FTA mở ra cơ hội giúp nông sản Việt ghi dấu ấn trên thị trường thế giới
Việc tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu nông sản, mở ra những cơ hội lớn cho nông sản Việt ghi dấu ấn trên thị trường thế giới.
Những năm qua,Việt Nam đã tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, nổi bật nhất là các FTA thế hệ mới, như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Điều này đã góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu nông sản, mở ra những cơ hội lớn cho nông sản Việt ghi dấu ấn trên thị trường thế giới.
Trước tiên, với Hiệp định EVFTA, kể từ khi có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam, hưởng lợi nhiều nhất phải kể đến ngành hàng thủy sản. Có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0% đến 22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6% đến 22% đã được đưa về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, số dòng thuế còn lại được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3 đến 7 năm, góp phần quan trọng tăng cao sức cạnh tranh về giá của thủy sản Việt Nam so với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu về thủy sản tại thị trường EU đã phục hồi rõ rệt. Riêng 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76%; đối với mặt hàng tôm, xuất khẩu sang EU đạt 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt là 77%, 59% và 82%.
Không chỉ thủy sản, gạo cũng là một trong những mặt hàng tận dụng được nhiều lợi thế nhờ các hiệp định EVFTA, UKVFTA, RCEP. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 15.500 tấn gạo sang EU, đạt kim ngạch 11,7 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá gạo bình quân xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 755 USD/tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với Hiệp định RCEP, được 10 nước thành viên ASEAN ký kết với các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, xét về quy mô dân số (với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới) và GDP hơn 27.000 tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.
Sau khi RCEP có hiệu lực, các bên ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết cắt bỏ thuế quan. Điều này được kỳ vọng tạo ra nhiều lợi thế cho các mặt hàng nông sản Việt Nam trong thời gian tới, nhất là đối với ngành hàng thủy sản vì ngoài các thành viên ASEAN thì 5 nước đối tác tham gia RCEP đều là các đối tác quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam. Hiện, xuất khẩu thủy sản vào thị trường RCEP chiếm khoảng 52% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Ngoài ra, mặt hàng gạo và trái cây cũng có nhiều cơ hội vì RCEP có sự tham gia của Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng đầu hai mặt hàng này của Việt Nam.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand hiện cũng rất rộng mở cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam khi Hiệp định RCEP có hiệu lực. Nhật Bản hiện đang nhập nhiều loại trái cây, rau, củ của Việt Nam như: chuối, dừa, vải, sầu riêng, hạt điều, đậu tương Nhật, khoai môn… Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam đều còn ít, cụ thể: xoài tươi mới chiếm 5,5% thị phần nhập khẩu so với Thái Lan là 17,1%; xoài sấy chiếm 4,3% thị phần so với Thái Lan là 19%; đậu tương Nhật, khoai môn mới chỉ chiếm lần lượt 1% và 0,1% thị phần (hai mặt hàng này Nhật Bản chủ yếu nhập từ Trung Quốc).
Ngoài ra, ông Vũ Hoàng Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản cho biết thêm, hiện số lượng người dân đến từ các nước châu Á đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản khá lớn, đồng thời số lượng người Việt Nam tăng rất nhanh trong những năm qua. Do vậy, nông, thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang Nhật Bản trong thời gian tới vì vậy cần xúc tiến mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng hơn nữa để sớm tận dụng các ưu đãi từ RCEP nói riêng và các FTA khác nói chung.
Thanh Tùng