Thương vụ M&A Việt Nam 2021 vượt 3,9 tỷ USD, lĩnh vực tài chính hút vốn nhất
Theo thống kê của Mergermarket, trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam ghi nhận 41 giao dịch M&A với tổng giá trị các thương vụ đạt hơn 3 tỷ USD.
Năm 2021, lĩnh vực dịch vụ tài chính được xem là mảng hút vốn nhất với tổng giá trị các thương vụ ước đạt 1,47 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, chiếm 50% giá trị các thương vụ M&A cùng kỳ.
Cụ thể, riêng quý II/2021 ghi nhận 19 thương vụ thành công, chiếm hơn 46% tổng số thương vụ trong cả ba quý đầu năm. Giá trị giao dịch M&A cho 19 thương vụ trong quý này là 2,5 tỷ USD. Đây cũng là quý có giá trị giao dịch cao thứ hai từ trước đến nay, chỉ sau mức 5,2 tỷ USD đạt được hồi quý IV/2017, thời điểm diễn ra thương vụ M&A đình đám trị giá 4,8 tỷ USD khi ThaiBev thông qua công ty con Vietnam Beverage mua lại 51% cổ phần Sabeco.
Mergermarket dự báo trong cả năm 2021, giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam sẽ vượt qua con số 3,9 tỷ USD đã đạt được vào năm ngoái, do kỳ vọng hoạt động M&A tiếp tục nở rộ trong quý cuối năm khi các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng tạo điều kiện xúc tiến, hoàn tất những thương vụ còn dang dở.
Tài chính, tiêu dùng hút dòng tiền nhất trên thị trường M&A 9 tháng đầu năm
Các thương vụ M&A năm 2021 diễn ra trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Nếu xét theo giá trị giao dịch, lĩnh vực dịch vụ tài chính được xem là mảng hút vốn nhất với tổng cộng giá trị các thương vụ ước đạt 1,47 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, chiếm khoảng 50% giá trị các thương vụ M&A cùng kỳ.
Trong đó, thương vụ lớn nhất cũng thuộc về lĩnh vực dịch vụ tài chính với giao dịch SMBCCF - công ty con tài chính tiêu dùng trực thuộc định chế tài chính Nhật Bản SMBC - mua lại 49% vốn FE Credit, nhà cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng của VPBank Finance với trị giá 1,4 tỷ USD. Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng vốn vào ngày 28/4 năm nay, SMBCCF và VPBank đã tuyên bố hoàn tất giao dịch mua lại cổ phần trong 6 tháng sau đó.
Một thương vụ nổi bật khác trong lĩnh vực tài chính đang nở rộ tại Việt Nam là giao dịch Ngân hàng Ayudhya (Thái Lan) mua lại SHB Finance từ tay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với giá 69 triệu USD. Thương vụ mở ra cho Ayudhya cánh cửa tiếp cận với 200.000 khách hàng vay của SHB, đồng thời tăng cường sự hiện diện của ngân hàng Thái Lan này tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Nếu xét trên số lượng giao dịch, lĩnh vực công nghiệp - hóa chất là mảng nổi bật nhất với tổng cộng 7 giao dịch M&A trong 9 tháng đầu năm, vượt số giao dịch trong cùng kỳ năm 2020.
2 xu hướng M&A: giao dịch nội địa và quỹ đầu tư tư nhân (PE) nước ngoài
Mergermarket nhận định các thương vụ M&A nội địa đóng góp phần quan trọng cho thị trường M&A 9 tháng đầu năm tại Việt Nam. Bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, tổng cộng đã có 20 giao dịch M&A nội địa được thực hiện từ quý I đến hết quý III/2021, chỉ thấp hơn 3 giao dịch so với con số kỷ lục 23 giao dịch M&A nội địa cùng kỳ năm 2020. Con số này phản ánh niềm tin ngày càng tăng của các công ty trong nước với thị trường và môi trường kinh doanh.
Giao dịch M&A nội địa lớn nhất trong năm tính đến thời điểm này thương vụ sáp nhập Công ty CP GTNFood với Công ty CP chăn nuôi Việt Nam Vilico (Vietnam Livestock Corp.), trị giá 203,5 triệu USD. Theo đó, GTN Foods sẽ hủy niêm yết và sáp nhập ngược thông qua chuyển giao toàn bộ quyền và tài sản đã chuyển nhượng cho Vilico.
Thương vụ nằm trong chương trình tái cơ cấu công ty mẹ Vinamilk, qua đó giúp Vilico tăng cường sự hiện diện trên thị trường chăn nuôi, chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam.
Một thương vụ M&A nổi bật khác là giao dịch trị giá 43 triệu USD khi Nhựa Đồng Nai mua lại 51,78% cổ phần Công ty CP sản xuất gạch ngói CMC.
Một xu hướng khác trên thị trường M&A Việt Nam mà Mergermarket chỉ ra là các quỹ đầu tư tư nhân toàn cầu đang “để mắt” đến cơ hội mua lại và sáp nhập với doanh nghiệp nội. Có tới 8/10 thương vụ M&A hàng đầu tại Việt Nam trong năm 2021 được thực hiện bởi nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh các giao dịch doanh nghiệp, các quỹ đầu tư tư nhân (PE) cũng ngày càng tỏ ra quan tâm đến thị trường M&A trong nước, đặc biệt là tại các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao như bán lẻ hay công nghệ giáo dục.
Trong 9 tháng đầu năm, thương vụ PE lớn nhất thuộc về giao dịch Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia mua lại 5,5% cổ phần trị giá 400 triệu USD của The CrownX Corporation (chi nhánh bán lẻ của tập đoàn Masan Group ở Việt Nam).
Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn
Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý III của Việt Nam giảm sâu kỷ lục (-6,17%) do sự bùng phát làn sóng đại dịch COVID-19 thứ tư, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay đạt 3,8%, tức cao hơn mức tăng trưởng bình quân 3,1% của toàn khu vực Đông Nam Á.
Theo Mergermarket, sức chống chịu của hoạt động thương mại tại Việt Nam trước những gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra là minh chứng cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế. Ngoài ra, các nền tảng cơ bản như lực lượng lao động dồi dào có trình độ học vấn tốt, chi phí lao động rẻ, tầng lớp trung lưu đang phát triển mở ra tiềm năng thị trường hấp dẫn, môi trường chính trị ổn định… sẽ tiếp tục củng cố sức hút của Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Theo Mergermarket, trong ngắn hạn, dự báo các ngành có tiềm năng tăng trưởng cao như tài chính tiêu dùng, điện tử và bán lẻ sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của cả nhà đầu tư chiến lược và quỹ đầu tư tư nhân cho các giao dịch M&A ở quý cuối cùng của năm.