0915 15 67 76 [email protected]
Thứ ba, 22/02/2022 16:38 (GMT+7)

Giải ngân vốn đầu tư công: Quy trách nhiệm cho ai?

Được xem là trợ lực quan trọng để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng, các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đang được cơ quan chức năng được triển khai rất quyết liệt.

Việc Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ký ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chỉ thị 01 và Công điện số 126/CĐ-TTg về việc đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công một lần nữa cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp để đưa nền kinh tế phục hồi hiệu quả, phát triển bền vững.

Điều đó cũng có nghĩa, không thể chần chừ trong thực hiện nhanh và hiệu quả các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế.

tm-img-alt
Quyết liệt đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. 

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, dù tăng trưởng GDP năm 2021 đạt mức 2,58% - mức khá tích cực trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp và nền kinh tế, nhưng đó là mức tăng trưởng thấp. Điều này cho thấy Việt Nam đang hồi phục chậm hơn so với nhiều nền kinh tế trên toàn cầu.

Vì vậy, cùng với chính sách tài khóa và tiền tệ, đầu tư công được xem là một trong những giải pháp quan trọng để vực dậy nền kinh tế sau giai đoạn “bạo bệnh”.

Nên ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, tạo tính lan tỏa tới các ngành nghề khác trong nền kinh tế.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi tới các bộ và địa phương đề nghị nhanh chóng bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022, danh mục nhiệm vụ, dự án, phương án bố trí vốn trong hai năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tại Phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 18/02/2022.

Điều này cho thấy áp lực giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ đặt ra cho các bộ và địa phương ngay từ những ngày đầu năm, nhằm tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm tất tả” như giai đoạn trước. Nhất là trong bối cảnh việc quản lý đầu tư công đã được phân cấp cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Và các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động lựa chọn danh mục dự án, giao kế hoạch vốn và điều chỉnh kế hoạch.

Quy trách nhiệm tới từng cá nhân

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lựa chọn dự án có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án phân bổ dự toán bổ sung năm 2022 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, tổ chức thực hiện linh hoạt giữa Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn của Chương trình.

tm-img-alt
Giải ngân vốn đầu tư công: Quy trách nhiệm tới từng cá nhân. 

Việc triển khai xây dựng danh mục dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình cũng sẽ nhanh chóng được triển khai ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc triển khai thực hiện Chương trình và Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin chuyển đổi số, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai... sẽ được ưu tiên phân bổ cho các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn để đẩy nhanh tiến độ, giải ngân sớm số vốn sẽ được giao theo tiến độ của kế hoạch trung hạn.

Dư địa này sẽ được dùng để bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, số vốn thuộc Nghị quyết số 43/2022/QH15 sẽ được sử dụng, giải ngân hiệu quả, tập trung cho 2 năm 2022, 2023.

Song theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua kinh nghiệm của năm 2021, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý không nên xây dựng quá khả năng giải ngân của đơn vị mình. Trong đó, chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu có nguyên nhân từ quá trình thực hiện. Bởi thực tế cho thấy, cùng một cơ chế, chính sách nhưng nơi nào người đứng đầu có quyết tâm chính trị thì có kết quả giải ngân cao và ngược lại.

“Chắc chắn năm 2022, công tác điều hành đầu tư công của Chính phủ sẽ rất quyết liệt và sẽ quy trách nhiệm rất rõ ràng, nhất là đối với người đứng đầu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết Giải ngân vốn đầu tư công: Quy trách nhiệm cho ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đầu tư năng lượng tái tạo cần được ưu tiên hàng đầu
Theo chuyên gia, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu và những cơ chế ưu đãi cao nhất cần được áp dụng cho việc thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023