0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 23/02/2022 15:14 (GMT+7)

Loạt huyện, thị xã sẽ lên TP khắp cả nước: Liệu có thu hút dự án "khủng"?

Với mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố thuộc tỉnh trước năm 2025, các huyện, thị xã như Quảng Yên (Quảng Ninh), Thủy Nguyên (Hải Phòng) hay Bến Cát (Bình Dương) đang được dồn lực đầu tư vào hạ tầng, thu hút loạt dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Những dự án "chắp cánh" cho Quảng Yên lên thành phố

Được thành lập ngày 25/11/2011, trải qua hơn 10 năm, TX Quảng Yên (Quảng Ninh) đã có bước phát triển vượt bậc. Tới năm 2020, TX tiếp tục ghi nhận dấu ấn khi được công nhận là đô thị loại ba trực thuộc tỉnh. Hiện, Quảng Yên đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố (TP) vào năm 2025 và đạt đô thị loại II trước năm 2030. 

tm-img-alt
TX.Quảng Yên (Quảng Ninh). Ảnh minh họa.

Kinh tế của TX Quảng Yên những năm qua có mức tăng trưởng cao, bình quân đạt 16,6%/năm. So với năm 2011, đến năm 2021, giá trị tổng sản phẩm xã hội tăng gần 10 lần, đạt 23.963 tỷ đồng.

Tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ tăng từ 69,5% lên 90,5%. Thu ngân sách nhà nước tăng từ 316 tỷ đồng lên 880 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 25,4 triệu đồng lên 75 triệu đồng/năm.

Với lợi thế của đô thị ven biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Ninh, TX Quảng Yên đã thu hút được nhiều dự án lớn hàng trăm tỷ USD, từ lĩnh vực hạ tầng giao thông, KCN đến khu đô thị,... 

Một trong những dự án có quy mô lớn là Khu đô thị phức hợp Hạ Long xanh do Vingroup làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 232.300 tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD, chính thức khởi công ngày 24/10/2021.

Dự án có tổng diện tích khoảng 4.110 ha, trong đó, địa phận của TX Quảng Yên chiếm tới 3.186 ha thuộc địa bàn 4 phường, xã gồm Tân An, Hoàng Tân, Hà An, Liên Hòa.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Amata lựa chọn Quảng Yên và Uông Bí để triển khai Dự án Amata Smart City có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD với tổng diện tích 1.720 ha. Được biết Tập đoàn này dự kiến đầu tư phát triển tới 5.800 ha tại Quảng Ninh.

Không chỉ tăng tốc vượt bậc về bất động sản và du lịch, Quảng Yên trong năm 2021 vừa qua còn đón được hai dự án lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo (thực hiện đầu tư tại KCN Sông Khoai) của Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam, với tổng mức đầu tư gần 900 triệu USD. Đây cũng là mức tổng vốn FDI cao nhất mà Quảng Ninh thu hút được vào các KCN, KKT của tỉnh tính đến thời điểm hiện tại.

Trước đó, Tập đoàn Foxconn cũng đã đầu tư vào KCN Đông Mai tại TX Quảng Yên và hiện đã đi vào sản xuất rất ổn định. Nhà đầu tư này còn đang có kế hoạch mở rộng quy mô dự án để nâng công suất hoạt động của nhà máy.

Đến nay, KKT Quảng Yên đã thu hút được 25 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỷ USD. Hiện Quảng Yên cũng là địa phương có nhiều KCN nhất của tỉnh Quảng Ninh (5/11 KCN), phần lớn diện tích của của KKT ven biển Quảng Yên cũng thuộc địa bàn của TX.

Cùng các chính sách trải thảm đỏ thu hút đầu tư, diện mạo sôi động và đầy tiềm năng của TX Quảng Yên là kết quả của chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ. 

Nhiều dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn TX Quảng Yên đang được triển khai với khối lượng giải phóng mặt bằng lớn như đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tại Km6+700 đến đường tỉnh 338); Xây dựng hoàn chỉnh Nút giao Đầm Nhà Mạc (tại Km 20+50 đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng).

Ngoài ra, các dự án như đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long-Hải phòng đến TX Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338) hay đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng đến TX Đông Triều (đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều),... cũng đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai.

Thủy Nguyên - nơi đặt Trung tâm hành chính mới của Hải Phòng 

Theo quyết định phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc quốc gia 2021 - 2030, đô thị Thủy Nguyên, Hải Phòng được dự kiến phân loại là đô thị loại II trong giai đoạn 2021-2025.

tm-img-alt
Huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Ảnh minh họa.

Nhằm đảm bảo tiến độ lên thành phố trước năm 2025, những năm qua Hải Phòng đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình lớn, tạo động lực vững chắc để Thủy Nguyên trong tương lai phát triển như: Trung tâm Hành chính - Chính trị; Cầu Hoàng Văn Thụ; Cầu Nguyễn Trãi; Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên; Khu đô thị VSIP hơn 1.000 ha theo tiêu chuẩn Singapore, xanh, sạch, gần gũi với thiên nhiên.

Bên cạnh cầu Hoàng Văn Thụ với mức đầu tư 2.300 tỷ đồng đã khánh thành cuối 2019, Hải Phòng đang triển khai xây dựng cầu Nguyễn Trãi với tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng. Cầu thiết kế hai nhịp dây văng dài 1.451 m bắc qua sông Cấm. Cầu Nguyễn Trãi dự kiến khởi công trong năm 2021 và hoàn thành trước năm 2024.

Sau khi hoàn thành, cầu Nguyễn Trãi kết nối Khu đô thị hiện hữu với Khu đô thị mới phía Bắc sông Cấm và các KCN chính trên địa bàn thành phố. Đồng thời, liên kết Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi với cực phát triển phía Bắc của thành phố tại khu vực Bắc Sông Cấm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủy Nguyên trong tương lai.

Đáng chú ý, Thủy Nguyên sẽ là nơi xây dựng Trung tâm hành chính rộng 324 ha, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng của TP Hải Phòng. Dự án sẽ khởi công quý I, II/2022, hoàn thiện và đi vào hoạt động cuối năm 2024.

Trước đó, hàng loạt các công trình dự án lớn được khẩn trương hoàn thành, đưa vào hoạt động như các tuyến đường Đỗ Mười, Trần Kiên; cầu Hợp Thành, Cầu Dinh; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10, đường 359 giai đoạn 2… Tất cả sẵn sàng, sớm đưa Thủy Nguyên trở thành thành phố trong thời gian sớm nhất.

Hải Phòng hiện đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng thuộc các KCN như VSIP, KCN Nam cầu Kiền, KCN Thủy Nguyên. Đặc biệt, TP Hải Phòng cũng đang đề nghị triển khai Trung tâm thương mại AEON MALL Hải Phòng thứ hai trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, Tập đoàn Vingroup sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng dự án công viên chủ đề VinWonder Vũ Yên, huyện Thủy Nguyên với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, nhằm hướng tới khai trương, vận hành vào năm 2023.

Bình Dương sẽ có thêm hai TP mới trong tương lai

Vào tháng 4/2021, Bình Dương đã thống nhất chủ trương xây dựng đề án thành lập thêm hai TP là Tân Uyên và Bến Cát. 

Nếu đề án này đi vào thực tiễn, Bình Dương sẽ có 5 TP, bao gồm ba TP hiện hữu là TP Thủ Dầu Một (lên từ năm 2012), TP Dĩ An, TP Thuận An (lên từ năm 2020) và hai TP trong tương lai là TP Bến Cát, TP Tân Uyên.

tm-img-alt
Bình Dương sẽ có thêm hai TP mới. Ảnh minh họa.

Trên địa bànTân Uyên hiện nay đang xúc tiến đầu tư một loạt dự án giao thông quan trọng. Bên cạnh các tuyến giao thông đối nội, Tân Uyên đang đón nhận một loạt công trình lớn giúp gia tăng khả năng kết nối liên vùng như đại lộ Uyên Hưng - Thủ Dầu Một, đại lộ Nam Tân Uyên, Vành đai 4, đường tạo lực Tân Uyên - Phú Giáo… 

Mới đây, cầu Bạch Đằng 2 cũng đã được khởi công nhằm mở ra thêm một tuyến giao thông chiến lược kết nối Tân Uyên với Đồng Nai. Ngoài ra, Tân Uyên còn sở hữu mạng lưới giao thông đa kết nối như ĐT742, ĐT743, ĐT747B, ĐT746…

Nhờ vị trí nằm liền kề ba TP năng động của Bình Dương là Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An, phần lớn các tuyến giao thông huyết mạch của Bình Dương đều đi qua địa bàn Tân Uyên. 

Điều này không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa các khu dân cư, vừa là yếu tố quan trọng để thu hút FDI, phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ của Tân Uyên. Tân Uyên hiện cũng đang là địa phương có nhiều KCN lớn đang hoạt động như Nam Tân Uyên, Nam Tân Uyên mở rộng, Phú Chánh, VSIP 2, Sóng Thần 3, Đất Cuốc,... 

Tính đến nay, Tân Uyên đã thu hút được 4 tỷ USD vốn FDI so với con số 37 tỷ USD mà tỉnh Bình Dương đạt được. Sắp tới KCN VSIP 3 quy mô 1.000 ha với tổng vốn đầu tư thực hiện 6.407 tỷ đồng sẽ đi vào hoạt động càng làm cho Tân Uyên thêm sôi động.

Trong khi đó, TX Bến Cátcó vị trí cách TP.HCM khoảng 50 km, cách TP.Thủ Dầu Một khoảng 20km, gắn kết với trục hành lang kinh tế động lực quốc lộ 13 là tuyến giao thông trọng điểm dài hơn 140km, nối TP.HCM, trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước với các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. 

Sau khi được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh, TX Bến Cát cũng đã có nhiều thay đổi về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng giao thông kết nối. Trên địa bàn có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua như đại lộ Bình Dương, ĐT741, ĐT744, Mỹ Phước - Tân Vạn, Vành đai 4...

Các tuyến đường nội đô thị xã cũng được đầu tư mở rộng như 30/4, Hùng Vương, Ngô Quyền, 7A, 7B, tạo điều kiện để TX Bến Cát dễ dàng kết nối các KCN, đô thị phía Nam của tỉnh, kết nối với TP.HCM, tỉnh Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên.

Hiện trên địa bàn Bến Cát có 8 KCN, một khu sản xuất tập trung với tổng diện tích gần 4.100 ha. Chuỗi KCN Mỹ Phước 1-2-3-4, KCN Bàu Bàng và VSIP xung quanh với các nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định và lấp đầy diện tích.

Bạn đang đọc bài viết Loạt huyện, thị xã sẽ lên TP khắp cả nước: Liệu có thu hút dự án "khủng"?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.