Huyện đảo Phú Quốc sắp trở thành TP biển đảo đầu tiên của Việt Nam
Phú Quốc được nâng lên cấp thành phố sẽ có rất nhiều thuận lợi, nhiều cơ hội để tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội cho huyện đảo Phú Quốc nói riêng và cả tỉnh Kiên Giang nói chung.
Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang vừa có tờ trình Chính phủ về việc đề nghị phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Phú Quốc đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉ lệ 1/10.000, theo đó thành lập thành phố Phú Quốc trở thành "thành phố đảo" đầu tiên của cả nước.
Theo đề án, thành phố Phú Quốc sẽ có diện tích 589,27 km2, dân số 179.480 người; 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2 phường (Dương Đông, An Thới) và 6 xã (Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn). Xã Hòn Thơm nhập vào thị trấn An Thới thành phường An Thới.
Thành phố Phú Quốc sau khi thành lập có diện tích tự nhiên là 575,29km2, quy mô dân số là 177.540 người. (Ảnh minh họa). |
Phân khu đô thị Dương Đông diện tích hơn 2.518 ha được xác định là trung tâm, cửa ngõ giao lưu quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của đảo Phú Quốc; Phân khu đô thị An Thới rộng trên 1.000 ha được định hướng thành cảng quốc tế, là đầu mối kỹ thuật, thương mại, du lịch. Nơi đây còn có các khu công nghiệp nhẹ, trung tâm văn hóa, di tích lịch sử gắn với truyền thống địa phương.
Đại diện UBND huyện Phú Quốc cho biết: “Với điều kiện hiện có, việc thành lập phường Dương Đông và An Thới sẽ góp phần kết nối đô thị từ khu vực trung tâm đảo xuống khu đô thị mới Nam đảo với hạ tầng hiện đại như khu phức hợp Bãi Trường, từ đó sẽ lan tỏa ra các đô thị xung quanh; tạo điều kiện khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của các đơn vị”.
Theo tờ trình, việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường trực thuộc sẽ tạo điều kiện cho Phú Quốc phát huy tốt tiềm năng và lợi thế sẵn có của huyện đảo về du lịch - thương mại - công nghệ cao.
Cơ hội và thách thức
Phú Quốc là huyện đảo lớn nhất của Việt Nam nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc. Có thể nói, nếu được nâng lên cấp thành phố, Phú Quốc sẽ có rất nhiều thuận lợi, nhiều cơ hội để tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội cho Phú Quốc và cả tỉnh Kiên Giang. Đồng thời, xác lập thành phố Phú Quốc cũng nhắm tới việc xác định chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở phía Tây.
Những năm gần đây, Phú Quốc đón rất nhiều tour du lịch trong nước, kể cả lữ hành thế giới cũng rất quan tâm tới huyện đảo này. Nếu Phú Quốc được lên thành phố thì sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển dịch vụ du lịch, đặc biệt trong bối cảnh Phú Quốc đã được quy hoạch là trung tâm du lịch quốc gia, trung tâm du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ khu vực.
Nhờ các chính sách ưu đãi đặc biệt, thời gian qua có rất nhiều tập đoàn lớn như Sun Group, Vin Group hay Bim Group … đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch tại Phú Quốc với rất nhiều dự án quy mô, góp phần thay đổi diện mạo Phú Quốc.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng và thông tin sớm trở thành thành phố biển đảo, Phú Quốc cũng gặp phải một số vướng mắc liên quan đến đất đai như sốt đất, đền bù giải phóng mặt bằng.
Theo ông Huỳnh Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là một trong những công tác khó khăn nhất của nhiều địa phương, không riêng gì của Phú Quốc. Cùng một lúc trong thời gian qua Phú Quốc triển khai rất nhiều dự án, phải thu hồi đất rất nhiều, tái định cư cho người dân về chỗ ở mới… Trong quá trình đó cũng khó tránh khỏi nhiều khiếu nại, khiếu kiện của người dân.
Khi chuyển mình lên thành phố và khoác lên mình tấm áo mới phù hợp hơn, chắc chắn Phú Quốc còn nhiều những trở ngại nhưng cũng sẽ đủ điều kiện để bứt phá chưa từng có thành "thành phố đảo" nức tiếng trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo Kinh tế môi trường