Không có chuyện dòng vốn FDI sẽ rút khỏi Việt Nam
Ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, sẽ không có chuyện dòng vốn FDI sẽ rời khỏi Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều địa phương trong đó có TP.HCM và 19 tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, trong đó có khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị đình trệ.
Theo đó, nhiều ý kiến lo ngại, nếu việc thực hiện giãn cách tiếp tục kéo dài qua ngày 15/9, dòng vốn FDI sẽ rời bỏ Việt Nam.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tú cho rằng, sẽ không có chuyện dòng vốn FDI sẽ rút hay rời khỏi Việt Nam. Có chăng là dòng vốn FDI dịch chuyển vào Việt Nam có thể chậm lại do một số địa phương đang siết chặt việc thực hiện Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch Covid-19.
Bà bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận xét, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn của rât nhiều nhà đầu tư. Hiện tại, Việt Nam đang phải tập trung chống dịch bệnh Covid-19, Chính phủ ưu tiên thực hiện các chính sách phòng chống dịch nên ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn có niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam và kỳ vọng sẽ phục hồi bật trở lại tốt trong thời gian tới.
Bà Madani cho biết, bà không cảm thấy quan ngại về dòng vốn FDI tại Việt Nam. Việc dòng vốn giảm trong ngắn hạn là hết sức bình thường. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế phục hồi, dòng vốn FDI sẽ tăng trở lại. Hiện nay, các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ đều có dấu hiệu phục hồi tốt sau thời gian chống dịch. Do đó, bà Madani tin rằng Việt Nam cũng sẽ có triển vọng đầy hứa hẹn.
Bà Madani cho rằng, thách thức của Việt Nam trong thời gian tới là phải nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh để giữ chân các nhà đầu tư. Trong đó, công nghệ số giữ phần quan trọng để thu hút dòng vốn FDI.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 7 tháng đầu năm, vốn thực hiện FDI ước đạt 10,5 tỉ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, thu hút được trên 7,9 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng tý. Sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,49 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Tuấn Nguyễn