng nếu lướt sóng đầu tư bởi trong 12 tháng tới 18 tháng tới thị trường tương đối khó khăn.

“Tôi cho rằng, bất động sản không còn dành cho nhà đầu tư ngắn hạn, kiếm tiền không bền vững thì rất nhanh mất cả vốn lẫn lãi. Chúng ta cần nhớ rằng BĐS là cuộc chơi của trung và dài hạn” ông Quang nhận định.

Ông Quang phân tích, trung và dài hạn thì nên bỏ qua tác động của dịch Covid-19 này, hãy coi Covid là bình thường, coi đây là một trạng thái bình thường mới. Ông Quang cũng khuyên các nhà đầu tư hãy đầu tư trung hạn, đừng đầu tư ngắn hạn, bởi trong trung hạn GDP vẫn phát triển tốt, dân số phát triển thì bất kỳ loại nhà ở nào cũng sẽ phát triển.

“Xu hướng tất cả các đô thị vệ tinh sẽ kết nối thẳng và không còn khái niệm đô thị vệ tinh nữa, 1-2 tiếng lái xe không vấn đề gì. Hãy đầu tư vào BĐS trung và dài hạn, đừng nhìn ngắn hạn, ngắn hạn rất nguy hiểm. Bất kỳ phân khúc nào của BĐS cũng đều rất tốt” ông Quang nói.

Toàn cảnh hội thảo.

Cùng chung quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho biết, trong và sau đại dịch Covid-19, hành vi của các nhà đầu tư đã và đang thay đổi rất lớn, do vậy, cấu trúc thị trường bất động sản cũng sẽ thay đổi rất nhiều để thích nghi.

Vì vậy, ông lực đã đưa ra lời khuyên đối với các nhà đầu tư có ý định rót tiền đầu tư bất động sản thời điểm này nên lưu ý 4 yếu tố:

Thứ nhất, cần xác định việc đầu tư thời điểm này mang tính trung dài hạn. “Thời buổi này lướt sóng, đầu cơ, ăn ngay là khó”, ông Lực nói. Thứ hai theo ông Lực, không đầu tư theo phong trào. Thứ 3 là không dùng đòn bẩy tài chính quá lớn. Thứ 4 là cần đa dạng hoá danh mục đầu tư, không nên để trứng vào một giỏ.

Về tầm nhìn dài hạn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng bất động sản du lịch vẫn luôn có những dư địa tăng giá dành cho các nhà đầu tư tính đường dài.

Còn về ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đến thị trường bất động sản, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, doanh nghiệp bất động sản trong một hội thảo gần đây đã đưa ra quan điểm rằng Covid-19 chưa ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực này. "Cho đến nay, chưa mấy doanh nghiệp nào kêu khó trong mảng bất động sản. Cái đáng lo nhất theo tôi lại là các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải, hàng không, đường biển...", ông Quyết nói.

Vị chủ tịch FLC cũng khẳng định nếu đã đầu tư bất động sản bài bản và quy mô thì khủng hoảng 3 tháng hay 1 năm không có gì đáng ngại. Bất động sản càng để lâu càng có hiệu quả. Các công ty môi giới hoặc công ty nhỏ không thể chờ từ 1 đến 2 năm được. Nếu qua 1-2 năm thì sang đến năm thứ 3 có khi giá còn gấp đôi, gấp ba.

"Với mảng bất động sản của FLC, Covid-19 có kéo dài đến sang năm thì chúng tôi cũng không lo ngại, nhưng chúng tôi lo ngại cho các mảng khác như du lịch, hàng không. Covid-19 lần 2 xảy ra, công suất của hệ thống phòng FLC khi đại dịch thứ 2 xảy ra, công suất tụt còn 20-30%. Rất đáng mừng, sau khi kiểm soát được dịch, ngay như ngày hôm nay, công suất phòng đang tăng lên rồi. Dịch được kiểm soát tốt, mọi thứ đang dần dần tốt hơn", ông Quyết chia sẻ.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC

Ông Quyết cũng đánh giá, về lâu dài bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn nhất và có khả năng sinh lời cao nhất. Trong thời gian qua, không thấy bất cứ nhà đầu tư nào thua lỗ trong lĩnh vực này, nếu thua lỗ chẳng qua là theo phong trào.

"Phong trào ở đây là gì? Nhiều người đầu tư vào rồi muốn rút ra ngay, kiểu như vài tháng rồi rút tiền ra ngay chắc chắn sẽ thua lỗ. Ông Quyết cho rằng nếu rút như vậy 90% là thất bại. Có thể kể đến câu chuyện Vân Đồn, Phú Quốc, Nha Trang… Thời gian qua, đầu tư ở Hà Nội hay TP.HCM, dù vùng ven đều có hiệu quả. Còn nếu theo phong trào như các vùng đất ở trên thì rút vốn ra còn khó chứ đừng nói đến hiệu quả", ông Quyết giải thích

Về thị trường BĐS từ nay đến cuối năm, Chủ tịch FLCnhận định với quy trình thủ tục pháp lý hiện nay, việc hoàn thiện dự án bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ với bất động sản đô thị, từ khâu lên dự án cho đến khi đưa ra thị trường, hoàn thiện điện đường trường trạm…, quy trình phải mất ít nhất 3 - 4 năm, với điều kiện luân chuyển tiền một cách có hệ thống. Doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ khó mà theo được với quy trình này.

"Với điều kiện khó khăn như vậy từ nay đến sang năm, vậy sản phẩm ra thị trường sẽ rất ít? Các bạn có thể tìm hiểu số lượng các dự án ra thị trường nay đến năm sau, không nhiều. Mặt khác, qua hai làn sóng dịch Covid, tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu giảm giá hay bán phá giá nào cả. Bởi vậy, tôi tin rằng những năm tới, chắc chắn thị trường bất động sản còn rất nhiều lợi thế", Chủ tịch Tập đoàn FLC nói.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Giá bất động sản vẫn tăng nhưng không còn dành cho nhà đầu tư ngắn hạn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới