0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 31/12/2021 17:30 (GMT+7)

Giải ngân vốn đầu tư năm 2021 chỉ đạt 77,3% kế hoạch được giao

Năm 2021, có tới 30 bộ và 16 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 65%. Trong đó, có 20 bộ và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Đáng chú ý, vẫn còn 3 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn được giao.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Với sự vào cuộc của Chính phủ, tiến độ giải ngân những tháng cuối năm 2021 đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước thì tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân ước hết năm 2021 đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với trên 356.578,8 tỷ đồng đã được giải ngân. Cùng thời điểm này năm ngoái, cả nước giải ngân đạt trên 82,6%.

Ngoài các bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% như: Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Ngân hàng Phát triển (100%), Bà Rịa - Vũng Tàu (95,7%), Hải Dương (91,4%), vẫn còn tới 30 bộ và 16 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 65%. Trong đó, có 20 bộ và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Đáng chú ý, vẫn còn 3 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn được giao.

Với các dự án trọng điểm, trong khi Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã giải ngân đạt 82,6% kế hoạch vốn năm 2021 được giao thì Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới giải ngân được 19,5% kế hoạch vốn năm 2021.

Bộ Tài chính cho biết, sau khi tổng hợp kết quả tại 6 tổ công tác của Chính phủ cho thấy, vẫn còn một số tồn tại, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, công tác giao kế hoạch còn chậm. Các dự án khởi công mới đến tháng 7 Quốc hội mới thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tháng 9, Thủ tướng Chính phủ mới giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nên cuối tháng 9, đầu tháng 10 các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới phân bổ và giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho các dự án khởi công mới.

Bên cạnh đó là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do việc tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ.

Thêm vào đó là dịch Covid-19 với diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài để phòng, chống dịch, làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư công nói riêng. Công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương còn thiếu thống nhất, đồng bộ làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng, chậm tiến độ triển khai dự án…

Giá các vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, nhất là sắt, thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi,... cũng tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án.

Công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy. 

Công tác chuẩn bị dự án còn sơ sài, chất lượng kém, năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nên dự án phải thực hiện điều chỉnh, làm chậm tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án... 

Bạn đang đọc bài viết Giải ngân vốn đầu tư năm 2021 chỉ đạt 77,3% kế hoạch được giao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới