Nhìn lại một năm đầy biến động của ngành Hàng không Việt Nam
Ngành Hàng không Việt Nam đã có thêm 1 năm chống chọi với nhiều ảnh hưởng từ dịch covid-19. Hàng loạt doanh nghiệp báo lỗ, máy bay "đắp chiếu", hành khách vắng bóng,… tuy nhiên với sự chủ động thích nghi, vượt khó nhiều DN đã tìm cho mình lối đi riêng.
Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch cảng hàng không
Năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 sân bay hiện có, dự thảo đầu tư 6 sân bay mới đến năm 2030 là Long Thành, Nà Sản, Lai Châu, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết.
Năm 2021, ưu tiên tập trung đầu tư một số sân bay lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội như Nội Bài, vùng TP.HCM như Tân Sơn Nhất, Long Thành. Trong năm đã có 3 sân bay trong dự thảo 6 sân bay được khởi công, giải ngân, giải phóng mặt bằng sẵn sàng xây dựng gồm: Sân bay Long Thành, sân bay Sapa, sân bay Phan Thiết.
Sân bay Long Thành
Dự án Xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã được chính thức khởi công vào đầu năm 2021. Theo kế hoạch, cuối năm 2025, dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.
Báo cáo tình hình vào tháng 12 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá tiến độ giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành vẫn còn chậm.
Về tiến độ giải ngân, Bộ trưởng cũng cho biết trong năm 2021 đạt 5.953 tỷ đồng (38,17%) theo kế hoạch vốn.
Dự án có số vốn đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng (khoảng 4,6 tỷ USD), nếu chậm trễ một ngày thì thiệt hại sẽ rất lớn nên Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng với "tinh thần đổi mới", mục tiêu phải hoàn thành toàn bộ công trình trước tháng 1/2025.
Sân bay Sa Pa
Theo quyết định của Thủ tướng, địa điểm xây dựng sân bay Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai.
Giai đoạn 1 (thực hiện từ năm 2021): Sân bay Sa Pa được xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và là sân bay quân sự cấp II, công suất 1,5 triệu hành khách/năm.
Giai đoạn 2 (hoàn thiện, thực hiện sau năm 2028): Hoàn thành các hạng mục của dự án để sân bay đạt công suất 3 triệu khách/năm.
Tỉnh Lào Cai đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đến cuối tháng 11, tiến độ giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 khu tái định cư sân bay Sa Pa đã đạt 80% tiến độ.
Đây là dự án nằm trong danh mục 28 dự án chào mừng 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt, sân bay Sa Pa nằm trong danh mục các dự án khởi công mới năm 2021.
Sân bay Phan Thiết
Tháng 4 năm nay, dự án sân bay Phan Thiết được thi công, nâng cấp từ 4C lên cấp 4E, đường băng dài từ 2.400 m lên 3.050 m để có thể khai thác các chuyến bay quốc tế trong tương lai. Đây là một trong 15 cảng hàng không nội địa trên cả nước có quy mô cấp 4E dân dụng kết hợp với sân bay quân sự cấp 1.
Vào cuối tháng 10 đại diện Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận cho biết, tỉnh đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng 545,56ha đất để xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết, gồm mặt bằng sân bay rộng 543 ha và đài dẫn đường K2 rộng 2,56ha.
Khi sân bay Phan Thiết hoàn thành, du khách từ các tỉnh phía Bắc chỉ mất 2 tiếng bay đến sân bay Phan Thiết, sau đó thêm khoảng 1 giờ để tới La Gi theo cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hay theo tuyến đường biển Mũi Né - La Gi đang được đầu tư.
Hàng không "thoi thóp", nguy cơ phá sản
Dịch bệnh COVID-19 khiến ngành hàng không phải dừng bay, gây thiệt hại trên 500 tỷ đồng/ngày. Đây là số tiền "bốc hơi" hằng ngày được Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) tiết lộ vào tháng 10 năm 2021.
Dòng tiền kinh doanh của nhiều hãng hàng không "thoi thóp" và rơi vào "vùng nguy hiểm". Chỉ tính đến giữa năm 2021, khoản nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất đã lên tới 36.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines chiếm hơn 66%.
Trên thực tế, giải trình với cổ đông về tình hình kinh doanh quý I/2021, Vietnam Airlines cho hay đại dịch Covid-19 khiến tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ giảm 65,3% so với cùng kỳ 2020 (hơn 9.558 tỷ đồng) trong đó chủ yếu là doanh thu cung cấp dịch vụ giảm mạnh 63,7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 8.511 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lỗ quý II/2021 dự kiến là 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lỗ tới 10.000 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, số nợ phải trả quá hạn của hãng lên tới 6.240 tỷ đồng. Vietnam Airlines rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, đứng bên bờ vực phá sản, theo Bộ KH-ĐT.
Gồng mình vượt "bão" thua lỗ
Trong bối cảnh dịch COVID-19, mảng kinh doanh cốt lõi trở nên khó khăn, các hãng bay cũng có bước đi để đa dạng nguồn thu, cứu lấy chính mình.
Để bù đắp thâm hụt dòng tiền, xoay xở trả nợ, trong năm Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) đã chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, rẻ hơn 2,5 lần so với thị giá.
Tuy nhiên, hãng chỉ chào bán thành công 796 triệu cổ phiếu, nên Vietnam Airlines thu về số tiền 7.961 tỷ đồng, vẫn thiếu 39 tỷ đồng để trả đủ các khoản nợ trên.
Dù vậy, với kết quả đợt phát hành cổ phiếu này, hãng đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM – HoSE.
