0915 15 67 76 [email protected]
Thứ sáu, 29/10/2021 16:25 (GMT+7)

Giải pháp triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ra sao?

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phương thức tăng trưởng bền vững song song với phát triển xã hội, gắn kết giá trị con người và văn hóa, hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Thế giới phải nghĩ lại về phương thức tăng trưởng bền vững

Các quốc gia trên thế giới đang bắt đầu thực sự phải nghĩ lại về phương thức tăng trưởng bền vững song song với phát triển xã hội, gắn kết giá trị con người và văn hóa - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói tại một hội nghị sáng 29/10.

tm-img-alt
Ảnh minh họa: BGP/Dương Thủy

Sáng 29/10/2021, Khai mạc “Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến vai trò của tăng trưởng xanh trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo Bộ trưởng Dũng, chiến lược này đặc biệt quan trọng vì sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thế giới đang diễn ra nhiều thay đổi quan trọng, đòi hỏi các quốc gia phải đổi mới mô hình tăng trưởng để hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.

Ông Dũng khẳng định: “Trong bối cảnh quốc tế và quốc nội có nhiều biến động sâu sắc, kế hoạch phát triển, chuyển đổi mô hình sang tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là xu hướng tất yếu”.

Theo Bộ trưởng Dũng, một số mô hình tăng trưởng kinh tế, mặc dù trong bối cảnh có sự phát triển vượt bậc của khoa học-công nghệ vẫn chưa dẫn đến sự tiến bộ trên diện rộng.

"Mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững không những gây ra những tác động tiêu cực lớn đến môi trường, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn không tính đến đầy đủ các khía cạnh về công bằng xã hội, bình đẳng giới, hòa nhập và cơ hội kinh tế cho các thế hệ tương lai," Bộ trưởng nói.

"Trong bối cảnh đó, các quốc gia trên thế giới đang bắt đầu nghĩ lại về phương thức tăng trưởng bền vững song song với phát triển xã hội, gắn kết giá trị con người và văn hóa”, Bộ trưởng Dũng nói.

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, Việt Nam đang nỗ lực hết mình phục hồi hậu COVID-19 song song với đề cao chất lượng, hiệu quả của mô hình tăng trưởng kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Mô hình tăng trưởng xanh mà Việt Nam hướng đến lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại, hài hòa với thiên nhiên, môi trường.

Chiến lược Việt Nam về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050

Bộ trưởng Dũng cũng chia sẻ: Về phần mình, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các yếu tố tác động từ bên ngoài. Việt Nam cũng đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng và hiệu quả, đồng thời nỗ lực hết sức mình để phục hồi hậu COVID-19

tm-img-alt
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị sáng 29/10.

Định hướng tăng trưởng xanh thông qua đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững, tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Cũng tại Hội nghị, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã trình bày 4 nhóm mục tiêu tham vọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Các mục tiêu đó bao gồm: giảm cường độ phát thải trên GDP so với 2014 (ít nhất 15% đến năm 2030 và 20% đến năm 2050), xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế.

tm-img-alt
Mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế.
tm-img-alt
Mục tiêu xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
tm-img-alt
Mục tiêu xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Định hướng chung của Việt Nam là tăng trưởng xanh hướng đến cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững.

Theo đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 8 nhóm giải pháp triển khai chiến lược tăng trưởng xanh bao gồm:

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phối hợp liên vùng, liên ngành, tích hợp mục tiêu, giải pháp tăng trưởng xanh để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thứ hai, truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh

Thứ bốn, huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, bao gồm hoàn thiện chính sách, công cụ huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh như hỗ trợ, ưu đãi tài chính, phát triển thị trường vốn, thị trường tín dụng, bảo hiểm xanh, ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước (kế hoạch đầu tư công, chi thường xuyên) cho tăng trưởng xanh…

Thứ năm, khuyến khích nghiên cứu khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng xanh, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong các ngành, lĩnh vực hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác, tranh thủ hỗ trợ của quốc tế để Việt Nam thành 1 hình mẫu về tăng trưởng xanh, thực hiện tốt các cam kết quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.

Thứ bảy, bình đẳng trong chuyển đổi xanh: các nhóm yếu thế được tiếp cận bình đẳng các cơ hội, thông tin, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ xã hội cơ bản, việc làm trong trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Thứ tám, huy động sự tham gia của các bên liên quan trong xanh hóa nền kinh tế.

Để triển khai kế hoạch Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi sự phối hợp của 15 Bộ, ban, ngành và các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bao gồm:

Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông…

Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với các mục tiêu tham vọng nhằm giúp Việt Nam đi tắt, đón đầu, hướng tới phát triển bền vững, công bằng xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó nhấn mạnh tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023