Sơn La phấn đấu xuất khẩu 75.000 tấn nhãn trong năm 2020
Ngày 25/7, tại huyện Sông Mã, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị xúc tiến đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn Sơn La năm 2020.
Trong năm nay, tỉnh Sơn La phấn đấu chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu 75.000 tấn quả nhãn tươi; trong đó xuất khẩu hơn 8.500 tấn sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia...
Hiện nay, tỉnh Sơn La có diện tích trồng nhãn lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích gần 19.430 ha (chiếm gần 30% tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh), sản lượng ước đạt 75.000 tấn gồm các giống chính: Nhãn lồng Hưng Yên, nhãn chín sớm, nhãn chín muộn, nhãn địa phương tập trung tại các huyện Sông Mã, Mường La, Mai Sơn và Yên Châu.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.415ha nhãn được cấp mã số vùng trồng với 92 mã số, sản lượng ước đạt 22.942 tấn đủ điều kiện xuất khẩu; 510 ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng 6.510 tấn.
Sản phẩm nhãn của Sơn La đã vào được chuỗi phân phối của các siêu thị lớn như Vinmart, Big C, Lotte... và được tiêu thụ tại các tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa…
Tính riêng tại Sông Mã, là huyện có diện tích nhãn lớn nhất tỉnh với 7.114ha, dự kiến năm nay huyện sẽ tiêu thụ và xuất khẩu trên 40.000 tấn nhãn; từ đầu vụ đến nay toàn huyện đã xuất khẩu hơn 80 tấn sang thị trường Trung Quốc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng, cho biết: “Qua Hội nghị ngày, Sơn La tiếp tục quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nhãn tới bạn hàng trong và ngoài nước. Khẳng định nhãn Sơn La và nhãn Sông Mã đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe để xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong thị trường nội địa. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các tuần hàng, tham gia các hội chợ trong tỉnh cũng như các tỉnh phía Bắc và tại một số tỉnh của Trung Quốc.”.
Lễ cắt băng khởi hành lô Nhãn Sơn La tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu năm 2020 |
Ông Hùng cũng cho biết, thời gian qua tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản cũng như xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm nhãn để đảm bảo tính ổn định và bền vững.
“Tới đây, tỉnh sẽ đưa một số nhà máy, cơ sở chế biến hoa quả đi vào hoạt động, thúc đẩy tiêu thụ nhãn và hoa quả cho bà con nhân dân…”, ông Hùng cho hay.
Tỉnh Sơn La đã trở thành một trong những trung tâm phát triển cây ăn quả của cả nước và là vựa nhãn lớn nhất miền Bắc. Những năm gần đây, địa phương đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp với yêu cầu sản xuất bền vững, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu; xây dựng vùng nguyên liệu nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù chịu sự tác động lớn của đại dịch COVID-19, tỉnh Sơn La đã chủ động điều chỉnh cơ cấu thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, phát triển thương mại điện tử.
Do đó sản xuất nông nghiệp vẫn tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019; giá trị xuất khẩu ước đạt 52 triệu USD; trong đó xuất khẩu 60 tấn xoài sang thị trường Mỹ, Australia đạt 3 mục tiêu: được mùa, được giá, được thu nhập cho người dân.
Hội nghị xúc tiến được tỉnh Sơn La tổ chức tại huyện Sông Mã lần này sẽ góp phần quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn của tỉnh Sơn La; khẳng định chất lượng nhãn Sơn La đã đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định của các thị trường khó tính. Sản phẩm nhãn, các loại quả và nông sản Sơn La sẽ có cơ hội mở rộng thị trường.
Ngay sau hội nghị, các đại biểu đã thực hiện nghi thức cắt băng khởi hành lô Nhãn Sơn La tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu và trưng bày, giới thiệu 25 gian hàng sản phẩm nông sản (chủ yếu là nhãn quả tươi và các sản phẩm chế biến từ nhãn).
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm