Dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2021 tăng khoảng 2%
Theo tổng cục Thống kê nhận định 2 tháng cuối năm CPI có tăng nhưng sẽ không biến động quá nhiều. Cả năm 2021, CPI sẽ ở mức khoảng 2%.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 9 tăng 2,06%; CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2021 tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88%.
CPI tháng 10/2021 ước giảm 0,1-0,15%; bình quân 10 tháng đầu năm ước tăng 1,81-1,83% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản 10 tháng ước tăng 0,82-0,86%. mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Tuy nhiên, dự báo về CPI của 2 tháng cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng đây là khoảng thời gian tập trung vào sản xuất, lưu thông và mua sắm chuẩn bị cho các ngày lễ Tết. Dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí sẽ tăng trong các tháng cuối năm.
Trong khi đó, giá các nguyên vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than cũng tăng cao, tác động tới giá của nhiều hàng hoá tiêu dùng. Những yếu tố này có thể làm chỉ số CPI hai tháng cuối năm tăng cao so với mức tăng giá bình quân 10 tháng năm 2021.
Đại diện Tổng cục thống kê cho biết, quý IV nhu cầu tiêu dùng của người dân có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, CPI tháng 10 lại giảm 0,2% nhờ có 3 trong số 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chính giảm giá gồm lương thực thực phẩm, nhà ở xây dựng và bưu chính viễn thông.
Vì vậy, Tổng cục Thống kê nhận định 2 tháng cuối năm CPI có tăng nhưng sẽ không biến động quá nhiều. Cả năm 2021, CPI sẽ ở mức khoảng 2%.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ giá cả, diễn biến, tình hình lạm phát của các nước trên thế giới để đánh giá các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả và lạm phát của Việt Nam. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, ký kết các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, ổn định sản xuất.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nắm bắt tình hình, theo sát diễn biến cung cầu của thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, Tết Nguyên đán và đầu năm 2022.
“Đây là những việc Ban chỉ đạo điều hành giá đã làm hằng năm, nhưng năm nay có đặc thù là nền kinh tế chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh cho nên cần hết sức lưu ý để tổ chức công tác dự trữ, bình ổn hợp lý”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.