Hà Nội lập Ban chỉ đạo quản lý hoạt động chuyển nhượng bất động sản
Thông tin này được Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Tiến Trường nêu ra tại Hội nghị bàn kế hoạch và giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản của hộ gia đình, cá nhân.
Môi giới làm loạn thị trường BĐS
Mới đây, Cục Thuế Hà Nội tổ chức Hội nghị bàn kế hoạch và giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) của hộ gia đình, cá nhân. Báo cáo tại hội nghị cho thấy, những năm qua thị trường BĐS Hà Nội có nhiều giai đoạn tăng giá mạnh, “sốt”, nhưng cũng có những giai đoạn “đóng băng”.
Trong đó, công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS của hộ gia đình, cá nhân được Cục Thuế Hà Nội rất quan tâm, có nhiều tham mưu với các cấp có thẩm quyền, nhiều chỉ đạo trong toàn ngành... Mặc dù vậy, kết quả thu ngân sách từ hoạt động chuyển nhượng nhà, đất chưa như mong muốn.
Theo Cục Thuế Hà Nội, mặc dù hoạt động giao dịch BĐS trên địa bàn diễn ra sôi động thời gian qua, nhưng kết quả thu ngân sách từ hoạt động chuyển nhượng nhà, đất chưa như mong muốn.
Ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, nhận định, mặc dù hoạt động chuyển nhượng BĐS tại Hà Nội diễn ra sôi động nhưng việc khai gian giá nhà, đất sẽ dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.
Cục Thuế Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả trên một phần liên quan đến thể chế, chính sách, thủ tục hành chính và nhận thức của người dân về việc chấp hành pháp luật cũng như bảo vệ quyền lợi của bản thân trong giao dịch chuyển nhượng BĐS chưa cao.
Cùng với đó, còn do sự tư vấn của các lực lượng môi giới, "cò mồi" hoặc một số tổ chức chưa đúng quy định của pháp luật, chưa có tâm khi xác định giá trên hợp đồng mua bán chuyển nhượng.
Lập Ban chỉ đạo quản lý hoạt động chuyển nhượng BĐS
Nhằm chấn chỉnh thực trạng vừa nêu, ông Nguyễn Tiến Trường cho rằng, cần phải thống nhất nội dung và các bước tuyên truyền, đấu tranh trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS của hộ gia đình, cá nhân cũng như sử dụng công cụ quản lý thuế trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS của hộ gia đình, cá nhân.
Cục Thuế Hà Nội sẽ thành lập Ban chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động chuyển nhượng BĐS. Song song đó, cơ quan này cũng sẽ thường xuyên báo cáo, tham mưu và xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Cục thuế, UBND TP Hà Nội, thường xuyên phối hợp với sở, ngành, địa phương trong các bước tuyên truyền, đấu tranh và thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác triển khai tại các Chi cục Thuế.
Chính vì thế, Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội yêu cầu các đơn vị đầu mối theo phân công xây dựng các nội dung triển khai liên quan đến xây dựng cơ sở dữ liệu; xác định tiêu chí rủi ro; các bước rà soát hồ sơ khai thuế; kế hoạch tuyên truyền; tiêu chí phối hợp cơ quan công an; kế hoạch kiểm tra, giám sát; thực hiện tuyên truyền, tập huấn và triển khai thống nhất trong toàn ngành. Các đơn vị trong quá trình triển khai không để phát sinh thêm bất kỳ thủ tục hành chính nào ngoài quy định.
Được biết, năm 2022, Cục Thuế Hà Nội được giao dự toán thu ngân sách nhà nước 289.750 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 24% tổng thu ngân sách nội địa cả nước, đứng đầu toàn quốc. Trước áp lực hoàn thành dự toán thu của thành phố, Cục Thuế Hà Nội đã và đang triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ liên quan quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS. Nhất là tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra phát hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn.
Bùi Hằng