0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Chủ nhật, 02/08/2020 14:02 (GMT+7)

Gần 50% mặt bằng cho thuê ở phố cổ Hà Nội ế ẩm

Nhiều căn nhà trên các tuyến đường khu vực phố cổ ở Hà Nội đang trong tình trạng đóng cửa, bỏ trống; thông báo chuyển nhượng xuất hiện ngày càng dày đặc.

Có những tuyến phố như Hàng Bông, 4-5 cửa hàng san sát nhau treo biển cho thuê cửa hàng. Trong số này, có những mặt bằng đã treo biển cho thuê từ hồi tháng 4, tháng 5 đến nay vẫn “ế".

Hầu hết những địa điểm rao cho thuê nhiều tháng trời vẫn chưa "chốt" được khách bởi sự giằng co về mức giá cùng với đó là những tâm lý dè chừng gia nhập thị trường khi kinh tế khó khăn.

Trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, đây là những tuyến phố sầm uất, nhiều người muốn thuê cửa hàng khu vực này cũng khó.

Tuy nhiên, sau khi Covid-19 ập đến, kinh tế khó khăn, các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh khiến khu vực này trở nên kém sôi động, bớt nhộn nhịp.

Chủ nhà tiết lộ: 20 năm cho thuê mặt bằng đây là lần đầu tiên phải treo biển mà không có khách thuê

Các mặt bằng bán buôn, kinh doanh bỏ trống đang trở nên phổ biến tại những tuyến phố thương mại được coi là đắc địa nhất Hà Nội. Hiện tượng này đã xuất hiện từ sau thời điểm xảy ra Covid-19 và cho đến gần đây, làn sóng này lại tiếp tục nổi lên khi mật độ thông báo cho thuê, chuyển nhượng dày đặc hơn.

Ở những khu vực này, người ta thường ví von là “đất vàng", “đất kim cương" khi giá bán, giá thuê đều cao ngất ngưởng.

Liên hệ với chủ một cửa hàng cho thuê ở phố Hàng Bông, vị này cho biết giá thuê khoảng 70 triệu đồng/tháng, diện tích khoảng 70m2/sàn. “Sẽ có mức giá có hỗ trợ mùa Covid-19”, vị chủ nhà nói thêm.

Không chỉ các mặt bằng để buôn bán thông thường "rợp" biển cho thuê mà một số chủ nhà còn treo biển cho thuê khách sạn. Một khách sạn 7 tầng, 60m2/sàn, có thang máy trên phố Hàng Mành được rao với mức 65 triệu đồng/tháng.

Cũng chính vì có giá trị quá lớn nên nếu mua hoặc thuê tại các khu vực đắc địa này mà chưa có phương án kinh doanh tốt, buôn bán èo uột thì sẽ sớm dẫn đến việc chuyển nhượng bởi chi phí bỏ ra quá lớn.

Trung bình nếu thuê cửa hàng trên các tuyến phố cổ này, chủ hộ kinh doanh “mở mắt" ra đã ngốn vài triệu đồng tiền mặt bằng, chưa kể các chi phí khác như nhân công…

Đề cập đến bất động sản phân khúc bán lẻ nói chung trên toàn thị trường Hà Nội, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, hoạt động kém sôi nổi. Giá thuê có chiều hướng giảm, mua sắm ghi nhận sụt mạnh nhiều nơi.

“Lượng khách và doanh số sụt giảm do cách ly trong tháng 4 và phục hồi nhẹ trong tháng 5 và tháng 6. Doanh số vẫn ở mức thấp do hàng hoá nhập khẩu bị hạn chế cũng như thu nhập và sức mua bị tác động bởi đại dịch”, bà Hằng nhận định.

Bên cạnh đó, tại khu vực như phố cổ, theo ghi nhận của PV, hoạt động mua bán phụ thuộc rất nhiều khách quốc tế. Trong khi đó, vì đại dịch Covid-19 nên khách quốc tế không có, trông chờ chủ yếu vào lượng khách nội địa.

Theo thống kê, du khách tới Hà Nội nửa đầu năm nay giảm hơn 65%, xuống còn 4,93 triệu lượt, trong đó 987.000 lượt khách quốc tế và hơn 3,9 triệu lượt khách nội địa. Riêng quý 2, khách du lịch tới Hà Nội giảm 84%, xuống còn 1,08 triệu lượt. Trong đó, số khách quốc tế giảm 98%.

Dự báo về thị trường bất động sản nửa cuối năm 2020, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn mới đây đã đưa ra hai kịch bản. Trong đó, với cả hai kịch bản, loại hình bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là bất động sản đầu tư như nhà mặt phố có giá trị cao.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Gần 50% mặt bằng cho thuê ở phố cổ Hà Nội ế ẩm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới