VIASEE và trách nhiệm pháp luật trong thời đại 4.0
VIASEE luôn coi việc đồng hành, đóng góp cho Đảng và Nhà nước vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế môi trường là nhiệm vụ hàng đầu.
TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã trải qua chặng đường 20 năm hình thành và phát triển. Trong 20 năm đó, Việt Nam đã chuyển mình từ một quốc gia kém phát triển sang nước đang phát triển và có trình độ phát triển kinh tế ở mức trung bình chung của thế giới.
20 năm trước, khái niệm kinh tế môi trường còn rất xa lạ và sự nhận thức, hiểu biết về lĩnh vực này còn rất hạn chế nên chưa chỉ ra được những ứng dụng cụ thể vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phân phối trong nền kinh tế. Ở thời điểm hiện tại, sau 20 năm, các vấn đề về kinh tế môi trường đã được biết đến nhiều hơn, đã được quy định thành những quy phạm pháp luật, văn bản pháp luật cụ thể, cũng như ứng dụng nhiều hơn trong cuộc sống.
Đóng góp vào sự phát triển chung, VIASEE là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực kinh tế môi trường. Một mặt, Hội tập hợp và là mái nhà chung của đội ngũ chuyên gia giỏi trong lĩnh vực kinh tế môi trường, một mặt là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động thuộc lĩnh vực kinh tế môi trường. Các công trình nghiên cứu, các dự án mà VIASEE đã và đang triển khai là cơ sở và luận cứ khoa học để Nhà nước ban hành các chính sách và văn bản pháp luật phù hợp, hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu và đòi hỏi của phát triển bền vững.
Tuy vậy, trong bối cảnh và tình hình mới, các đòi hỏi của nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững đã ảnh hưởng đến từng hộ gia đình, từng doanh nghiệp và từng ngõ ngách của cuộc sống bắt buộc Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải bắt tay vào hành động một cách tích cực. Dẫn chứng là các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với quy định về thuế carbon ở châu Âu, về truy xuất nguồn gốc của hầu hết các nước nhập khẩu trên thế giới, hoặc đơn giản là các bãi rác đang ứ đọng khắp các thành phố. Các vấn đề khác trong lĩnh vực năng lượng như phát triển thủy điện, điện mặt trời, điện nhiệt từ rác thải có thể coi là những lĩnh vực nghiên cứu và hoạt động của kinh tế môi trường.
Trong nhiệm kỳ của mình, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần lặp lại thông điệp “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”, để thể hiện quan điểm chính thức của Chính phủ Việt Nam với vấn đề phát triển bền vững. Để có thể biến những chủ trương và quan điểm này thành hiện thực, chúng ta cần có hệ thống chính sách và văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, khả thi và có đủ sức mạnh để điều chỉnh hành vi của các chủ thể đang quen với các lề thói cũ.
Các vấn đề thuộc phạm vi lĩnh vực kinh tế môi trường như thu hồi và tuần hoàn chất thải trong sản xuất, giảm phát thải khí carbonic vào môi trường và trách nhiệm của cơ sở sản xuất có phát thải khí carbonic, nông nghiệp sạch và các yếu tố của nông nghiệp sạch, phát triển kinh tế biển đảo bền vững kết hợp bảo vệ quốc phòng và an ninh, tài chính xanh, năng lượng tái tạo, khai thác khoáng sản, phát triển bền vững, an ninh năng lượng…, đều có phạm vi rộng, phức hợp của rất nhiều vấn đề có tính kỹ thuật, kinh tế - tài chính và xã hội. Nếu xét trên bình diện đó, hệ thống pháp luật của chúng ta còn thiếu sự nhất quán, thiếu chỉnh thể và đặc biệt là khả năng thực thi còn chưa tốt.
Trên những cơ sở như vậy, để góp phần đồng hành cùng Đảng và Nhà nước trong công tác thiết kế chính sách, lập pháp và thực thi pháp luật, VIASEE cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất: Liên kết và tập hợp đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, kinh tế và công nghệ để thực hiện các công trình nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ cơ sở khoa học, luận chứng cho việc xây dựng chính sách, pháp luật về kinh tế môi trường của Đảng và Nhà nước. Việc xây dựng chính sách và pháp luật là cần thiết, nhưng phải đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và hiệu quả dựa trên các luận chứng kinh tế - kỹ thuật, tránh bị duy ý chí, tự phát.
Thứ hai: Tăng cường các hoạt động phản biện chính sách và phản biện xã hội trong các lĩnh vực kinh tế môi trường. Các ý kiến phản biện không chỉ xoáy sâu vào những sai sót, khiếm khuyết của quy định pháp luật và công tác thực thi pháp luật mà phải tập trung vào những vấn đề còn bỏ ngỏ, còn sót của hệ thống chính sách và văn bản pháp luật. VIASEE cần đồng hành và nỗ lực tham gia cùng Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một hệ thống chính sách và văn bản pháp luật có tính hệ thống, đầy đủ và hữu hiệu, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Thứ ba: Tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục tới cộng đồng thành viên của VIASEE và các chủ thể khác trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức chung về các vấn đề kinh tế môi trường. Các hoạt động truyền thông, giáo dục được thực hiện thông qua các tác phẩm viết trên cơ quan ngôn luận của VIASEE là Tạp chí Kinh tế Môi trường, cũng như qua các hội thảo chuyên đề, sự kiện về các vấn đề có liên quan. Các hoạt động này cần phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục và có định hướng để đảm bảo truyền đạt thông tin một cách đầy đủ, liền mạch và đi sâu vào tâm trí của cộng đồng.
Thời điểm VIASEE ra đời, Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 đang có hiệu lực, và nếu so sánh với Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, thì có thể thấy là đã có sự lột xác hoàn toàn, với rất nhiều vấn đề mới có tính thời đại được đưa vào, như quy định về các công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn.
Thứ tư: Kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, sai phạm trong công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và cả của cơ quan chức trách. Các sai phạm đó cần được loại bỏ khỏi xã hội bởi nó không chỉ làm chệch hướng phát triển chung của nền kinh tế mà còn làm giảm hiệu quả của các chính sách và quy định pháp luật mà Đảng và Nhà nước ban hành. Hoạt động đấu tranh bền bỉ, có phương pháp và cương quyết, không né tránh sẽ dần tạo thói quen hành động đúng đắn và tạo nên những hành xử phù hợp với môi trường và môi trường sống trong cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, Ban Pháp chế VIASEE là đơn vị giúp việc cho Ban Chấp hành VIASEE về các vấn đề liên quan đến chính sách và pháp luật trong lĩnh vực kinh tế môi trường. Mặc dù khối lượng công việc rất đồ sộ và giữ vai trò quan trọng không chỉ với công tác Hội mà còn đối với đất nước, nhưng đội ngũ pháp chế xác định đó là nhiệm vụ phải làm, vì đất nước, vì cộng đồng và vì quyền lợi của hội viên.
ThS.Luật sư Hà Huy Phong
Ủy viên Ban Thường vụ VIASEE