0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 16/12/2021 14:57 (GMT+7)

Chính sách 'thắt van' tiền của Mỹ và tác động đến Việt Nam

Bắt đầu từ tháng 1/2022, Fed sẽ giảm quy mô mua lại trái phiếu chính phủ Mỹ hàng tháng thêm 20 tỷ USD. Số chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) được mua cũng sẽ giảm 10 tỷ USD.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Fed sẽ nâng lãi suất nhiều lần trong năm sau

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ giảm quy mô gói kích thích nhanh hơn dự kiến. Bản cập nhật dự báo kinh tế của họ cũng cho thấy sẽ có nhiều đợt nâng lãi suất năm 2022.

Bắt đầu từ tháng 1/2022, Fed sẽ giảm quy mô mua lại trái phiếu chính phủ Mỹ hàng tháng thêm 20 tỷ USD. Số chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) được mua cũng sẽ giảm 10 tỷ USD. Như vậy, cơ quan này sẽ chỉ mua lại tổng cộng 60 tỷ USD mỗi tháng và sẽ kết thúc việc mua trái phiếu thời kỳ đại dịch vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4/2022.

Với tốc độ này, chỉ thêm 2 phiên họp nữa (vào tháng 1 và tháng 3), Fed sẽ rút hoàn toàn chương trình kích thích, Chủ tịch Fed - Ông Jerome Powell cho biết trong cuộc họp báo ngày 15/12. Tuy nhiên, họ vẫn có thể thay đổi tùy theo tình hình kinh tế.

Bản cập nhật chính sách kinh tế của Fed cũng đưa ra nhiều dự báo. Trong đó, quan chức Fed dự báo lãi suất tham chiếu sẽ lên 0,9% năm 2022, tăng so với kỳ vọng 0,3% hồi tháng 9. Việc này đồng nghĩa Fed sẽ nâng lãi suất nhiều lần trong năm sau. Powell cho biết họ sẽ nâng lãi dần dần.

Ở thời điểm này, tác động kinh tế tiềm tàng từ biến chủng Omicron chưa làm thay đổi quan điểm của Fed. Dù vậy, ông Powell thừa nhận có khả năng lạm phát cao sẽ kéo dài lâu hơn dự tính. "Một trong những lý do đằng sau động thái của chúng tôi hôm nay là đặt mình vào tình huống đối phó lạm phát", ông nói.

5 tác động đến kinh tế - tài chính thế giới và Việt Nam

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed có ít nhất 5 tác động chính tới tài chính thế giới và Việt Nam với mức độ khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước.

Một là, đồng USD tăng giá với lý do chính là kinh tế Mỹ phục hồi khá tốt và lãi suất đồng USD chuẩn bị tăng. Điều này khiến đồng nội tệ của các nước (nhất là thị trường mới nổi) mất giá tương ứng, cùng với lạm phát nội tại đang ở mức cao, khiến nhiều NHTW các nước cũng sẽ tăng lãi suất. Một số NHTW (như Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga…) đã hành động theo hướng này.

Hai là, thị trường chứng khoán toàn cầu, nhất là Mỹ, EU và một số thị trường Châu Á (không loại trừ Việt Nam) tăng điểm (dù không nhiều do đã dự báo trước), phản ánh kỳ vọng kinh tế thế giới đang phục hồi khá tốt. Tuy nhiên, đây chỉ là xu hướng tạm thời vì thị trường sẽ có những điều chỉnh khi tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn.

Ba là, tỷ giá biến động nhẹ do đồng USD tăng giá như nêu trên. Xu hướng này có thể còn tiếp diễn trong nửa đầu năm tới. Với Việt Nam, tỷ giá có thể tăng nhẹ, nhưng không nhiều do kinh tế Việt Nam đang phục hồi (tăng trưởng khoảng 2% năm 2021 và sẽ phục hồi lên mức 6,5-7% nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH); lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (CPI tăng khoảng 2% năm 2021), nhưng sẽ gia tăng lên mức 3,4-3,7% năm 2022; cung - cầu ngoại tệ cơ bản ổn và cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư. 

Bốn là, lãi suất USD tăng đồng nghĩa với việc nghĩa vụ trả nợ bằng USD của nhiều quốc gia bị tăng lên, nhất là trong bối cảnh vay nợ của nhiều nước tăng nhanh thời gian qua.

Nợ công toàn cầu tăng nhanh, từ mức 84% GDP năm 2019, lên 101,6% GDP năm 2020 và 104,8% GDP năm 2021 (chính phủ các nước vay nợ nhiều trong bối cảnh lãi suất thấp do phải tăng chi tiêu cho phòng chống dịch bệnh và kích thích phục hồi kinh tế). Nợ doanh nghiệp và hộ gia đình cũng tăng nhanh 3 năm qua. Đây là rủi ro nợ mà nhiều nước quan tâm. 

Với Việt Nam, tác động này không nhiều do Việt Nam đang giảm dần vay nợ nước ngoài (nợ nước ngoài hiện đang ở mức 38,8% GDP đã điều chỉnh, so với mức 42% GDP bình quân giai đoạn 2010-2019), trong đó có nhiều loại ngoại tệ khác nhau, thời hạn dài (bình quân là 13,8 năm), lãi suất thấp (bình quân 1,35%/năm), theo Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt vay ngoại tệ cần lưu ý xu hướng lãi suất tăng này để có biện pháp quản lý rủi ro phù hợp.

Năm là, có thể xảy ra hiện tượng đảo chiều dòng vốn đầu tư gián tiếp như đã từng xảy ra trước đây, do dòng tiền có xu hướng rút ra từ thị trường mới nổi, quay về thị trường Mỹ, EU… nơi lãi suất tăng lên và cũng là để "tạm thời trú ẩn" rủi ro. Số liệu từ CEIC cho thấy dòng tiền đầu tư ròng đang tăng trở lại từ quý 2/2021. Tuy nhiên, hiện tượng rút ra được dự báo sẽ không nhiều như năm 2013 vì động thái chính sách "thu hẹp nới lỏng định lượng - tapering" này của FED đã được dự báo trước. 

Xu hướng này dự báo sẽ ở mức khiêm tốn đối với Việt Nam khi kinh tế dư báo phục hồi khá, thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, tuy có điều chỉnh và đang được điều tiết theo hướng minh bạch, lành mạnh và chuyên nghiệp hơn.

Mặc dù vậy, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam không thể chủ quan, mà cần theo dõi, phân tích và dự báo, đưa ra các kịch bản điều hành khác nhau, để luôn ở thế chủ động, tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức trong giai đoạn phục hồi KT-XH sắp tới. Với Việt Nam, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định mặt bằng lãi suất là những gì cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi KT-XH.

Bạn đang đọc bài viết Chính sách 'thắt van' tiền của Mỹ và tác động đến Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Điện gió ngoài khơi ở Đài Loan và cơ hội tham gia của Việt Nam
Để hiểu thêm về phát triển điện gió ngoài khơi ở Đài Loan, chuyên gia cập nhật những dữ liệu liên quan đến tiềm năng, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi khu vực này, đặc biệt là cơ hội tham gia làm nhà thầu chế tạo cơ khí, xây lắp... của Việt Nam.
Vốn FDI vào bất động sản tăng gần 2 lần
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục trụ hạng ở vị trí thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI trong 9 tháng qua với hơn 3,5 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Dòng vốn FDI kì vọng khởi sắc và bứt phá trong năm 2022
Năm 2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau hai năm đóng cửa bởi dịch bệnh Covid-19.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023