Kim ngạch xuất khẩu của Bà Rịa-Vũng Tàu gia tăng đáng kể
Sau gần 3 năm EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu tại thị trường châu Âu và thị trường Anh có sự gia tăng đáng kể, đạt mức từ 0,75-3 lần so với trước đây.
Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thị trường châu Âu và thị trường Anh mặc dù chưa phải là thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh nhưng với tiềm năng, lợi thế và định hướng trong thu hút đầu tư, thương mại thì việc thực thi có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), tỷ trọng xuất nhập khẩu đối với thị trường EU và thị trường Anh trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp tỉnh sẽ có sự thay đổi tích cực trong thời gian tới.
Ông Tăng Sĩ Toàn, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật và Xây lắp Minh Việt - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí với 80% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu cho biết, nhờ chất “xúc tác” từ EVFTA, doanh nghiệp đã đạt được nhiều thành công tại thị trường các nước châu Âu. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 15-20%/năm. Hiện công ty đã có đơn hàng đến hết năm 2023, bảo đảm đủ việc làm cho 300 lao động, với mức thu nhập 15 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, theo ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood), khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Baseafood có những mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này hưởng thuế suất bằng 0. Nhờ tác động tích cực từ EVFTA sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp đã tăng mỗi năm hơn 10%. Hiện doanh nghiệp đã có hợp đồng đến tháng 9, 10/2023. Năm 2023, công ty đặt mục tiêu tăng 7-10% kim ngạch và sản lượng.
“Để tiếp tục tận dụng được các ưu đãi từ EVFTA mang lại, ngoài việc huấn luyện nâng cao tay nghề cho người lao động, doanh nghiệp còn đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp nhà xưởng, nâng cao giá trị hàng hóa theo hướng tăng tỷ lệ chế biến; tìm kiếm các thị trường, đầu tư trang thiết bị máy móc theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định của Hiệp định EVFTA để mở rộng thêm thị trường sang một số nước là thành viên của EVFTA trong thời gian tới”, ông Dũng thông tin thêm.
Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, do nhiều yếu tố khách quan, việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định EVFTA vẫn còn nhiều hạn chế.
Về vấn đề này, theo bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, để gặt hái được những lợi ích tiềm năng to lớn từ thị trường EU mang lại, các doanh nghiệp phải nâng cấp các tiêu chuẩn kỹ thuật, xã hội, môi trường đặt ra cho các sản phẩm và dịch vụ của mình.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải trao đổi với đối tác thương mại tại Châu Âu để hiểu rõ hơn các quy định của nước sở tại, cũng như có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước thành viên châu Âu.
“Đối với công tác nâng cao nhận thức về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có EVFTA, Sở Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các Tham tán thương mại tại các thị trường trọng điểm như châu Âu để kịp thời thông tin đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về nhu cầu giao thương, chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu”, bà Hảo cho biết thêm.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Hiệp định EVFTA đối với ngành xuất khẩu nói riêng, phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Hiệp định EVFTA và các hiệp định thương mại tự do khác với 6 nhóm giải pháp bao gồm:
Nhóm chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng;
Nhóm chính sách hỗ trợ tiếp cận và phát triển thị trường;
Nhóm chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ, môi trường và tiêu chuẩn chất lượng;
Nhóm chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
Nhóm chính sách hỗ trợ thông tin, tư vấn về pháp lý và hội nhập;
Nhóm chính sách hỗ trợ theo ngành nghề và lĩnh vực.
Yến Thanh