Ngành hàng không kiến nghị nới lỏng quy định cách ly đối với khách quốc tế
Chủ tịch VABA kiến nghị không hạn chế đối tượng khách và mục đích đi lại của khách quốc tế vào Việt Nam, chỉ yêu cầu khách có visa, hộ chiếu hợp lệ, đáp ứng đủ các yêu cầu về phòng chống dịch theo quy định của Nhà nước Việt Nam.
Sáng nay 25/12, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022.
Tại Hội nghị, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không VN (VABA) đề xuất Bộ GTVT sớm phục hồi và phát triển thị trường hàng không trong nước; Kịp thời mở lại và mở rộng các tuyến đường bay quốc tế theo kế hoạch mà Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ.
Đáng chú ý, Chủ tịch VABA kiến nghị không hạn chế đối tượng khách và mục đích đi lại của khách quốc tế vào Việt Nam, chỉ yêu cầu khách có visa, hộ chiếu hợp lệ, đáp ứng đủ các yêu cầu về phòng chống dịch theo quy định của Nhà nước Việt Nam.
Cùng đó, nới lỏng tối đa quy định về cách ly đối với hành khách nhập cảnh phù hợp với chính sách “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” hiện nay, tiến tới xem xét thời điểm dỡ bỏ quy định cách ly để thông báo tới các hãng hàng không tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách; Bỏ quy định về cách ly đối với phi hành đoàn của các hãng hàng không Việt Nam vừa hoàn thành chuyến bay từ nước ngoài về nước.
Ông Dũng cũng kiến nghị đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng cho ngành hàng không một cách có trọng điểm theo hướng đồng bộ hóa và nâng cao hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng ngành hàng không Việt Nam.
"Bộ GTVT cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hàng không tiếp cận các nguồn tín dụng để cải thiện và duy trì tính thanh khoản một cách bền vững; Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không xuống mức tối thiểu trong khung thuế mà Quốc hội đã quy định (1.000 đ/ lít); Tiếp tục giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp hàng không cho tới hết 31/12/2022", ông Dũng đề xuất.
Chủ tịch VABA cho biết, dịch Covid-19 tác động bất lợi đến hoạt động của các doanh nghiệp hàng không Việt Nam trong năm 2021.
Theo ông Dũng, dự kiến cả năm, lượng khách có thể đạt 17,5 triệu người (giảm 52% so với năm 2020): “Hết tháng 9/2021, tổng thị trường chỉ đạt 13,4 triệu hành khách, giảm 42,1% so với năm 2020 và giảm 77% so cùng kỳ năm 2019. Riêng đối với hành khách quốc tế, chỉ đạt 349 nghìn hành khách, giảm 95,1% so cùng kỳ năm 2020 (giảm 98,8% so với cùng kỳ năm 2019”.
Cũng theo ông Dũng, từ khi bùng phát dịch lần thứ 4 ở Việt Nam đến nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm 80 - 90%; dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng; các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiệt.
Sản lượng điều hành bay ước đạt 290 nghìn chuyến, giảm mạnh so với con số 1 triệu chuyến năm 2019.
Dự kiến năm 2022, các doanh nghiệp hàng không tiếp tục chịu tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch Covid-19. Trong đó, dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới chính sách mở cửa thị trường hàng không của các nước và tâm lý của khách hàng. Cùng đó là sự thay đổi thói quen, thị hiếu của khách du lịch, trong đó dịch vụ “du lịch online” đã hình thành và phát triển trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài.
Ông Dũng cũng đề cập đến sức ép cạnh tranh gia tăng khi Việt Nam mở cửa thị trường hàng không quốc tế, khi các hãng hàng không nhiều nước đã hoạt động trở lại trước Việt Nam; Sự thiếu hụt lực nhân lực kỹ thuật trình độ cao, đặc biệt là đội ngũ phi công có kinh nghiệm; Sức ép thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính đã được giãn và tái cấu trúc trong thời gian dịch bệnh.