0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 11/08/2021 11:30 (GMT+7)

Thái Nguyên: Doanh nghiệp nghìn tỉ và lùm xùm ở dự án 21 ha đất vàng

Được mua tài sản trên đất để thực hiện dự án khôi phục phát triển nhà máy thép, nhưng sau đó doanh nghiệp đã chuyển đổi thành dự án bất động sản...

Lùm xùm ở dự án nghìn tỉ

Dự án khu đô thị Thái Hưng Eco City (TP. Thái Nguyên) đang vướng phải những lùm xùm xoay quanh việc sử dụng “đất vàng” từ dự án nhà máy thép chuyển sang dự án bất động sản.

Nguồn cơn câu chuyện bắt đầu từ năm 2016, Công ty Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) trúng đấu giá tài sản của Công ty thép Gia Sàng với số tiền gần 57 tỉ đồng. Trước cổ đông và người lao động công ty thép Gia Sàng, Công ty Thái Hưng cam kết: Sẽ thực hiện đúng các điều kiện khi tham gia đấu giá, bao gồm đầu tư xây dựng cải tạo và khôi phục sản xuất Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo an ninh trật tự trên địa phương.

Cũng trong năm 2016, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định 2448 về việc thu hồi gần 21,4 ha đất của Công ty Gia Sàng cho Công ty Thái Hưng thuê. Tuy nhiên, đến ngày 25/12/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ cho Công ty Thái Hưng nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500 Dự án Thái Hưng Eco City. Chỉ sau đó 2 ngày (tức ngày 27/12/2017) Quy hoạch chi tiết Dự án Thái Hưng Eco City chính thức được phê duyệt.

Thái Nguyên: Kết luận Thanh tra về dự án 21 ha 'đất vàng' và hồ điều hòa Xương Rồng - Ảnh 1
Đất nhà máy thép 'chuyển mình" thành các dự án BĐS có giá trị lớn sau khi về tay công ty Thái Hưng. (Ảnh Thế Kha)

Đến ngày 29/10/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên chính thức cho phép Công ty Thái Hưng chuyển mục đích sử dụng gần 21,4 ha đất của Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng sang mục đích xây dựng khu đô thị mới Thái Hưng Eco City để xây dựng dự án bất động sản hơn 2.100 tỉ đồng. Từ đây phát sinh nhiều khiếu kiện xoay quanh dự án này.

Liên quan đến dự án này, năm 2019, nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ vệc bán đấu giá tài sản bị kê biên của Công ty Gia Sàng. Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra làm rõ việc thu hồi đất của Công ty Gia Sàng cho Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng thuê để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà máy luyện cán thép nhưng sau đó lại chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng khu đô thị.

Công ty Thái Hưng có trụ sở chính tại Thái Nguyên, không chỉ là doanh nghiệp thép có tiếng ở địa phương mà còn được biết tới là “ông trùm” gang thép của cả nước với 25 năm trong lĩnh vực này. Theo dữ liệu, tính tới tháng 10/2016, quy mô vốn điều lệ của Thái Hưng được nâng lên mức hơn 1.000 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm 8 cá nhân.

Ngày 5/8 vừa qua, tờ Người Đưa tin cho hay, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 01/01/2010 - 31/12/2018).

Theo đó, Công ty Thái Hưng là đơn vị trúng đấu giá khối tài sản bao gồm toàn bộ nhà xưởng, kho bãi, vật kiến trúc gắn liền với đất thuê của Nhà nước thu tiền hàng năm trên diện tích đất 22.862 m2 đất, mục đích sản xuất kinh doanh. Việc UBND tỉnh Thái Nguyên thu hồi đất của Công ty luyện thép Gia Sàng để cho Công ty Thái Hưng được tiếp tục thuê, theo thời hạn còn lại và sử dụng vào mục đích kinh doanh là phù hợp quy định tại khoản 3, Điều 189 Luật Đất đai 2013 và khoản 5, Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014.

Còn về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án Thái Hưng Eco City theo Thanh tra Chính phủ là phù hợp với kế hoạch sử dụng đất quy định tại Điều 52 Luật Đất đai 2013, điểm e, khoản 1, Điều 57 Luật Đất đai 2013.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị kiểm tra, rà soát lại giá đất giao cho Công ty Thái Hưng theo từng vị trí, đảm bảo chính xác, đúng quy định, phù hợp với thị trường. Như vậy, theo Thanh tra Chính phủ việc UBND tỉnh Thái Nguyên giao đất cho Công ty Thái Hưng thực hiện dự án là đúng trình tự, thủ tục theo luật Đất đai.

Thế nhưng, cũng theo tờ Người Đưa tin, kết luận của Thanh tra Chính phủ lại đang mâu thuẫn với báo cáo của Kiểm toán Nhà nước được báo cáo trước Quốc hội hồi tháng 5/2020.

Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ định Công ty Thái Hưng làm chủ đầu tư dự án Thái Hưng Eco City trong khi Công ty chưa có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định tại Điều 22, 23 của Luật Nhà ở. Cho phép doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sang thực hiện dự án khu đô thị không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Sở dĩ có tình trạng nêu trên là do pháp luật đất đai chưa quy định rõ đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất có thuộc diện đấu giá hay không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Từ đây có thể thấy sự mâu thuẫn của hai cơ quan là Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước tại dự án Thái Hưng Eco City.

Làm trước hoàn thiện hồ sơ sau?

Dự án Xây dựng Khu đô thị Hồ điều hòa Xương Rồng ở tỉnh Thái Nguyên cũng bị điểm tên liên quan đến việc giao đất và đấu thầu. Theo kết luận thanh tra mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho Công ty cổ phần Sông Đà 2 thực hiện dự án theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1964/TTg-QHCT ngày 29/11/2006 đã chấp thuận thực hiện Dự án theo hình thức BT.

Thái Nguyên: Kết luận Thanh tra về dự án 21 ha 'đất vàng' và hồ điều hòa Xương Rồng - Ảnh 2
Khu đô thị Hồ điều hòa Xương Rồng bị TTCP kết luận có một số sai phạm liên quan đến đất đai và tài chính. (Ảnh minh họa)

Mặc dù Dự án thực hiện từ tháng 8/2010 nhưng đến tháng 9/2013 mới được thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, là vi pham quy định tại Khoản 4 Điều 45 Luật Đầu tư năm 2005.

Vẫn theo Kết luận thanh tra, sai phạm của dự án này còn xảy ra khi việc giao đất thực hiện Dự án không qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư. Ngoài ra, việc tính giá đất để giao đất cho Chủ đầu tư thực hiện Dự án dựa trên bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không đúng với quy định tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Số tiền đầu tư xây dựng cơ bản và tiền lãi vay ngân hàng hơn 442 tỉ đồng và do Chủ đầu tư ứng trước để thực hiện Dự án được đối trừ vào tiền sử dụng đất không có căn cứ pháp luật. Thanh tra Chính phủ khẳng định, trách nhiệm để xảy ra những sai phạm trên thuộc về UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính.

Theo tìm hiểu phóng viên, Dự án Khu đô thị Hồ điều hòa Xương Rồng có diện tích 45 ha thuộc phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên. Dự án này nằm ở vị trí trung tâm của Thành phố, có hồ nước rộng 9 ha. Dự án này về tay Công ty cổ phần Sông Đà 2 từ tháng 10/2009.

Trao đổi với Phóng viên, Luật sư Hà Huy Phong nhận định, ở lĩnh vực đầu tư kinh doanh nào doanh nghiệp cũng phải chấp hành các quy định pháp luật hiện hành. Trong lĩnh vực bất động sản cũng không ngoại lệ, doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ các thủ tục pháp lý liên quan trước khi đầu tư để dự án về đích đúng tiến độ.

Xuân Hòa (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Doanh nghiệp nghìn tỉ và lùm xùm ở dự án 21 ha đất vàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.