Bình Dương: Nhiều giải pháp để tái sản xuất nông nghiệp sau đại dịch
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cùng các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã sản xuất, chế biến... lên phương án và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản và tái sản xuất sau khi dịch ổn định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương vừa tổ chức diễn đàn "Các giải pháp đảm bảo tái sản xuất nông nghiệp hiệu quả, an toàn đảm bảo các quy định phòng chống Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương" bằng hình thức trực tuyến. Tham gia diễn đàn có đại diện các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; các đơn vị tiêu thụ thu mua sản phẩm nông sản.
Theo ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản tại tỉnh bị ảnh hưởng nhiều trong bối cảnh nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống ở TP HCM và Bình Dương phải tạm ngưng hoạt động để phòng, chống Covid-19. Việc lưu thông, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn dẫn đến một số nơi xảy ra tình trạng sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi giảm giá, tồn hàng cục bộ.
Giá thịt gia cầm và thịt lợn hơi vẫn ở mức thấp, các công ty, cơ sở chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, một phần do thị trường tiêu thụ chậm, sức mua giảm. Giá cả một số mặt hàng nông sản như rau các loại, trái cây có múi bị tồn ứ và giá bán giảm 30-40%.
Để giải quyết vấn đề này, ngành nông nghiệp triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong tiêu thụ như phối hợp với Sở Công Thương tổ chức kết nối tiêu thụ ở các điểm bưu cục, xe bán hàng lưu động, giới thiệu đến các đơn vị thu mua. Sở Nông nghiệp cũng cùng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vùng I kết nối tiêu thụ sản phẩm về thị trường TP HCM (thành viên tổ kết nối cung cầu nông sản phía Nam); triển khai kênh bán lẻ online trên Facebook, Zalo, giao hàng trực tiếp đến các đầu mối đặt hàng.
Kết quả, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại khoảng 4-5 tấn chuối, 30 tấn bưởi, 140 tấn dưa lưới, 30 tấn nấm ăn... Dự kiến tình hình sản xuất, tiêu thụ sẽ bình thường trở lại sau khi các chợ truyền thống, chợ đầu mối mở cửa trở lại.
Phát biểu kết luận tại diễn đàn, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương cho hay, để chuẩn bị cho kế hoạch khôi phục các hoạt động nông nghiệp trong trạng thái bình thường mới sau giãn cách xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp cần thực hiện ngay các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tăng cường công tác dự báo, phát hiện tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, khuyến khích tái sản xuất nông nghiệp đối với các trang trại chăn nuôi, trồng trọt.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi hiệu quả. Áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất có chứng nhận, cơ giới hóa trong sản xuất, giảm chi phí giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
"Ngành nông nghiệp sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp. Kiên quyết xử lý theo các quy định pháp luật đối với các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Về công tác tiêu thụ sản phẩm phải đồng thời vừa đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối truyền thống, vừa tập trung phát triển các kênh phân phối hiện đại, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các hình thức xúc tiến tiêu thụ nông sản", ông Bông nhấn mạnh.
Tại diễn đàn trực tuyến, các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, các đơn vị tiêu thụ thu mua sản phẩm nông sản cũng trình bày các khó khăn còn tồn tại và đề xuất các giải pháp. Các bên cũng kỳ vọng diễn đàn sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp cùng lắng nghe các khó khăn của người sản xuất, định hướng phát triển trong tình hình mới để tìm ra các giải pháp thiết thực, khả thi cho việc tái sản xuất ổn định, hiệu quả.