Xuất khẩu nông sản đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới
Việc đẩy mạnh tìm kiếm thêm thị trường mới cho nông sản xuất khẩu vừa tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, trong 3 tháng đầu năm, mức tăng trưởng xuất khẩu chung đạt 12,9%, kết quả tăng 19,7% của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản là khá ấn tượng. Những mặt hàng tăng trưởng cao trong nhóm này gồm: cà phê tăng 19,4% về lượng và 50,4% về kim ngạch do giá cà phê xuất khẩu tăng cao; hạt tiêu dù giảm 11,5% về lượng nhưng vẫn tăng 40,8% về kim ngạch; gạo tăng 24% về lượng và tăng 10,5% về kim ngạch.
Riêng kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so cùng kỳ, trong đó cá tra và tôm là những mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất.
Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, xung đột Nga - Ukraine đã khiến xuất khẩu thủy sản sang Nga giảm 86% trong tháng 3, chỉ còn 2,7 triệu USD; xuất khẩu sang Ukraine bị dừng hoàn toàn mặc dù 2 tháng đầu năm vẫn đạt kim ngạch 4,5 triệu USD.
Có thể thấy, tình hình xung đột Nga - Ukraine tác động chưa quá lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (Nga chiếm 2%, Ukraine chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản), tuy nhiên đã ảnh hưởng mạnh đến mặt hàng cá ngừ vì đây là hai trong số 20 thị trường nhập khẩu cá ngừ nhiều nhất của nước ta.
Mặt khác, do giá dầu tăng cao, nhiều ngư dân phải cho tàu “nằm bờ”, dẫn đến xuất khẩu hải sản trong tháng 3 chỉ giữ được mức tăng dưới 3%. VASEP nhận định, xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine nhưng vẫn có động lực tăng trưởng ở các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU),… khi hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đã trở lại trạng thái bình thường. Dự báo, xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 sẽ tăng trưởng khoảng 25%, trong đó xuất khẩu các loại cá biển có thể giảm 15%, nhưng xuất khẩu cá tra có thể tăng 80% và tôm tăng 20%.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, dù tình hình xuất khẩu nông sản trong quý I đạt kết quả cao, nhưng thực tế vẫn còn khó khăn ở một số nhóm hàng và gần nhất là liên quan trái cây xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ biên giới sang Trung Quốc.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công thương cũng đã dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ đề án chuyển hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch, từ đó, sẽ phối hợp các địa phương tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về xuất khẩu nông sản nói chung và sang Trung Quốc nói riêng, biên soạn tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp tìm thị trường, bạn hàng cũng như cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm thêm các thị trường mới cho nông sản xuất khẩu.
Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, hoạt động xuất khẩu thời gian tới kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ sự phục hồi của kinh tế trong nước và thế giới cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia được thực thi đầy đủ hơn. Tuy nhiên, nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang, giá cước vận tải tăng cao sẽ gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.
Mặt khác, giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào dự báo tiếp tục tăng cao cũng sẽ tạo áp lực lớn cho hoạt động sản xuất. Do đó, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu; phối hợp các bộ, ngành trong điều hành giá; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Đồng thời, chủ động rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,… để có biện pháp điều chỉnh phù hợp hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhằm vừa tận dụng được cơ hội về giá xuất khẩu, nhưng vẫn bảo đảm đủ nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ liên tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, chủ động đánh giá các tác động đến sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; tăng cường công tác thông tin hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội; đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm tận dụng cam kết trong các FTA và thông qua chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.
Thanh Tùng