Nhiều hợp tác xã tại Đồng Tháp khôi phục thị trường xuất khẩu nông sản
Hoạt động xuất khẩu nông sản tại Đồng Tháp được kết nối trở lại, phần nào giúp cho hợp tác xã nông nghiệp giảm bớt áp lực, nhất là xuất khẩu gạo và một số nông sản khác tăng dần lên.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp cho biết: 6 tháng đầu năm, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của hợp tác xã trên hầu hết các lĩnh vực: Nông nghiệp, thủy sản, vận tải, tiểu thủ công nghiệp trên toàn tỉnh, kể cả những hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của dịch bệnh.
Những hợp tác xã chỉ cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu phải cắt giảm sản lượng cung ứng, các nhà vườn là thành viên hợp tác xã bị ảnh hưởng trực tiếp do giá bán trái cây sụt giảm, không có đầu ra. Sức tiêu thụ của thị trường nội địa cũng giảm từ 40 - 60%, giá bán giảm trung bình từ 30 - 40% so với cùng kỳ hằng năm.
Gần đây, hoạt động xuất khẩu nông sản được kết nối trở lại, phần nào giúp cho hợp tác xã nông nghiệp giảm bớt áp lực, nhất là xuất khẩu gạo, giá bán xoài và một số nông sản khác tăng dần lên.
Nhiều hợp tác xã khôi phục thị trường xuất khẩu nông sản |
Về hoạt động Liên minh Hợp tác xã tỉnh, trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức 2 lớp tuyên truyền, vận động thành lập hợp tác xã, tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hợp tác xã, tư vấn, hỗ trợ, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã.
Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh còn hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay. Tính đến ngày 31/5/2020, tổng dư nợ của quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh là hơn 2,5 tỷ đồng.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.112 tổ hợp tác, với 50.150 thành viên, so với cùng kỳ năm 2019 số tổ hợp tác tăng 20,3%, số thành viên tăng 4,8%.
Trong 6 tháng đầu năm có 6 hợp tác xã thành lập mới, đạt 54,5% so với kế hoạch, giải thể 10 hợp tác xã không hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 210 hợp tác xã, vốn điều lệ trên 298 tỷ đồng.
Xuất khẩu nông sản đang dần được phục hồi |
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh xây dựng và nhân rộng 172 mô hình sản xuất sản phẩm an toàn gắn với liên kết, hợp tác phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thành lập 52 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hướng dẫn 41 sản phẩm thực hiện chương trình OCOP.
Bên cạnh đó còn thành lập mới 4 mô hình Chi hội nông dân “Nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch”, 167 mô hình Hội nông dân tham gia bảo vệ môi trường đã thu gom hơn 7,2 tấn rác thuốc thải BVTV.
Đặc biệt, trong thời gian tới, các cấp Hội nông dân tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình OCOP. Tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và cho hội viên, nông dân…
Cũng trong năm qua, trên địa bàn Đồng Tháp xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, có liên kết tiêu thụ ổn định như: mô hình canh tác lúa lý tưởng, sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, mô hình sản xuất cá tra được chứng nhận theo hướng an toàn, mô hình “Cây xoài nhà tôi”, mô hình “Cây cam vườn tôi”, “Ruộng nhà mình”... Ngành hàng xoài năm 2019 đã được cấp mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc xoài, tập huấn cho nhà vườn đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng của trái xoài để tham gia xuất khẩu. Xoài Cao Lãnh đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm