0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 13/04/2023 09:25 (GMT+7)

Bình Thuận: Khai thác đất dăm sạn ở 4 mỏ đặc thù “cứu” tiến độ cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết

Bình Thuận ra liên tiếp 04 quyết định cho phép nhà thầu khai thác ngay 4/6 mỏ vật liệu đặc thù cung cấp cho dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Phê duyệt khẩn cấp “cứu” tiến độ cao tốc

Mới đây, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng đã ký 04 quyết định cho phép các nhà thầu được tiếp tục khai thác các mỏ khoáng sản để phục vụ dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Quyết định số 603/QĐ-UBND; Quyết định số 604/QĐ-UBND; Quyết định số 605/QĐ-UBND; Quyết định số 606/QĐ-UBND). Động thái trên được đưa ra ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 47/NQ-CP về việc thí điểm về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Bình Thuận: Khai thác đất dăm sạn ở 4 mỏ đặc thù “cứu” tiến độ cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết - Ảnh 1
Trước tình trạng thiếu vật liệu san lấp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thí điểm về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Theo đó, các quyết định này cho phép Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C tiếp tục khai thác khoáng sản vật liệu san lấp (đất dăm sạn bồi nền) tại 04 mỏ gồm: mỏ tại thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, mỏ tại thôn 2, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, mỏ tại Sông Lũy và xã Bình Tân, huyện Bắc Bình, mỏ tại thôn Phú thái, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc. Thời hạn khai thác cho đến khi đủ khối lượng cung cấp cho Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Mục đích khai thác chỉ để cung cấp nguồn đất đắp thi công Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Các quyết định này cũng nêu rõ: Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C có trách nhiệm tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất đã được quy định.

Thực hiện đầy đủ thủ tục thuê đất theo quy định của pháp luật; nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khai thác khoáng sản vật liệu san lấp và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện việc ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định.

Trong quá trình khai thác, phải thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn công trình mỏ; phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động và các quy định khác có liên quan về an toàn trong khai thác mỏ; phải thu hồi tối đa sản phẩm khai thác từ mỏ vật liệu san lấp và các sản phẩm khác (nếu có); báo cáo đúng sản lượng khai thác, sử dụng khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho Dự án đường cao tốc phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, trả lại mỏ và đất đai cho địa phương quản lý theo quy định tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ. Trường hợp các đơn vị thực hiện không đúng nội dung Quyết định này sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật hiện hành.

02 mỏ chưa đủ điều kiện tiếp tục khai thác.

Bên cạnh 04 mỏ đặc thù được phép tiếp tục khai thác khoáng sản để làm vật liệu phục vụ cho tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết thì còn 02 mỏ đặc thù chưa được cấp Quyết định tiếp tục khai thác là mỏ Bình An (Công ty Cổ phần Hải Đăng), mỏ Hòn Lúp (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8-CTTP). Theo tìm hiểu lý do mà 02 mỏ này vẫn chưa được cấp phép khai thác là do mỏ hai đơn vị này chưa nộp đủ tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, chưa nộp đủ tiền thuế, phí theo quy định.

Việc 02 mỏ đặc thù chưa được cấp phép khiến cho khối lượng đất đắp phục vụ thi công tuyến cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết còn thiếu hơn 300.000 m3. Theo tính toán khi mỏ Hải Đăng được cấp phép lại sẽ đáp ứng được 163.000 m3, số lượng đất còn lại sẽ tiếp tục được lấy từ 4 mỏ đặc thù và thu mua từ các mỏ thương mại phục vụ việc xây dựng cao tốc.

Bình Thuận: Khai thác đất dăm sạn ở 4 mỏ đặc thù “cứu” tiến độ cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết - Ảnh 2
Việc thiếu vật liệu san lấp đã khiến dự án cao tốc Bắc - Nam phải lùi tiến độ 2 lần và hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vi tập trung tháo gỡ khó khăn để thông toàn tuyến trước ngày 30/04/2023.

Trước đó, từ giữa tháng 12/2022, dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết bị gián đoạn do thiếu hơn 900.000 m3 đất đắp để làm 148km đường gom dân sinh, các cầu vượt bắc ngang qua tuyến cao tốc. Và nguyên nhân là do giấy phép khai thác các mỏ đất phục vụ dự án đã hết hạn, theo quy định của Luật Khoáng sản, các nhà thầu không được phép triển khai tiếp.

Ngày 07/03/20233, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 31 đồng ý cho UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đất đắp cho nhà thầu đã khai thác trước đó trên cơ sở trữ lượng khoáng sản còn lại và hồ sơ, tài liệu hiện có (không phải lập lại dự án đầu tư, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường).

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc cấp lại các giấy phép nêu trên vẫn có khó khăn, vướng mắc và không thể kịp tiến độ như yêu cầu nên Bình Thuận cùng Bộ Giao thông vận tải tiếp tục kiến nghị Chính phủ tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ dự án theo kế hoạch.

Đến đầu tháng 04/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 47/NQ-CP về việc thí điểm về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Theo nghị quyết mới, Chính phủ đồng ý để UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định cho các nhà thầu tiếp tục khai thác ngay 6 mỏ vật liệu cung cấp cho dự án theo trữ lượng ghi trong giấy phép đã cấp.

Trước đó, vào giữa tháng 03/2023, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đã kiểm tra thực địa 2 dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết và Vĩnh Hảo-Phan Thiết. Tại buổi làm việc, Bộ Giao thông Vận tải đã quán triệt mục tiêu và quyết liệt chỉ đạo ban quản lý dự án và các đơn vị thi công phải đảm bảo tiến độ, hoàn thành toàn bộ tuyến chính để bàn giao đưa vào khai thác sử dụng trước 30/4/2023.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Khai thác đất dăm sạn ở 4 mỏ đặc thù “cứu” tiến độ cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới