Bình Thuận dự kiến xây sân bay Phan Thiết với số vốn khoảng 10.000 tỷ đồng
Phục vụ cho chiến lược biến Phan Thiết - Mũi Né thành điểm đến hàng đầu châu Á, TT Chính phủ đã đồng ý nâng tổng mức đầu tư sân bay Phan Thiết lên mức 10.000 tỷ đồng. Với mức đầu tư này, sân bay Phan Thiết sẽ là một trong 3 sân bay lớn nhất Miền Trung.
Theo VOV, HĐND tỉnh Bình Thuận (khóa XI), nhiệm kỳ 2021-2026 vừa tổ chức kỳ họp, quyết định đầu tư xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT).
Đây là sân bay dân dụng kết hợp hạ tầng sân bay quân sự.
Sân bay Phan Thiết được quy hoạch có 1 đường cất hạ cánh, chiều dài 3.050 m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Đầu tháng 4, lễ chuẩn bị mặt bằng và triển khai dự án xây dựng sân bay Phan Thiết đã được tổ chức. Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án xây dựng sân bay Phan Thiết theo quy định, quyết tâm sẽ triển khai, hoàn thành vào cuối năm 2022.
Trong tháng 5, Thủ tướng đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này.
Trước đó, vào đầu năm 2015, sân bay này đã được khởi công nhưng sau đó "dậm chân tại chỗ". Tới năm 2019, dự án lại manh nha được thi công xong vẫn im lìm. Từ đó đến nay, khu vực xã Thiện Nghiệp - nơi xây dựng sân bay, xảy ra ít nhất 2 đợt sốt đất.
Quy mô của sân bay Phan Thiết được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 3216/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2013 trên cơ sở Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009.
Theo đó, sân bay Phan Thiết giai đoạn đến 2020 phục vụ bay taxi, bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn...; giai đoạn định hướng đến năm 2030 có thể phát triển khai thác bay thường lệ khi có thị trường; cấp sân bay dân dụng cấp 4C - quân sự cấp I với đường cất hạ cánh dài 2.400 m, chủ yếu khai thác máy bay nhỏ; riêng máy bay A320, A321 yêu cầu hạn chế tải, đường bay ngắn hơn 2.000 km; công suất thiết kế đến năm 2030 là 1 triệu hành khách/năm.
Theo Quy hoạch này, sân bay Phan Thiết khi đưa vào khai thác chủ yếu phục vụ bay taxi tuyến nội địa, chưa quy hoạch tuyến bay thường lệ, ...trường hợp phát triển và có thị trường quốc tế thì chỉ trong khu vực Đông Nam Á.