Chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo trong phục hồi kinh tế
Thảo luận ở hội trường ngày 8/11, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều đề nghị với Chính phủ để có chính sách tổng thể phục hồi, tránh đứt gãy nền kinh tế sau COVID-19.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều nên biện pháp “tiếp máu” cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay nên có vai trò chủ đạo của chính sách tài khóa.
Chính sách tài khóa giúp duy trì động lực tăng trưởng
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ngày 08/11 vừa qua, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến năm 2022, nhiều đại biểu cho rằng cần xây dựng các nhóm chính sách tài khóa, tiền tệ và các gói hỗ trợ với quy mô phù hợp, đúng và trúng đối tượng, trong đó chú trọng vai trò của chính sách tài khóa.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, trong phiên thảo luận đã nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc kết hợp chặt chẽ, khoa học giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ vừa đảm bảo nguồn cung tiền cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm chỉ số lạm phát nằm trong mức mục tiêu, tránh gây xáo trộn nền kinh tế.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cũng đồng quan điểm cho rằng, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều nên biện pháp “tiếp máu” cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo.
Nhìn vào thực tế hiện nay, hàng loạt cân đối lớn của nền kinh tế như thâm hụt ngân sách/ GDP, nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ/ thu ngân sách Nhà nước… vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, ngụ ý dư địa chính sách tài khóa còn nhiều.
Trong báo cáo trình Quốc hội hôm 14/10 về nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022, Chính phủ cho biết nợ Chính phủ hiện ở mức khoảng 3,35 triệu tỷ đồng, tương đương 39,5% GDP. Dự kiến nợ công cả năm 2021 ở mức 43,7% GDP, còn thấp hơn nhiều mức trần nợ công 60% GDP mà Quốc hội cho phép. Năm ngoái, nợ công của Việt Nam cũng chỉ ở mức 44,4% GDP, thuộc top thấp nhất khu vực, trong khi các công cụ tăng vay nợ trong và ngoài nước (như phát hành Trái phiếu Chính phủ hay vay các định chế tài chính quốc tế) vẫn còn.
Tuy nhiên, dư địa chính sách tiền tệ còn ít hơn do lãi suất hiện đã ở mức thấp kỷ lục chưa từng có trong khoảng 20 năm, tiền gửi ngân hàng tăng trưởng thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu… Thêm vào đó, bản thân các tổ chức tín dụng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là vấn đề nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro (trong trung và dài hạn).
Chính sách tài khóa chưa phát huy được nhiều tác động
Liên quan đến việc xây dựng gói hỗ trợ nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cũng đồng tình rằng dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều nhưng dư địa chính sách tài khóa vẫn còn tương đối lớn.
Tại Diễn đàn Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh tổ chức vào cuối tháng 10/2021, TS. Cấn Văn Lực cho hay trong cả năm 2020, các gói hỗ trợ tiền tệ thông qua cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, cho vay lãi suất thấp, miễn giảm phí… ước tính trị giá khoảng hơn 30.000 tỷ đồng. Năm 2021, con số này ước đạt hơn 50.000 tỷ đồng. Tức tổng giá trị các gói hỗ trợ tiền tệ đến hết năm nay ước đạt hơn 80.000 tỷ đồng.
Về phía hỗ trợ tài khóa, tổng giá trị các gói hỗ trợ bao gồm miễn giảm thuế phí, lệ phí, gia hạn nộp thuế, miễn giảm tiền thuê đất, giảm giá điện và dịch vụ cũng như chi ngân sách phòng chống dịch ước đạt 100.000 tỷ đồng.
So sánh với quốc tế, theo thống kê của IMF đến hết quý II/2021, tổng giá trị các gói kích thích tài khóa và tiền tệ của các chính phủ trên toàn cầu đã lên tới gần 18.000 tỷ USD, tương đương khoảng 16% GDP toàn cầu (trên cơ sở GDP thế giới năm 2020). Trong đó, giá trị các gói kích thích tài khóa lớn hơn nhiều các gói kích thích tiền tệ, với phương thức triển khai chủ yếu là hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ lãi suất, cho vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng…
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) cũng đồng quan điểm chú trọng vai trò của chính sách tài khóa, tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2021 chủ đề "Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững" đã cho biết, các gói hỗ trợ trong gần 2 năm qua có quy mô hỗ trợ quá nhỏ, chủ yếu dựa vào chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa chưa phát huy được nhiều tác động, giá trị hỗ trợ thực từ chính sách tài khóa là rất thấp.
TS. Võ Trí Thành đề xuất xây dựng gói kích thích dựa nhiều hơn vào chính sách tài khóa, ngoài ra phối hợp với chính sách tiền tệ, an sinh xã hội và các giải pháp khác như thúc đẩy đầu tư công, đẩy mạnh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử…
Từ phía các tổ chức quốc tế, trong báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9/2021, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng khuyến nghị Việt Nam tăng cường sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.
Trong đó, 3 giải pháp để thúc đẩy chính sách tài khóa mở rộng mà World Bank đề xuất bao gồm: Một là giảm sự cứng nhắc về thủ tục trong thực hiện ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển để hỗ trợ tổng cầu; Hai là mở rộng hơn nữa các gói hỗ trợ cho người lao động cả ở khu vực chính thức và phi chính thức cũng như các hộ gia đình.
Thứ ba, World Bank đề xuất tiếp tục các gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh, đặc biệt với các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi làn sóng dịch như du lịch, ăn uống và lưu trú.
Cùng với chính sách tài khóa - tiền tệ, cần thêm nhiều nhóm giải pháp
ĐBQH Vũ Tiến Lộc cũng cho hay, để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội, cần áp dụng thêm một số giải pháp phi tài chính, tức là các cơ chế về các thủ tục đặc thù để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư toàn xã hội, hạn chế tối đa thủ tục và chi phí cho người dân cũng như doanh nghiệp.
Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành cho rằng song song với ban hành các gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ mới, cần tiếp tục đẩy mạnh các đề án cải cách và tái cấu trúc kinh tế đã có trong những năm qua cũng như đi sâu vào cải cách và xây dựng thể chế mới để tạo động lực cho tăng trưởng bền vững.
Thành đề nghị tập trung vào các cải cách mang tính trọng tâm như: kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính - ngân hàng, đầu tư công…, cải cách khung khổ pháp lý, hoàn thiện môi trường kinh doanh với các chế tài xử lý tranh chấp kinh doanh, cạnh tranh dựa trên cơ chế thị trường, tận dụng cơ hội hội nhập từ các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP, RCEP…), thu hút một cách có chọn lọc dòng vốn FDI, tăng trưởng xanh, qua đó đẩy mạnh chuyển đổi số.