Những “điểm nghẽn” thể chế của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam
Tại hội thảo, các vấn đề pháp lý từ lý luận đến thực tiễn về thị trường bất động sản đều được “mổ xẻ” ở nhiều góc độ khác nhau, trong đó chú trọng phân tích đến xu hướng phát triển và những “điểm nghẽn” thể chế của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”.
Hội thảo đã nhận được tổng số 35 báo cáo tham luận, trong đó có 33 tham luận của các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn ở Việt Nam và 2 tham luận từ quốc tế.
Các vấn đề pháp lý từ lý luận đến thực tiễn về thị trường bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng đều được đề cập, phân tích, “mổ xẻ” ở nhiều góc độ khác nhau, trong đó chú trọng phân tích đến xu hướng phát triển và những “điểm nghẽn” thể chế của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: “Hội thảo đã nhận được những ý kiến tập trung đánh giá thực trạng, phương hướng phát triển, đề xuất những giải pháp, kiến nghị, đặc biệt là về chính sách pháp luật nhằm góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của thị trường bất động sản du lịch”.
Về chính sách, pháp luật về thị trường bất động sản du lịch – kinh nghiệm quốc tế và những gợi mở cho Việt Nam, các chuyên gia đại diện Hiệp hội bất động sản Mỹ, Thái Lan, Indonesia, Singapore đã tập trung phân tích kinh nghiệm xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường và gợi mở cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề như: Những xu hướng phát triển và những bất cập pháp lý của thị trường bất động sản du lịch; vai trò quản lý và điều tiết thị trường bất động sản du lịch của Nhà nước; sự tham gia, vận động và phát triển thị trường của các chủ thể; những cơ hội và thách thức về chính sách, pháp luật đối với các chủ thể tham gia vào thị trường bất động sản du lịch và định hướng chính sách cần thay đổi, tháo gỡ để thị trường phát triển.
Từ đó, đưa ra những kiến nghị và giải pháp xây dựng chính sách, pháp luật cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam.
Ông Khôi cho biết: “Những vấn đề quan trọng được rút ra trong Hội thảo chính là tạo ra “hồn cho đất” để làm nên những giá trị vật chất và tinh thần, thu hút khách du lịch”.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra các kiến nghị cần thiết.
Thứ nhất, khung pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch cần thống nhất định danh cụ thể hình thức đất xây dựng bất động sản du lịch, quy mô và vai trò của thị trường này, nhất là những vấn đề liên quan đến: Chính sách ưu đãi đặc thù; pháp luật về đầu tư, kinh doanh; cơ chế quản lý, sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người mua; vấn đề thu hút, huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư...
Thứ hai, khung pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch cần được thiết kế và hoàn thiện dựa trên việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Thứ ba, cần khẩn trương tạo lập hành lang pháp lý chính thức cho thị trường bất động sản du lịch; cần hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và thủ tục đầu tư, sự thống nhất quản lý của nhà nước trong các Luật liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp...
Ông Khôi cho biết: “Hiệp hội sẽ tổng hợp ý kiến, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những bất cập của thị trường bất động sản du lịch, để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét và có hành động khẩn trương, phù hợp nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế”.