Sau dịch COVID-19 lần thứ tư, thị trường BĐS có tiếp tục bật tăng?
Hà Nội và nhiều tỉnh, thành đã dỡ bỏ các chốt kiểm soát..., nhà đầu tư Hà Nội bắt đầu đổ về các tỉnh thành để tìm hiểu, săn đất đầu tư.
Nhà đầu tư Hà Nội bắt đầu đổ về các tỉnh
Nhà đầu tư Phạm Kiều Thanh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, thời gian giãn cách xã hội vừa qua, bà thực hiện một giao dịch online ở Thanh Hóa. Việc mua bán diễn ra với sản phẩm một chủ đầu tư lớn, uy tín, có thương hiệu mạnh trên thị trường.
Trước đó, bà từng đầu tư sản phẩm của doanh nghiệp lớn này tại Hà Nội và có lãi nên dù không xuống thực tế thị trường, chỉ xem quy hoạch, thiết kế dự án online, bà vẫn yên tâm xuống tiền.
Cũng tại tỉnh này, nhiều môi giới chào mời bà phân khúc đất nền, đất đấu giá nhưng các sản phẩm đều của các chủ đầu nhỏ, lẻ, không tên tuổi và các môi giới mới làm việc lần đầu nên dù quan tâm nhưng bà không yên tâm với việc mua bán online. Bà dự định khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, việc thông thương đi lại giữa các tỉnh thành dễ dàng sẽ xuống thực tế thị trường.
Hai ngày cuối tuần vừa rồi, khi các chốt được dỡ bỏ, bà Thanh đi Thanh Hóa để khảo sát thị trường và gặp gỡ trực tiếp các môi giới trước đó chỉ làm việc qua hình thức online.
Các thị trường tỉnh trong tuần vừa qua, đang có nhiều dự án mở bán như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thái Nguyên,… bắt đầu ghi nhận sự trở lại đông đảo của nhà đầu tư đến từ Hà Nội và các thị trường lân cận.
Trước đó, khi giãn cách chưa được nới lỏng, môi giới ở các địa phương chỉ trông chờ vào sức mua của các nhà đầu tư trong tỉnh thì nay với sự trở lại của nhà đầu tư đến từ Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác, lực cầu của thị trường mạnh hơn.
Theo môi giới bất động sản Nguyễn Việt Chiến tại Bắc Giang cho biết: “Sức mua của thị trường đang tăng lên, nhà đầu tư có cơ hội thực địa thị trường nên nhiều cọc giữ chỗ trước đó trở thành giao dịch thực. Nhiều lô đất ở Bắc Giang cũng được cọc khi nhà đầu tư xuống thực tế thị trường”.
Sau dịch, thị trường có nóng?
Làn sóng nhà đầu tư quay trở lại các thị trường tỉnh đông đảo khi việc đi lại trở nên thuận lợi hơn, nhưng nhìn chung lực cầu của thị trường dù có tăng nhưng vẫn đang yếu so với trước. Các thị trường tỉnh dù đông đảo người đi xem đất thời điểm cuối tuần vừa qua nhưng phần lớn mới chỉ dừng ở việc khảo sát, tìm hiểu thực tế.
Những giao dịch thành công chủ yếu diễn ra ở những nhà đầu tư đã có quá trình tìm hiểu kĩ lưỡng từ trước khi dịch bùng. Họ thậm chí đã trở đi trở lại các thị trường này từ trước khi dịch bệnh phức tạp và sau thời gian bị gián đoạn vì dịch bệnh, lần trở lại này, họ quyết định mua.
Nhiều người tham gia thị trường đang kì vọng một đợt nóng mới như các giai đoạn sau dịch trước đó. Trên thực tế, diễn diễn biến thị trường BĐS trong các đợt dịch trước đó được ví như “chiếc lò xo” bị nén khi dịch bùng phát, sau mỗi đợt dịch nhu cầu bất động sản bật tăng mạnh mẽ.
Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, việc thị trường BĐS bật tăng trong năm 2020 còn kéo dài sang năm 2021. Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2021 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam vẫn ghi nhận lượng lớn giao dịch BĐS diễn ra dù đây là thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19.
Nội lực của thị trường BĐS vẫn mạnh nên khi dịch được kiểm soát, thị trường bật tăng rất nhanh, trở nên sôi động hơn, ông Đính nhận định
Phân khúc nào sẽ hồi phục nhanh chóng sau đại dịch?
Phân khúc được nhiều chuyên gia đánh giá có tiềm năng khôi phục mạnh mẽ nhất sau đại dịch là nhà ở. Bởi tâm lý của người Việt Nam vẫn mong muốn sở hữu nhà ở, đất ở, do đó nguồn cầu về phân khúc này vẫn còn rất lớn.
Cùng với đó, dịch bệnh đã khiến trào lưu “bỏ phố” hay xu hướng sở hữu căn nhà thứ hai trở nên phổ biến hơn. Tệp khách hàng này thường tìm kiếm chốn an cư mới ở những vùng ven có khí hậu trong lành, kết nối giao thông thuận tiện đến các thành phố lớn, nằm trong những dự án được quy hoạch bài bản với một cộng đồng xã hội khép kín, có thể tự cung tự cấp các dịch vụ thiết yếu như siêu thị mini, phòng khám, trường học, bệnh viên, tiện ích giải trí nội khu.
Về tiềm năng thị trường, các chuyên gia đánh giá cao những thị trường vùng ven, các đô thị vệ tinh hơn những thị trường thuộc các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Vài năm gần đây, tại các tỉnh lân cận TP.HCM, thị trường BĐS trở nên vô cùng sôi động, nhất là tại khu vực Long Thành, Đồng Nai, với sự xuất hiện của các doanh nghiệp lớn như Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh, Nam Long…