0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 20/06/2022 11:22 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long được tài trợ hơn 2 tỷ USD để phát triển bền vững

Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ diễn ra vào ngày mai - 21/6. Tại Hội nghị này, Ban tổ chức sẽ công bố khoản tài trợ hơn 2 tỷ USD phát triển bền vững ĐBSCL.

Đồng bằng sông Cửu Long được tài trợ hơn 2 tỷ USD để phát triển bền vững - Ảnh 1
Ngày 21/6/2022 sẽ công bố cam kết tài trợ của nhóm 6 ngân hàng phát triển thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025 (Ảnh minh họa)

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, để thống nhất triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương vùng ĐBSCL tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiều hoạt động triển khai Nghị quyết này. Đặc biệt là công tác quy hoạch, điều phối liên kết phát triển vùng và huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.

Trong đó, Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 sẽ được tổ chức vào ngày 21/6 tại TP. Cần Thơ. Hội nghị sẽ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, với sự tham dự của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL, TP. HCM, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, các chuyên gia và nhà khoa học.

Hội nghị sẽ công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022; Định hướng triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;...

Đặc biệt, tại Hội nghị sẽ công bố cam kết tài trợ của nhóm 6 ngân hàng phát triển thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài với mức vốn cam kết vào khoảng 2,2 tỷ USD.

Phát triển ĐBSCL từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một trong những nội dung trọng tâm của Nghị quyết là đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng ĐBSCL gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng ĐBSCL.

Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững với các sản phẩm trọng tâm là thủy sản, trái cây và lúa gạo gắn với các cụm ngành nông, lâm, thủy sản, các trung tâm đầu mối.

Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, chú trọng dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và nông nghiệp, trong đó phát triển TP. Cần Thơ thành trung tâm thương mại, dịch vụ của vùng. Phát triển du lịch đặc trưng vùng sông nước trở thành ngành mũi nhọn, gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hóa - lịch sử. Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics của vùng, hoàn thiện quy hoạch và đầu tư phát triển Trung tâm Logistics tại Cái Cui (Cần Thơ) và mở rộng dịch vụ logistics hàng không.

Phát triển mạnh kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Chú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, vườn ươm công nghệ; thành lập và phát triển Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng tại TP. Cần Thơ; xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Cần Thơ thành khu công nghệ cao quốc gia.

PV

Bạn đang đọc bài viết Đồng bằng sông Cửu Long được tài trợ hơn 2 tỷ USD để phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới