Việt Nam và Nhật Bản hợp tác ngăn ngừa gián đoạn chuỗi cung ứng
Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Nhật Bản có nhiều ý nghĩa trong việc giảm thiểu rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng các loại nguyên liệu chiến lược cho nền kinh tế.
Kinh tế toàn cầu đang đứng trước những rủi ro hiện hữu về đứt gãy nguồn cung các loại nguyên vật liệu chiến lược do ảnh hưởng từ xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, căng thẳng thương mại, chủ nghĩa bảo hộ và khó khăn của chuỗi vận tải.
Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương Việt Nam đã tích cực trao đổi với nhiều Bộ đối tác ở nước ngoài, trong đó có Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp Nhật Bản để thiết lập cơ chế hợp tác nhằm duy trì sự liên kết, bảo đảm chuỗi cung ứng.
Sau khi thống nhất về nội dung cũng như thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Ngài Hagiuda Koichi, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp Nhật Bản đã ký kết theo hình thức luân chuyển Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại Công nghiệp Nhật Bản về hợp tác ngăn ngừa gián đoạn chuỗi cung ứng.
Ngày 1/5, nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Ông Hirose Naoshi, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp Nhật Bản đã chính thức trao đổi Bản ghi nhớ đã được ký kết nêu trên trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio.
Việc ký kết Bản ghi nhớ này vừa có ý nghĩa đóng góp thiết thực vào kết quả chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản, vừa tạo thêm khuôn khổ hợp tác nhằm giảm thiểu rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng các loại nguyên liệu chiến lược cho nền kinh tế.
Theo nội dung thống nhất tại Biên bản ghi nhớ, hai Bên sẽ thường xuyên chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản, xác định các trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn để kịp thời trao đổi về các biện pháp cần thiết phải thực hiện để nối lại hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng một cách nhanh chóng và thông suốt.
Để đạt được mục tiêu trên, hai bên thống nhất sẽ tổ chức các cuộc họp thường kỳ và đột xuất, đặc biệt duy trì kênh thông tin liên lạc thông qua cơ quan đầu mối của hai Bộ.
Tầm quan trọng của việc phục hồi chuỗi cung ứng
Trước đó, hồi cuối tháng 2, tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) lần thứ 24 với chủ đề "Phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới", Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Tấn Công, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam nhận định:
"Chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước đang đối mặt nguy cơ đứt gãy do dịch bệnh Covid-19 và những biến động khó lường của xung đột thương mại, thiên tai…".
Ông Công cho biết, việc phục hồi chuỗi cung ứng là yếu tố nền tảng cho phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó quyết định thành công của Chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Nhìn từ góc độ khác, đây cũng là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp tại Việt Nam nâng cao vị thế, vai trò trong chuỗi cung ứng trong nước cũng như quốc tế.
"Phục hồi chuỗi cung ứng là yếu tố nền tảng cho phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó quyết định thành công của Chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Theo đánh giá, so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đã làm tốt việc kiểm soát đại dịch và nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế.
"Trong bối cảnh đất nước đã chuyển từ giai đoạn ứng phó khủng hoảng sang phục hồi và phát triển, câu hỏi đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là làm thế nào để phục hồi chuỗi cung ứng cũng như chuẩn bị sẵn sàng hơn cho những cú sốc trong tương lai?", ông Nguyễn Tấn Công đặt vấn đề.
Chủ tịch VCCI cho rằng, bài toán này không chỉ cần giải pháp chủ động, linh hoạt từ doanh nghiệp, mà còn cần sự vào cuộc của các bộ ban ngành, các cấp lãnh đạo trong việc tạo điều kiện phục hồi, phát triển chuỗi cung ứng.
Thiện Tâm