Thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 3.400 tỷ đồng, vốn ngân sách hỗ trợ 2.186 tỷ đồng và 7.082 tỷ đồng vốn tín dụng của các ngân hàng cho vay.
Ngày 19/1, UBND tỉnh Tiền Giang và CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đến dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo Bộ, ngành và địa phương.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51km, đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang. Dự án có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 3.400 tỷ đồng, vốn ngân sách hỗ trợ 2.186 tỷ đồng và 7.082 tỷ đồng vốn tín dụng của các ngân hàng cho vay.
Doanh nghiệp dự án (DNDA) cho biết, hiện dự án đã hoàn thành tuyến chính, cơ bản hoàn thành các tuyến nối. DNDA sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan liên quan kiểm soát các vấn đề an ninh trật tự trong quá trình tổ chức phục vụ xe (ô tô) lưu thông trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 (từ 25/1 - 10/2/2022) đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương kết nối khu vực ĐBSCL với TP.HCM và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặc dù vậy, suốt gần 10 năm đầu triển khai dự án với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành và dự án chỉ đạt được 10% khối lượng.
Tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành thông qua DNDA là CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Bằng tinh thần ba xuyên: "xuyên đêm,""xuyên lễ, tết," "xuyên dịch," hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân ngày đêm bám sát và miệt mài thi công để hoàn thành thông tuyến cao tốc trước ngày 31/12/2020, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sau gần 3 năm tái khởi động, dự án cán mốc thông xe kỹ thuật, tiếp tục kiểm soát chất lượng trong quá trình cho lưu thông trước Tết và sẽ đưa vào khai thác chính thức sau khi tổ chức hiệu chỉnh kỹ thuật, đồng thời đo lường khắc phục các rủi ro về nền đất yếu thường gặp tại khu vực ĐBSCL.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ, tỉnh Tiền Giang đã huy động cả hệ thống vào cuộc, khẩn trương, quyết liệt. Trong đó, xác định công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là then chốt, quyết định đến sự thành công của dự án, tỉnh đã tập trung quyết liệt triển khai, thường xuyên kiểm tra hiện trường, tổ chức tiếp công dân để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu, kiến nghị của từng hộ dân.
Trong vòng 7 tháng (tháng 4 - 11/2019), tỉnh đã thu hồi đất của 3.292 hộ dân bị ảnh hưởng, hoàn thành 100% công tác GPMB, bàn giao cho DNDA. Sau 3 năm triển khai, dự án đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật để thông xe phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, trước mắt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.