0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 13/11/2021 08:35 (GMT+7)

Ngân hàng Thế giới: Triển vọng tích cực về tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam

Ngân hàng Thế giới đánh giá, sau khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam dần dỡ bỏ những biện pháp hạn chế từ đầu tháng 10, các chỉ số di chuyển chính đã tăng trở lại và hoạt động kinh tế ngày càng khởi sắc hơn.

Theo báo cáo mới công bố ngày 12/11 của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức khi tái khởi động hậu giãn cách kéo dài. Tuy nhiên, các số liệu tháng 10 chứng tỏ sự suy giảm kinh tế đã "chạm đáy" và đang dần hồi phục.

Cụ thể, sau khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam dần dỡ bỏ những biện pháp hạn chế từ đầu tháng 10, các chỉ số di chuyển chính đã tăng trở lại và hoạt động kinh tế dần khởi sắc hơn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước và chỉ thấp hơn 1,6% so với năm trước. 

tm-img-alt
Biểu đồ: Ngân hàng Thế giới.

Theo Ngân hàng Thế giới, các tiểu ngành năng động nhất là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc và giày dép, sản phẩm cao su và nhựa, kim loại và đồ nội thất, toàn bộ đều đạt mức tăng trưởng hai con số so với tháng 9. 

Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4,4% (tháng 9) lên 18,1% (tháng 10) nhờ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, tổng doanh thu vẫn thấp hơn 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ, vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đợt bùng phát dịch lần thứ tư, tiếp tục phục hồi với tốc độ nhanh hơn doanh thu bán lẻ hàng hóa. Hai chỉ số tăng lần lượt ở mức 44,1% và 14,5% trong tháng 10. Tuy nhiên, cả hai vẫn chưa đạt được mức ghi nhận vào tháng 10 năm ngoái.

Liên quan tới cán cân thương mại, số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại 2,85 tỷ USD trong tháng 10 do xuất khẩu hàng hóa tăng 5,7% trong khi tăng trưởng nhập khẩu giảm từ 10,2% trong tháng 9 xuống còn 8,1%.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD. Trong khi đó, vốn FDI đăng ký giảm sau ba tháng tăng liên tiếp. Cụ thể, trong tháng 10 vừa qua, vốn FDI đăng ký đã giảm 47,4%. 

Bên cạnh đó, dù giá nhiên liệu tăng, nhưng lạm phát vẫn giảm nhẹ do giá lương thực, thực phẩm giảm và nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm tiêu dùng khác còn yếu. So với một năm trước, CPI chỉ tăng 1,8%, thấp nhất trong ba tháng gần đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 4%.

Ngân hàng Thế giới nhận thấy tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đã ổn định trở lại sau một thời gian ngắn giảm tốc nhờ nền kinh tế phục hồi. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 14,2% trong tháng 10, tương đương với tốc độ của tháng 9.  Điều đó phản ánh sự phục hồi của các hoạt động kinh tế sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ.

Một tín hiệu đáng mừng khác được Ngân hàng Thế giới chỉ ra là ngân sách nhà nước tháng 10 ghi nhận thặng dư sau 2 tháng thâm hụt. Cụ thể, cân đối thu, chi ngân sách nhà nước thặng dư 28 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD) trong tháng 10 do tổng chi giảm 18,8%, mặc dù tổng thu cũng giảm 9,3%. 

Trong báo cáo này, Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị rằng, các can thiệp về chính sách tài khóa, trong đó có việc miễn giảm thuế, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, trợ giúp xã hội cho những đối tượng gặp khó khăn sẽ hỗ trợ đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.

Theo đó, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong tháng 11 và tháng 12/2021 cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, du lịch, lưu trú, ăn uống và giải trí đã được thông qua, kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước vốn đã bị suy giảm nghiêm trọng. 

Mặt khác, khi nền kinh tế mở cửa trở lại và số ca bệnh mới gia tăng, Việt Nam cần tiếp tục tiêm vaccine nhanh chóng và duy trì cảnh giác bằng xét nghiệm và cách ly.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần theo dõi lạm phát khi nhu cầu trong nước phục hồi còn giá cả năng lượng trên thế giới tăng. Sức khỏe khu vực tài chính cũng cần được giám sát chặt chẽ.

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Thế giới: Triển vọng tích cực về tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới