Phú Quốc cần đẩy mạnh phát triển các khu đô thị mới kiểu mẫu
Sau gần 2 năm trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, dân số Phú Quốc đang gia tăng đáng kể, chủ yếu là nguồn nhân lực chất lượng cao, hứa hẹn trở thành trung tâm du lịch mới của khu vực và thế giới.
Tránh sự lãng phí tiềm năng
Tại Hội thảo "Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới" vừa diễn ra, các chuyên gia cho rằng, cần có sự thay đổi kịp thời trong quy hoạch, tránh sự lãng phí tiềm năng tại đây.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, dự báo đến 2030, Phú Quốc sẽ có 550.000 dân, gấp 3 lần hiện tại.
"Rất cần sự phát triển bài bản hệ thống đô thị để tạo ra cái hệ thống đủ lớn, đủ sức chứa", ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay.
Hiện nay, Phú Quốc có hơn 300 dự án đầu tư nhưng chủ yếu là du lịch nghỉ dưỡng, rất ít dự án đô thị để ở lâu dài. Đáng chú ý, để phù hợp với quy hoạch và tầm nhìn phát triển của Phú Quốc, các đại đô thị mới tại đây đã được đầu tư thêm nhiều tiện ích như trung tâm hội nghị quốc tế, hệ thống trường học liên cấp, y tế...
Tại hội thảo, đại diện dự án Meyhomes Capital cho rằng, thành phố cần đẩy mạnh phát triển các khu đô thị mới kiểu mẫu, chuẩn bị cho sự gia tăng dân số.
Đến thời điểm hiện tại, trên 60% nhà đầu tư bất động sản vào thị trường Phú Quốc quan tâm tới phân khúc nhà ở tại các dự án đô thị có pháp lý minh bạch, số lượng hữu hạn, thay vì bất động sản nghỉ dưỡng, hay đất phân lô bán nền như các năm trước.
Cần thêm chính sách riêng về đất đai
Phát triển Phú Quốc với tư cách là một khu hành chính đặc biệt là một cơ hội lớn cho Đảo Ngọc. Theo GS. Đặng Hùng Võ, quy hoạch phát triển Phú Quốc đã được phê duyệt và chi tiết hóa từng bước tại các đồ án quy hoạch chi tiết. Mục tiêu của quy hoạch đã được chỉ ra rất cụ thể với tham vọng rất lớn. Điều quan trọng là tìm lộ trình phát triển phù hợp.
Trong giai đoạn 1, GS Võ cho rằng cần phát triển Phú Quốc trở thành một trung tâm du lịch của khu vực và quốc tế. Điểm khác biệt nên lựa chọn cho Phú Quốc là du lịch môi trường. Phú Quốc phải lấy phát triển xanh làm điểm nhấn, tạo ra một khung cảnh đặc biệt về môi trường lý tưởng trên thế giới.
Từ một trung tâm du lịch, có thể tiếp tục đưa Phú Quốc trở thành trung tâm giao thông khu vực và quốc tế, từ đó mới làm cho thành phố Phú Quốc có thêm nhiều chức năng khác. Tất cả những bước tiếp theo đều phải lựa chọn môi trường là điểm khác biệt cơ bản.
Để phát triển, Phú Quốc cần những chính sách, cơ chế đặc thù, lấy hội nhập khu vực và quốc tế làm cơ sở. GS Võ đặc biệt nhấn mạnh Phú Quốc cần được phép áp dụng 4 chính sách riêng về đất đai.
“Phú Quốc cần được phép áp dụng 4 chính sách riêng về đất đai (chưa có trong Luật Đất đai hiện hành) để đẩy mạnh quá trình đầy tư phát triển”, GS. Đặng Hùng Võ cho hay.
Một là cơ chế góp đất và điều chỉnh lại đất đai để phát triển đô thị, phát triển hạ tầng và phát triển các khu du lịch. Cơ chế này đã được Nghị quyết 18-NQ/TW đưa vào như một yêu cầu đổi mới.
Hai là cho phép chế độ sử dụng đất vào mục đích phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tương đương như đất ở (sử dụng đất dài hạn).
Ba là mở rộng quyền sở hữu và kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng của người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam tương đương như đối với đất ở. Bốn là cho phép các chủ đầu tư dự án được thế chấp bằng bất động sản ở Việt Nam tại các tổ chức tín dụng có pháp nhân nước ngoài.
“Tất cả 4 chính sách nói trên đều chưa được Luật Đất đai 2013 cho phép áp dụng tại Việt Nam. Mặc dù vậy, Quốc hội cần cho phép áp dụng tại Phú Quốc nhằm tăng tốc quá trình đầu tư phát triển và tăng tính hấp dẫn của Phú Quốc. Việc cho phép như vậy hoàn toàn phù hợp với đặc thù của một khu hành chính đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế”, GS Võ khuyến nghị.
Ở góc độ quy hoạch, TS.KTS. Trương Văn Quảng góp ý, cần xây dựng đề án phát triển kiến trúc, cảnh quan trên phạm vi toàn đảo theo hướng thành phố Phú Quốc là một hòn Đảo xanh - Đảo Ngọc. Cụ thể, đối với các vùng đô thị - du lịch (khu đô thị Cửa Cạn, khu đô thị Dương Đông, khu đô thị An Thới); các vùng du lịch sinh thái (phía Bắc, Nam đảo, du lịch hỗn hợp Bãi Trường - Bãi Vòng); các làng nghề truyền thống… cần áp dụng cách tiếp cận quy hoạch mới (phương pháp, TCQC…) theo hướng phát triển đô thị xanh, du lịch sinh thái, kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả… Mỗi khu đô thị phải có “cá tính” riêng.
"Ngoài ra, các nhà quy hoạch cần thiết lập, xác định các ranh giới cụ thể bằng cách cắm mốc đối với các khu chức năng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch... như các khu vực phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp, nông thôn, các vùng cảnh quan sinh thái, vùng bảo tồn, các vùng hạn chế hoặc cấm xây dựng....", TS. Quảng cho hay.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phú Quốc cần được phép áp dụng 4 chính sách riêng về đất đai (chưa có trong Luật Đất đai hiện hành), nhằm đẩy mạnh quá trình đầu tư phát triển. Việc cho phép như vậy hoàn toàn phù hợp với đặc thù của một khu hành chính đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế.
Huyền Diệu