Tăng cường chú trọng kiểm tra chất lượng nông sản tránh tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu
Hàng năm, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thông qua các cửa khẩu phía Bắc xảy ra tình trạng ùn ứ một số khó khăn về kiểm dịch khiến việc lưu thông hàng hóa khó khăn hơn. Chính vì vậy, cần có giải pháp nhanh chóng tháo gỡ.
Theo số liệu thống kê, đến ngày 10/12 vẫn còn khoảng 4.000 xe chở nông sản còn “mắc kẹt” chưa thể thông quan tại tỉnh Lạng Sơn, trong khi các bãi tập kết xe đã đầy kín. Còn tại cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đến sáng 11/12 các xe chở thủy sản đông lạnh còn ùn ứ là 800 xe và 300 xe chở hoa quả. Riêng các xe chở sản phẩm thủy sản tươi sống vẫn thông quan thuận lợi.
Tại 3 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn, tổng công suất thông quan hiện nay trung bình chỉ đạt 500 xe/ngày, năng lực thông quan đã giảm một nửa so với trước đây. Riêng với hoa quả đang ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh như: thanh long, mít, 1 xe được thông quan phải chờ đợi từ 10 đến 14 ngày.
Được biết, Trung Quốc đã có 42 thông báo về những thay đổi về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Để đảm bảo hàng hóa thông quan thuận lợi, các ngành chức năng phải tăng cường các chốt kiểm soát dịch 24/24 giờ tại các cửa khẩu.
Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Cục đã bố trí đầy đủ các nguồn lực để tạo mọi điều kiện thuận lợi để thông quan hàng hóa cũng như giải quyết các thủ tục. Cơ quan bảo vệ thực vật cũng đã bố trí riêng để khai báo hàng hóa. Cục đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký các thủ tục trực tuyến qua mạng.
Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản thông báo phản ánh của cơ quan chức năng phía Trung Quốc về việc có xe chở quả thanh long xuất khẩu của Việt Nam và một số xe nhãn tươi của nước thứ ba, quá cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có kết quả dương tính với Covid-19, việc này khiến lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
“Để hạn chế rủi ro trong lúc này, cần hết sức thận trọng trong việc giám sát chất lượng cũng như sâu bệnh dịch hại trên rau, hoa quả, tránh để tình trạng hàng bị trả về. Thu hoạch tại các địa phương cố gắng làm sao điều tiết về bảo quản và thường xuyên kết nối với các địa phương cửa khẩu biên giới để nắm được tình hình và đưa xe lên cho phù hợp, tránh tình trạng phải nằm chờ lâu tại cửa khẩu, gây tổn thất chi phí cho doanh nghiệp”, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay.
Bên cạnh đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đã tham mưu để lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, bố trí những khu vực trung chuyển nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.