Gần 7 tháng đầu năm 2020 thu hút vốn FDI đạt gần 19 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam vào nước ta đạt 18,82 tỷ USD.
Theo đó, có 1.620 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt 9,46 tỷ USD.
Vốn đầu tư tăng chủ yếu do trong 7 tháng có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn 4 tỷ USD. Dự án lớn đã đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ, từ 4,3 triệu USD năm 2019 lên 5,8 triệu USD trong năm 2020.
Vượt khó khăn do Covid, vốn đầu tư FDI tháng 7/2020 bật tăng trở lại
Cùng với đó, có 619 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,7 tỷ USD. Đáng chú ý, vốn điều chỉnh trong 7 tháng tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và dự án Khu Trung tâm đô thị tây hồ Tây điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.
7 tháng qua cũng có 4.459 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị vốn góp 4,64 tỷ USD.'
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 4.459 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị vốn góp 4,64 tỷ USD. Cơ cấu giá trị góp vốn mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.
Lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 8,96 tỷ USD, chiếm 47,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đạt 3,95 tỷ USD, chiếm 21% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký là 2,8 tỷ USD và gần 1,1 tỷ USD.
Tính đến tháng 7/2020, đã có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam
Singapore dẫn đầu đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 6,44 tỷ USD, chiếm 34,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,7 tỷ USD, chiếm 9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan,...
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, Thành phố, trong đó Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hà Nội đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 2,82 tỷ USD, chiếm gần 15% tổng vốn đầu tư. TP.HCM đứng thứ ba với gần 2,4 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng,…
Mới đây, liên quan đến đầu tư FDI hậu Covid - 19, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) đã thông tin về chương trình hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo đó, có 15 doanh nghiệp đăng ký đầu tư sang Việt Nam, cho thấy Việt Nam đang rất được quan tâm. Đây là chương trình nằm trong mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN.
Liên quan đến thu hút nguồn vốn FDI, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, trong khi dòng FDI toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020 do tác động của đại dịch, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan.
Việt Nam hiện đang là điểm đến của hơn 32 nghìn dự án với tổng vốn đăng ký 378 tỷ USD từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai với hơn 60 tỷ USD vốn đầu tư.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm