Siết chặt hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng thương mại
Trong thời gian qua, các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán.
Trước sự tăng nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là khi các ngân hàng thương mại đang “ôm” khối lượng lớn, trong đó chủ yếu là của doanh nghiệp bất động sản, thậm chí nhiều loại trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán..., Ngân hàng Nhà nước vừa phải ban hành quy định mới để siết chặt vấn đề này.
Siết chặt hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 16/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu DN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất. Các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu của DN không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất. DN phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn, khi thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu; vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu.
Thông tư 16 cũng quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp:
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Tổ chức tín dụng cũng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Đây không phải lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước lên tiếng cảnh báo và siết lĩnh vực này.
Trên thực tế, từ 2019 đến nay, có không ít đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng xuất hiện và ôm trọn lô, trong đó có rất nhiều trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Một số ngân hàng thương mại không mua trực tiếp nhưng lại thông qua các công ty chứng khoán thành viên để mua.
Giữa năm 2019, Ngân hàng Nhà nước ra công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại siết chặt hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy một số ngân hàng thương mại tiếp tục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành.
Cơ quan này cho hay sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhưng vẫn chưa xử lý được. Theo các chuyên gia, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu "ba không" là không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán.
Đáng chú ý, có tới 26% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong các ngành này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần hoặc không được thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập và điều này gây nên những nghi ngại về rủi ro vỡ nợ không kiểm soát được trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Gia tăng rủi ro cho nền kinh tế
Trên thực tế, có không ít doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên đã phát hành trái phiếu để huy động vốn thanh toán nợ cho tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, nếu các ngân hàng mua trái phiếu này thì rủi ro là quá rõ ràng vì đây chỉ là hình thức đảo nợ xấu thành nợ tốt. Theo thống kê của SSI, tính đến hết tháng 9, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 443.100 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2020. Dẫn đầu danh sách phát hành vẫn là các doanh nghiệp bất động sản, đạt 201.900 tỷ đồng, chiếm 45,5%. Tiếp đến là các ngân hàng, đạt 136.400 tỷ đồng, chiếm 30,8%; năng lượng và khoáng sản phát hành 21.900 tỷ đồng, chiếm 5%; định chế tài chính phi ngân hàng đạt 20.900 tỷ đồng, chiếm 4,7%; phát triển hạ tầng đạt 17.500 tỷ đồng, chiếm 3,9%; còn lại là các doanh nghiệp khác.
Theo chuyên gia của SSI, trong thời gian qua, các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán; một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng do vậy không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này.
Chuyên gia SSI cũng chỉ ra rằng trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ các doanh nghiệp này là chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn sẽ rơi nhiều vào năm 2023-2024. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện tại sẽ đẩy nhanh nguy cơ vỡ nợ từ các doanh nghiệp này khi không thể kiểm soát được dòng tiền khiến dòng tiền bị mất cân đối.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua không loại trừ mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay nhau dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ. Chuyên gia cũng khuyến cáo các doanh nghiệp không nên sử dụng những đòn bẩy tài chính như vậy để xóa nợ xấu của mình. Các ngân hàng cũng không nên tìm cách đảo nợ qua mua trái phiếu, bởi làm như thế sẽ có rất nhiều nợ xấu lại được “trưng” lên như nợ tốt, làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế.