0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 12/10/2020 08:20 (GMT+7)

Xuất khẩu gạo giảm về lượng nhưng tăng về giá trị

9 tháng, gạo xuất khẩu giảm 0,8% về lượng nhưng tăng 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Theo số liệu từ Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 năm 2020 ước đạt 420.000 tấn, trị giá 215 triệu USD, đưa khối lượng gạo xuất khẩu 9 tháng năm 2020 đạt 4,8 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD.

Gạo xuất khẩu giảm 0,8% về lượng nhưng tăng 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5-6,7 triệu tấn gạo.

Xuất khẩu gạo giảm về lượng nhưng tăng về giá trị
Xuất khẩu gạo giảm về lượng nhưng tăng về giá trị

Giá gạo xuất của Việt Nam giảm

Tháng 9, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tăng từ 384 - 390 USD/tấn lên 387 - 394 USD/tấn; gạo cùng loại của Thái Lan giảm liên tiếp trong 3 tuần, từ mức 500 - 513 USD/tấn, xuống còn 480 - 504 USD/tấn, mức giảm khoảng 5%; Việt Nam từ 480 - 490 USD/tấn xuống 470 - 475 USD/tấn, mức giảm khoảng 3%.

Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) lý giải, giá gạo xuất của Việt Nam và Thái Lan giảm do nhu cầu thị trường quốc tế giảm mạnh. Trong khi đó, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lan rộng tại Ấn Độ, nguồn nhân công tại các nhà máy và cảng bị thiếu hụt trầm trọng, dẫn đến giá gạo tại nước này tăng.

Tuy tăng nhưng giá gạo Ấn Độ xuất khẩu hiện vẫn thấp hơn gạo Việt Nam khoảng 90 USD/tấn và gạo xuất khẩu Việt Nam đang thấp hơn khoảng 10 - 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan.

Giá gạo Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới ở mức 470 - 480 USD/tấn. Theo Bộ công thương, điểm nổi bật trong hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian gần đây là cơ cấu chủng loại đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao.

“Trong năm 2020, nhiều thời điểm gạo Việt Nam đã vượt qua giá bán của gạo Thái Lan trên thị trường xuất khẩu. Đây là tín hiệu rất mừng”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Tính hết tháng 8, Philippines hiện đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,4% thị phần, đạt 1,72 triệu tấn trị giá 797,6 triệu USD, giảm 2,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Ngày 6/10 vừa qua, Philippines cũng thông tin đang tạm ngưng nhập khẩu gạo do lượng gạo dự kiến nhập trong năm nay đã gần đạt. Kế hoạch nhập khẩu gạo của Philippines năm 2020 là 2,3 triệu tấn, hiện đã nhập được 2 triệu tấn. Tháng 10 và tháng 11 cũng vào vụ thu hoạch lúa tại quốc gia này, dự kiến nguồn cung sẽ dồi dào, nên trước mắt, Bộ Nông nghiệp Philippines tạm ngưng nhập khẩu gạo trong 2 tháng tới để cân đối nguồn cung, dự trữ gạo.

Đây là thông tin tác động mạnh đến xuất khẩu gạo Việt Nam. Bởi Philippines hiện là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam.

Hiệp định EVFTA là “đòn bẩy” cho ngành lúa gạo

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang một số nước EU đã bật tăng mạnh ngay từ tháng đầu tiên Hiệp định EVFTA có hiệu lực (1/8). Một số thị trường có lượng xuất khẩu tăng mạnh như Tây Ban Nha tăng 219,9%, Pháp tăng 145,8%. Đây là tiền đề tốt để doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả cơ hội thị trường EU.

Xuất khẩu gạo giảm về lượng nhưng tăng về giá trị

Với viêc xuất khẩu gạo sang thị trường EU theo EVFTA, ngoài việc được hưởng lợi thế về thuế xuất, ngành gạo Việt Nam còn được lợi từ những yếu tố khác. Cụ thể là hình ảnh hạt gạo Việt Nam sẽ được các nước khác đánh giá tốt hơn bởi EU vốn là thị trường có tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, quy tắc xuất xứ…

Nhìn nhận lợi thế trên, thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh khẳng định: EU là thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu dân nhưng rất khắt khe đối với hàng hóa. Đặc biệt, năm 2020 là năm khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế giới nhưng Việt Nam đã vượt khó, ngành hàng lúa gạo đã vươn lên được như kỳ tích, tất cả các vụ đều được mùa, được giá.

“Đây là cơ hội lớn cho ngành hàng lúa gạo. Dù 80.000 tấn là nhỏ nhưng tiềm năng rất lớn. Bởi vì EU là thị trường nhập khẩu gạo rất lớn từ 2,3 – 2,5 triệu tấn/năm. Vì vậy, hiệp định này có hiệu lực, chúng ta kiểm soát tốt chất lượng thì tôi tin rằng sắp tới hạn ngạch xuất khẩu sẽ tăng lên” - ông Doanh nhấn mạnh.

Về đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo EVFTA, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định hướng dẫn các doanh nghiệp các thủ tục làm chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU, tạo nền tảng cho doanh nghiệp sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu theo đúng quy định.

Tuy nhiên muốn được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch theo quy định của Liên minh châu Âu, gạo thơm xuất khẩu sang EU phải được chứng nhận đảm bảo tính đúng giống. Do vậy, để đảm bảo độ thuần, tính đúng giống của gạo thơm xuất khẩu, cần thiết phải kiểm tra ruộng lúa thơm trước khi thu hoạch.

Theo quy định, việc kiểm tra ruộng lúa thơm thực hiện 1 lần trong thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo thơm phải chịu trách nhiệm về độ thuần, tính đúng giống trong quá trình thu hoạch, phơi, sấy, sơ chế, bảo quản, xay, xát, chế biến, đóng gói, ông Cường cho hay.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu gạo giảm về lượng nhưng tăng về giá trị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới