0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 11/11/2021 13:17 (GMT+7)

Vì sao ngày 11/11 trở thành trận chiến khốc liệt nhất của các sàn thương mại điện tử?

Với doanh số tăng hơn 300%, ngày 11/11 nhiều năm nay đã trở thành ngày mua sắm online lớn nhất Việt Nam và là trận chiến khốc liệt nhất giữa các sàn.

Độ “hot” của ngày mua sắm 11/11 ở Việt Nam

Năm 2020, Việt Nam ghi nhận những số liệu kỷ lục ở cả ba sàn đa ngành hàng đầu. Chỉ trong khung 0-2h ngày 11/11, Lazada có lượng sản phẩm được cho vào giỏ hàng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019, bán ra 20.000 điện thoại di động, 3.000 tivi, 50.000 phiếu ưu đãi ăn uống trị giá 1.000 đồng. Trên Shoppee, một thương hiệu thời trang đã đạt được doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Tiki thiết lập kỷ lục mới với mức doanh số tăng 50% so với dịp 10/10 cùng kỳ.

Dựa trên các kết quả đo lường, Criteo - nhà cung cấp các giải pháp tiếp thị, quảng cáo, cho biết 11/11 chính là dịp mua sắm online lớn nhất Việt Nam. Năm ngoái, doanh số bán lẻ trực tuyến trong ngày này tăng 378% và lượt xem sản phẩm tăng 126% so với số liệu cơ bản cùng năm.

Tương tự các nước Đông Nam Á, thương mại điện tử Việt Nam tổ chức lễ hội ưu đại vào các "ngày đôi" (Double Day) nhưng hiệu quả của 11/11 vẫn là cao nhất. Vào 2020, độ "hot" của 12/12 đứng thứ hai với doanh số bán lẻ tăng ở mức 369%. Ngày 10/10 ghi nhận doanh thu tăng 171%, còn Black Friday tăng 78%.

tm-img-alt
Ngày 11/11 trở thành ngày "hội" mua sắm.

"Dữ liệu gần đây nhất của chúng tôi cho thấy những ngày này luôn là thời điểm bán lẻ quan trọng tại Việt Nam ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp", Steven Tuấn Nguyễn, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á của Criteo, đánh giá.

Một điểm khác biệt là tại Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam và Singapore ghi nhận 11/11 là dịp mua sắm lớn nhất. Trong khi Indonesia và tính tổng cả khu vực thì 12/12 mới đứng đầu, do đây là thị trường thương mại điện tử lớn nhất khu vực và họ đẩy mạnh cho 12/12 hơn.

Tại Việt Nam, giữa 11/11 và 12/12, các sàn còn tổ chức BlackFriday nên không thể dồn hết lực cho tháng cuối năm. "Cả 11/11 và 12/12 sắp tới đều tăng trưởng rất mạnh", ông Steven Tuấn Nguyễn dự báo.

Đua nhau giảm giá, cạnh tranh khốc liệt

Tuyên bố là "sự kiện mua sắm lớn nhất từ trước đến nay", Shopee cho hay 11/11 năm nay sẽ giảm giá đến 50% mỗi ngày cho 25 danh mục ngành hàng, miễn phí vận chuyển và treo thưởng cả căn hộ.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, tiết lộ số nhà bán hàng và thương hiệu hoạt động đã tăng 60% vào năm 2021.

Phía Lazada không chỉ có "đặc sản" đại tiệc âm nhạc mỗi dịp lễ hội mua sắm mà 11/11 lần này sẽ tăng gấp đôi số voucher giảm giá so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn 10 triệu sản phẩm sẽ được giảm giá sâu hơn 50%.

Sendo và Tiki cũng nhộn nhịp chuẩn bị hậu cần, quảng bá và tung ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại. Từ cuối tháng trước, Sendo công bố hợp tác với ví điện tử Smartpay để có thêm một kênh thanh toán không tiền mặt trong bối cảnh 8 tháng đầu năm, tỷ lệ đơn hàng thanh toán điện tử vượt 50%. Trong khi đó, Tiki vừa kịp công bố Hà Anh Tuấn thành đại sứ thương hiệu mới, cộng tác ngay trong chiến dịch đầu tiên là 11/11.

Năm nay, ngay cả các nền tảng ví điện tử, giao thức ăn cũng không nằm ngoài cuộc chơi. MoMo, Grab, Be, Beamin hay ShopeeFood đều chạy chiến dịch khuyến mại vào suốt tuần lễ hiện tại.

tm-img-alt
Không ít các hãng, kênh mua sắm giảm giá sốc.

Lợi nhuận thu về từ lễ hội 11/11 thực sự ấn tượng, nhưng ông Andrew Maher, Giám đốc TMX Việt Nam, công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh tại châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng, các bên sẽ phải chạy đua với nhau để tối đa hóa doanh số và đáp ứng hiệu quả nhu cầu mua khổng lồ của khách hàng.

Ông phân tích nhất là có 5 khâu quan trọng các doanh nghiệp cần chuẩn bị. Đầu tiên, họ phải lên kế hoạch tiếp thị trước vài tháng. Quảng cáo trực tuyến, ưu đãi và mở đặt hàng sớm được bắt đầu trước hai tuần hoặc một tháng.

Tiếp thị đa kênh là phương pháp được tận dụng mạnh mẽ, nhất là truyền thông xã hội. Thời điểm này năm 2020, chiến dịch của Lazada đã tiếp cận và tạo độ lan tỏa tới hơn 8,6 triệu người.

Shopee cũng thành công rực rỡ với chiến lược tiếp thị thông qua người có tầm ảnh hưởng khi thu hút hơn 222.000 lượt thích, 3.540 lượt chia sẻ và gần 13.000 lượt bình luận trên các phương tiện truyền thông xã hội trong sự kiện.

Thứ hai là cuộc đua về hoạt động động tương tác. Những năm gần đây, Lazada đã đề cập một thuật ngữ mang tên "shoppertainment" (sự kết hợp giữa mua sắm và giải trí) và phát huy tối đa chiến lược này. Theo đó, hàng loạt hoạt động tương tác sẽ diễn ra như livestream ca nhạc, chơi game.

Trào lưu này lan rộng khắp các nền tảng để giữ chân khách hàng ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn. Kéo dài từ đầu tháng, MoMo tổ chức game vòng quay xổ voucher, điểm thưởng để khuyến khích người dùng đua top giành giải. Hay như ShopeFood tổ chức livestream ẩm thực và xem bài tarot.

Một số yếu tố quyết định thành bại khác giữa các nhà bán hàng, các sàn chính là khả năng hậu cần, bao gồm sẵn sàng hàng tồn kho, giao nhận nhanh và an toàn trong thanh toán. Chỉ cần có trục trặc, khách hàng sẽ cho "điểm trừ" rất cao.

Vào năm 2020, một thương hiệu mỹ phẩm đã bán được 16.000 chai tẩy trang chỉ trong 8 giờ diễn ra một đợt flash sale - cao gấp 10 lần so với ngày thường. Minh chứng này khẳng định nhu cầu của người tiêu dùng cao hơn đáng kể đối với các sản phẩm trong sự kiện mua sắm lớn như 11/11.

"Mọi khía cạnh trong hoạt động kinh doanh cần được lên phương án cẩn trọng, từ tiếp thị, quảng cáo, quản lý hàng tồn kho, cho đến đổi mới dịch vụ và quan trọng nhất là hậu cần vận chuyển để đảm bảo mọi đơn hàng đều được giao tận tay người tiêu dùng đúng hạn", ông Andrew Maher, nhận định.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao ngày 11/11 trở thành trận chiến khốc liệt nhất của các sàn thương mại điện tử?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới