0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 01/12/2021 10:23 (GMT+7)

Dư nợ tín dụng tăng mạnh cuối năm, nhiều ngân hàng đẩy mạnh giải pháp tài chính

Nhiều ngân hàng đẩy mạnh giải pháp tài chính với nhiều ưu đãi về hạn mức tín dụng và lãi suất với thủ tục giấy tờ đơn giản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bà Bùi Thúy Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước - NHNN thông tin, tính đến ngày 25/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,1% so với cuối năm ngoái.

tm-img-alt

Đồng thời, đại diện của NHNN cũng chia sẻ về kế hoạch cân nhắc lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn. Mặc dù tỷ lệ này hiện không đáng lo ngại bởi hầu hết ngân hàng đều đáp ứng mức yêu cầu của NHNN, việc lùi thời điểm áp dụng theo Thông tư 08/2020-NHNN sẽ phần nào giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là trong các dự án vay vốn trung - dài hạn để xây dựng các cơ sở hạ tầng, ví dụ như dự án cao tốc Bắc - Nam.

Nhờ vào các giải pháp đồng bộ ngay từ đầu năm nên tín dụng đang dần có sự cải thiện mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chỉ trong chưa đầy một tháng, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 1,38 điểm phần trăm, từ mức 8,72% hôm 29/10 lên mức 10,1% tại thời điểm cập nhật vào ngày 25/11.

Phía NHNN cũng đã chấp thuận việc tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm năm cho một số ngân hàng, việc nới thêm từ 3 - 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.

Theo bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI, điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới với mục đích hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Một số ngân hàng thương mại đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng năm nay, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống  theo hạn mức mới dự kiến vào khoảng 13% vào năm 2021.

Bà Bùi Thúy Hằng cho biết, "Hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm so với năm 2020. Lãi suất cho vay đã giảm 1% trong năm 2020. Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng”.

Theo ông Nguyễn Trọng Tĩnh, Giám đốc trung tâm kênh phân phối và bán hàng của MSB, ngân hàng này hiện đang thực hiện gói giải pháp toàn diện dành cho đối tượng trọng điểm là các doanh nghiệp lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Cụ thể: MSB cho vay tín chấp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tổng hạn mức 200 tỷ đồng, số tiền vay đến 100 tỷ đồng với đảm bảo bằng các hợp đồng đầu ra. Ngoài ra, MSB có thể cấp hạn mức tín chấp ban đầu lên tới 5 tỷ đồng.

Trường hợp doanh nghiệp có tài sản bảo đảm có thể được cấp hạn mức tín dụng gấp 2,5 lần giá trị tài sản. Hiện nay, MSB hỗ trợ cho vay với lãi suất cạnh tranh, chỉ từ 2.5% với khoản vay USD và từ 5.5% với khoản vay VND, với mức lãi suất này có thể được điều chỉnh để cạnh tranh hơn nữa. 

Ông Tĩnh cũng chia sẻ thêm, “Chúng tôi có giải pháp chuyên biệt dành cho nhóm đối tượng doanh nghiệp nhập khẩu với gói tài trợ các khoản thư tín dụng - L/C lên tới 80% giá trị L/C hợp đồng đầu ra. Còn với doanh nghiệp xuất khẩu thì có gói tài trợ trước giao hàng cũng lên tới 90% giá trị xuất khẩu và chiết khấu bộ chứng từ tới 89%”.

Bên cạnh đó, một ngân hàng khác là ngân hàng Sacombank cũng đã dành 20.000 tỷ đồng đến hết ngày 31/12/2021 cho vay doanh nghiệp, cá nhân tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh COVID-19, đồng thời tăng tốc phục hồi sản xuất kinh doanh với lãi suất từ 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng; 5,5%/năm với thời hạn 6 tháng. Nhóm khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh, mua/xây sửa bất động sản, mua xe ô tô cũng được hạ lãi suất vay còn từ 6,5%/năm, thời hạn 1 năm.

Với mục đích tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, phục hồi sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng bởi đại dịch, SHB vừa ra mắt chương trình tài trợ ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ từ nguồn tài trợ của Ngân hàng ADB. SHB sẽ hỗ trợ xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ với những chủ doanh nghiệp nữ đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh. Nếu doanh nghiệp phát sinh cơ cấu nợ kể từ ngày 7/1/2021 sẽ được hỗ trợ 6 tháng tiền lãi và được miễn toàn bộ các loại phí liên quan đến cơ cấu nợ. Giá trị khoản hỗ trợ này lên đến 230 triệu đồng (tương ứng là 10.000 USD). ADB đứng ra thay mặt khách hàng trả phí cam kết rút vốn lên đến 8% giá trị khoản vay nhằm tạo đòn bẩy kinh doanh cho các chủ doanh nghiệp nữ vay vốn mới. SHB cũng có chính sách ưu đãi lãi suất chỉ từ 3,85% để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng giá thấp.

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp vừa trải qua khó khăn do dịch bệnh, tài sản bảo đảm đã mang đi thế chấp các khoản vay nhưng vẫn “khát” vốn để phục hồi sản xuất, việc ngân hàng cho vay theo dòng tiền, cho vay tín chấp là điều cả doanh nghiệp và ngân hàng đều mong muốn.

Đồng thời, phía doanh nghiệp cũng cần công khai, minh bạch, phản ánh đúng thực trạng tình hình tài chính và tiềm lực khả năng sinh lời của dự án bởi hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp khai báo số liệu tài chính không trung thực, gây khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết Dư nợ tín dụng tăng mạnh cuối năm, nhiều ngân hàng đẩy mạnh giải pháp tài chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới