0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Chủ nhật, 28/11/2021 06:20 (GMT+7)

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hút tiền nhiều nhất 11 tháng đầu năm

TS. Vũ Đình Ánh nói: "Nếu không có cơ chế kiểm soát và cảnh báo rủi ro hiệu quả, có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp phát hành uy tín kém hoặc bị sụt giảm uy tín mà trường hợp của tập đoàn Evergrande (Trung Quốc) là ví dụ".

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng hút tiền

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết tính từ ngày 1-19/11/2021, trong nước có tổng cộng 20 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành là 10.279 tỷ đồng.

tm-img-alt
Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và thực hiện các chương trình/dự án đầu tư.  

Cụ thể, ngân hàng và bất động sản là 2 nhóm ngành dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu, với giá trị lần lượt đạt 5.050 tỷ đồng và 2.274 tỷ đồng, tương đương 49% và 22% tổng giá trị phát hành trái phiếu trong 3 tuần đầu tháng 11.

tm-img-alt
(Nguồn: VBMA)

Trong nhóm ngành ngân hàng, ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) nổi bật hơn cả với 5 đợt phát hành trái phiếu có tổng giá trị lên tới 2.000 tỷ đồng, lãi suất 3,7%/năm nhằm tăng vốn hoạt động.

Trong nhóm ngành bất động sản, đợt phát hành có giá trị lớn nhất đến từ công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest với trị giá 690 tỷ đồng cho trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 5%/năm, đảm bảo bằng cổ phiếu cho mục đích tăng vốn và đầu tư.

Bên cạnh đó, có một số đợt phát hành trái phiếu nổi bật trong tháng 9 và tháng 10 nhưng đến nay mới hoàn thành và công bố, trong đó bất động sản và ngân hàng vẫn là 2 lĩnh vực nổi bật. Về nhóm bất động sản, đáng chú ý nhất là 3 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ tổng trị giá 2.500 tỷ đồng của công ty CP Tập Đoàn R&H hay công ty CP Địa Ốc No Va với giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng.

Theo VBMA, tính từ 1/1/2021 đến 19/11/2021, bất động sản là nhóm ngành có giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước cao nhất (37,8% tổng giá trị phát hành), sau đó là ngân hàng (34% tổng giá trị phát hành).

Trước đó, báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 10 của VBMA cho hay tính đến hết 10 tháng đầu năm 2021, bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp khi huy động được 163,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước (438 nghìn tỷ đồng). Nhóm ngân hàng đứng ở vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 149,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,04% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước.

tm-img-alt
Bất động sản và ngân hàng là hai nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước trong 11 tháng (Nguồn: HNX, VBMA)

Cần cơ chế kiểm soát phòng ngừa rủi ro cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Trao đổi với MEKONG ASEAN, chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh nhận định, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn phổ biến với các doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt là doanh nghiệp lớn và uy tín hay doanh nghiệp trong các nhóm ngành đặc thù, chẳng hạn như bất động sản.

tm-img-alt
TS Vũ Đình Ánh

 “Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp có khả năng bổ trợ, khắc phục nhược điểm của nguồn vốn tín dụng ngân hàng là phù hợp hơn với tính chất trung và dài hạn của vốn tài trợ cho một số nhóm ngành kinh doanh đặc thù như bất động sản. Hiện nay, các ngân hàng không chú trọng nhiều vào cho vay dài hạn”.

Mặt khác, theo TS. Ánh, một khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp thậm chí còn rẻ hơn lãi suất cho vay tại các ngân hàng do tận dụng được ưu thế tài chính trực tiếp so với tài chính gián tiếp.

Tuy nhiên, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng cần có cơ chế kiểm soát phòng ngừa rủi ro hiệu quả để giảm thiểu rủi ro tiềm tàng từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Ánh nói: “Nếu không có cơ chế kiểm soát và cảnh báo rủi ro hiệu quả, có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp phát hành uy tín kém hoặc bị sụt giảm uy tín mà trường hợp của tập đoàn Evergrande (Trung Quốc) là ví dụ". 

TS. Ánh cũng cảnh báo một rủi ro khác có thể xảy ra nếu người mua trái phiếu doanh nghiệp lại chính là các tổ chức tín dụng. Điều này không chỉ khiến mặt bằng trái phiếu doanh nghiệp khó giảm mà còn có nguy cơ kéo theo rủi ro mang tính hệ thống nếu cơ chế kiểm soát phòng ngừa rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp kém hoàn thiện.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 10/11/2021 đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ 15/1/2022 quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Thông tư 16/2021/TT-NHNN, TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi TCTD đáp ứng yêu cầu tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp trái phiếu doanh nghiệp phát hành bao gồm các mục đích như cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành, góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, tăng quy mô vốn hoạt động…

TCTD không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính TCTD đó, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

TCTD khi thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án cam kết với TCTD thì TCTD yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn.

Bạn đang đọc bài viết Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hút tiền nhiều nhất 11 tháng đầu năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới