Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/10
Sàn giao dịch nợ của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản (VAMC) hoạt động bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân, không phải chỉ là VAMC.
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III chiều ngày 12/10, ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước cho biết ngày 15/10, sàn giao dịch nợ của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản (VAMC) sẽ đi vào hoạt động.
Lãnh đạo NHNN cho biết, sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với hoạt động trọng tâm là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân thông qua việc sử dụng các kiến thức chuyên môn để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.
Theo ông Đỗ Giang Nam, Phó Giám đốc VAMC, hoạt động bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân, không phải chỉ là VAMC. Phương pháp bán nợ được thực hiện công khai, minh bạch sẽ là tiền đề hình thành thị trường mua bán nợ xấu, vốn phổ biến tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan... Chúng ta phải tạo được hành lang pháp lý nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mua lại khoản nợ xấu.
Thực tế hầu hết các nhà đầu tư thực hiện mua bán nợ có thỏa thuận chuyển nợ thành vốn góp và tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp. Do đó, việc tạo hành lang pháp lý để hoạt động mua bán nợ thực hiện theo giá thị trường sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục đối với việc xử lý nợ xấu tại VAMC và giúp huy động nguồn lực vào thì trường mua bán nợ xấu...
Trước đó, cuối tháng 6, VAMC phát đi thông báo Sàn giao dịch nợ VAMC hoạt động theo mô hình chi nhánh, đã được Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội) cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
Sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với hai hoạt động trọng tâm. Thứ nhất, môi giới, mua bán các khoản nợ xấu, tức sàn sẽ làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu. Hoạt động này không bao gồm hoạt động bán đấu giá.
Thứ hai, tư vấn mua bán nợ xấu. Hiện Sàn giao dịch hướng tới là nơi tập hợp, đầu mối, thông tin về các khoản nợ xấu mà các tổ chức tín dụng mong muốn đưa lên giao dịch mua/bán tại sàn.
Khi có "hàng hóa", sàn sẽ rà soát, đánh giá lại về thông tin khoản nợ để cung cấp cung cấp các dịch vụ liên quan như tư vấn hồ sơ, hợp đồng, thủ tục mua/bán. Thậm chí, có thể tư vấn cho khách hàng giải quyết nợ xấu bằng cách tái cấu trúc khoản nợ, giúp doanh nghiệp có nợ xấu phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn để tiếp tục trả nợ.
Theo đại diện VAMC, sàn chỉ giao dịch các khoản nợ, không bao gồm giao dịch tài sản bảo đảm của các khoản nợ. Mảng giao dịch tài sản bảo đảm chỉ dừng ở chức năng tư vấn, môi giới.
Việc thành lập sàn giao dịch nợ xuất phát từ thực hiện Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 – 2020 và hướng tới 2022 đã được phê duyệt của NHNN. Đại diện VAMC từng chia sẻ phiên mở hàng của sàn giao dịch nợ sẽ có ít nhất 3.000 tỷ đồng nợ xấu được giao dịch.