Vốn đầu tư từ Anh dồn vào công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam
Đầu tư của Anh vào Việt Nam có xu hướng tăng sau khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) có hiệu lực.
Gần 50 dự án cấp mới
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, bên cạnh thương mại hai chiều tăng trưởng 17% trong năm đầu thực thi FTA song phương Việt - Anh, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Anh vào Việt Nam đã tăng đáng kể.
Cụ thể, trong năm 2021, có 48 dự án của Anh đầu tư vào Việt Nam được cấp mới, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 53 triệu USD, tăng 157% so với năm trước đó.
Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp Anh tại Việt Nam hiện đạt khoảng 4 tỷ USD, chiếm gần 1% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào nước ta. Anh đứng thứ 15/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Trong số những dự án đầu tư lớn của Anh tại Việt Nam có Dự án CTCP Thành phố Aqua, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư váo tháng 4/2008, tổng vốn đầu tư đăng ký 518,7 triệu USD, hoạt động kinh doanh bất động sản tại tỉnh Đồng Nai; Dự án liên doanh Hợp đồng dầu khí Lô 06-2, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 12/2000, tổng vốn đầu tư đăng ký 507 triệu USD; Dự án Công ty TNHH thành phố Công nghệ xanh Hà Nội, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 12/2014, là dự án 100% vốn nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tổng vốn đầu tư đăng ký 302 triệu USD…
Các dự án đầu tư của Anh tại Việt Nam tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 38,7% tổng vốn đầu tư đăng ký), kinh doanh bất động sản (26,2%), khai khoáng (17,6%).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu tư của Anh tại Việt Nam có xu hướng tăng kể từ khi nước này rời EU và UKVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, quy mô bình quân đạt 9,2 triệu USD/dự án, thấp hơn quy mô bình quân chung là 11,8 triệu USD/dự án.
Nghị sĩ Graham Stuart, đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh, phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia nhận xét, UKVFTA đi vào thực thi từ đầu năm 2021 là trụ cột quan trọng để thực thi các cam kết thúc đẩy thương mại, đầu tư song phương. Nếu thương mại hàng hóa năm 2021 là một thành tựu lớn mà UKVFTA đã mở ra cho 2 nước ngay sau 1 năm đầu thực thi, thì hoạt động đầu tư tới đây sẽ sôi động hơn.
Nền tảng của hoạt động đầu tư sẽ theo chiều hướng sôi động hơn được ông Graham Stuart nhắc tới là 26 thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp 2 nước nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Anh và dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào cuối năm ngoái.
Trong đó, Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Rolls-Royce ký kết thỏa thuận cung cấp động cơ và dịch vụ động cơ cho đội máy bay thân rộng với tổng giá trị 400 triệu USD; Quỹ đầu tư Affinity và Ngân hàng HDBank ký kết tài trợ 300 triệu USD cho chương trình phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu; Tập đoàn Vingroup và đại diện Công ty Raphael Labs (Anh) ký Thỏa thuận về hợp tác phát triển đầu tư thử nghiệm và chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phòng Covid-19 và các bệnh đường hô hấp...
Năng lượng sạch, công nghệ cao có triển vọng
Nghị sĩ Graham Stuart nhấn mạnh, việc cam kết tiến tới phát thải ròng bằng 0% của Việt Nam tại Hội nghị COP26 rất quan trọng, từ đây sẽ kéo các doanh nghiệp Anh đến Việt Nam đầu tư nhiều hơn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điển hình là điện gió ngoài khơi. Anh hiện là quốc gia dẫn đầu về điện gió ngoài khơi.
Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham) cho biết: “Chúng tôi đang lắng nghe ý kiến và tìm hiểu sự quan tâm của các nhà đầu tư Anh trong kế hoạch đầu tư vào Việt Nam để có tư vấn cụ thể”.
Dù đại dịch còn diễn biến phức tạp, song đường bay giữa 2 nước đã được mở, các chương trình hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp 2 bên vẫn được tiếp tục. Ngân hàng Standard Chartered đã cam kết đầu tư một khoản vốn lớn cho phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới, hỗ trợ công nghệ với các đối tác Việt Nam… Đây là cơ sở cho thấy, hoạt động đầu tư sẽ gia tăng và thực chất hơn.
Theo ông Kenneth Atkinson, những lĩnh vực được doanh nghiệp Anh quan tâm đầu tư sẽ là giáo dục, năng lượng sạch, công nghệ cao, y tế, fintech... Vương quốc Anh mong muốn hợp tác với Việt Nam cùng với các đối tác quốc tế để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về khí hậu, phát triển và thu hút nguồn tài chính tư nhân.
Các tổ chức tài chính nước ngoài đã đưa ra dự báo khá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay được dự báo ở mức 6,5-6,7%, nhờ tỷ lệ bao phủ rộng của vắc-xin phòng Covid-19 và các chính sách phục hồi kinh tế.
Việc rời khỏi Liên minh châu Âu từ tháng 1/2020 đưa Vương quốc Anh chuyển sang một giai đoạn mới. Dòng vốn đầu tư từ Anh vào Việt Nam dự báo tiếp tục tăng, khi các cam kết trong UKVFTA hỗ trợ đắc lực cho quá trình đầu tư này.