Phê duyệt việc lập quy hoạch Hải Phòng và Ninh Bình thời kỳ 2021-2030
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành các quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Hải Phòng và tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước
Theo Quyết định số 1413/QĐ-TTg, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phần lãnh thổ tỉnh Ninh Bình có tổng diện tích tự nhiên là 1.386,79 km2.
Mục tiêu của quy hoạch là xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm du lịch-dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước; phát triển công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với vùng thủ đô Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ, làm cơ sở phát triển hệ thống các đô thị và xây dựng nông thôn mới tiên tiến, kiểu mẫu, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; phát triển nhanh và bền vững gắn với bình đẳng, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Ảnh minh họa. |
Tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển về du lịch-dịch vụ chất lượng cao, có nền công nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh và là tỉnh phát triển nhanh và bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Quy hoạch tỉnh nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế và là cơ sở để xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, có cơ cấu kinh tế tiên tiến; xứng đáng với vai trò là đầu mối giao lưu kinh tế-xã hội của khu vực phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Duyên hải Bắc Bộ với các vùng Tây Bắc và vùng Bắc Trung Bộ là đầu mối, là một cực tăng trưởng của hành lang kinh tế ven biển Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình nối tiếp với vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ là Hải Phòng Quảng Ninh; có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao; là khu vực phòng thủ vững chắc địa bàn trọng yếu, góp phần quan trọng giữ vững quốc phòng, an ninh cho vùng đồng bằng sông Hồng và vùng thủ đô Hà Nội.
Xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao hàng đầu châu Á
Theo Quyết định số 1412/QĐ-TTg, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phần lãnh thổ đất liền là 1.561,76km2 và không gian trên biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam và các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cùng các văn bản liên quan.
Mục tiêu của quy định là đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đạt các tiêu chí đô thị loại I; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ biển của cả nước, trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc; Cát Bà, Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc tế; hoàn thành việc di chuyển trung tâm hành chính thành phố sang phía bắc sông Cấm; xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á ; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển; cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt; hoàn thành việc chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính quận; chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thành phố thông minh.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng đề ra tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Theo Kinh tế môi trường