Đối với Vietjet Air (VJC), nửa đầu năm 2021, hãng bay này đã bán toàn bộ gần 17,8 triệu cổ phiếu quỹ, thu về khoảng 2.350 tỷ đồng, nhờ đó tăng vốn điều lệ, tăng số lượng cổ phiếu lưu hành, bổ sung nguồn tiền phục vụ kinh doanh.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2021, doanh thu của Vietjet Air hợp nhất cả năm 2021 đạt 28.500 và 32.000 tỷ đồng, tương ứng tỉ lệ tăng 87% và 76%. Lãi ròng sau thuế hợp nhất nguyên năm đạt 1.000 tỷ đồng, gấp 14,5 lần so với năm trước. Vietjet Air lãi sau thuế hợp nhất 123 tỷ đồng, hoàn thành 12,3% kế hoạch năm.
Với Bamboo Airways, trong năm nay, đã ba lần tăng vốn điều lệ. Hiện tại vốn điều lệ đã lên đến 16.000 tỷ đồng. Hoạt động của hãng rất cần đến sự hỗ trợ của các cổ đông lớn gồm Tập đoàn FLC và Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.
Giảm thuế, khoanh nợ, tái cấp vốn tín dụng
Để hỗ trợ ngành hàng không trong năm 2021, bên cạnh những chính sách chung, Chính phủ đã áp dụng một số giải pháp mang tính đặc thù.
Điển hình là áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay chỉ bằng 70% mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14. Ước tính trong năm 2021, số tiền thuế được giảm là khoảng 900 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV), các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không trong việc: Cho phép các hãng hàng không Việt Nam được khoanh nợ, giãn nợ với các khoản giá, phí dịch vụ; bố trí, xắp sếp lại việc đỗ tàu bay tại các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất để hỗ trợ các hãng hàng không trong các giai đoạn bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, thị trường sụt giảm mạnh và tàu bay không thể khai thác.
Đồng thời, rà soát tình hình trả lại slot các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không nước ngoài và phân bổ cho các hãng hàng không Việt Nam sử dụng.
Trong năm, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với 10 TCTD và một số cơ quan liên quan để triển khai giải pháp tái cấp vốn cho TCTD cho vay VNA.
Các hãng hàng không chủ động thích nghi, vượt khó
Trước diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch COVID-19, các hãng hàng không cũng đã tìm ra giải pháp giúp “sống chung với dịch” và duy trì, đẩy mạnh hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh sự hỗ trợ chính sách từ các cơ quan chức năng thì sự chủ động thích ứng của ngành hàng không cũng là một giải pháp giúp tránh được nguy cơ phá sản.
VNA, VJC đã tận dụng mọi cơ hội để gia tăng doanh thu, mà trọng điểm là tăng cường các hoạt động vận chuyển hàng hóa, tăng chuyến chở công dân về nước, chở khách chuyên gia; duy trì thị phần nội địa và sẵn sàng khôi phục mạng bay nội địa khi dịch được kiểm soát tốt.
Bên cạnh đó, các hoạt động nhằm nối lại đường bay nội địa cũng được chú trọng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận và phê duyệt kế hoạch tái khởi động đường bay nội địa với thời gian thực hiện thí điểm 4 tuần sau khi được phê duyệt.
22 đường bay nội địa sẽ được thiết lập và phân các sân bay thành ba nhóm: A, B, C với đối tượng hành khách và quy định đi kèm, đảm bảo nghiêm ngặt nhiều tiêu chí, trong đó có quy định hành khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Thử nghiệm thành công hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass)
Từ tháng 9 năm 2021, VNA đã thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trên chuyến bay số hiệu VN55 từ Hà Nội đi London (Anh), từ Hà Nội đi Seoul (Hàn Quốc), từ Hà Nội đi Tokyo (Nhật Bản).
Vietjet cũng đã tham gia thử nghiệm ứng dụng IATA Travel Pass, để sớm có chìa khóa mở cửa biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi lại.
Chuyến bay mang số hiệu VN5311 chở 297 công dân Việt Nam từ Nhật Bản có “hộ chiếu vaccine” đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh. Đây là chuyến bay đầu tiên áp dụng thí điểm chương trình cách ly y tế bảy ngày của Bộ Y tế Việt Nam.
Tiếp theo là 2 chuyến bay chở theo 345 người Việt Nam khởi hành từ Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. .
Trong năm 2021, các chuyến bay thử nghiệm liên tiếp đạt kết quả tích cực được nhìn nhận là cơ sở quan trọng để Chính phủ xem xét, chính thức công nhận cơ chế hộ chiếu sức khỏe điện tử.
Đề xuất thành lập hãng bay mới
Chỉ trong 6 tháng, doanh thu chở hàng (thông thường chỉ chiếm 10%) đã vượt cả doanh thu chở khách. Đây là tiền đề cho Vietnam Airlines nghiên cứu lập một hãng bay chuyên chở hàng hoá sau dịch bệnh, theo ông Đặng Ngọc Hoà- Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.
Thị trường bay chở hàng trong nước năm 2021, khá sôi động khi nhu cầu vận tải hàng hóa mùa dịch tăng cao.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng xin thành lập hãng bay chở hàng vốn 100 triệu USD nhưng chưa được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.
Vietjet cũng hoán đổi cấu hình 4 máy bay A321 để chuyên chở hàng. Các ông lớn chuyển phát nhanh như DHL, UPS cũng tăng chuyến, tải trọng để chở hàng hóa tới Việt Nam bằng máy bay.
Theo báo cáo Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi Chính phủ, tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa các hãng hàng không giai đoạn Việt Nam trong dịch một năm qua đều tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước dịch.