0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 13/10/2023 09:44 (GMT+7)

Đôi điều suy ngẫm về Doanh nhân, Doanh nghiệp Việt Nam

GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam có đôi điều chia sẻ về doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam từ xưa đến nay.

Mở đầu

Tôi được lớn lên và trưởng thành trong giai đoạn mà Việt Nam đã thoát ách nô lệ, được độc lập và đi theo con đường tiến lên Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) ở miền Bắc sau năm 1954 và toàn quốc sau 1975. Trước đổi mới, kinh tế đất nước đi theo nền Kinh tế Kế hoạch hóa Tập trung (KHHTT), nghĩa là sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai đều do Nhà nước quyết định và thực hiện.

Đôi điều suy ngẫm về Doanh nhân, Doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Ngày đó, kinh tế chủ yếu là kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể dưới dạng hợp tác xã nên lãnh đạo các cơ sở kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể đều do Nhà nước chỉ định và do các thành viên, xã viên bầu ra. Nghĩa là hầu như không có yếu tố tư nhân, tư hữu trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, tất cả đều do bộ máy Nhà nước điều hành.

Công dân Việt Nam thời đó làm việc theo sự phân công của lãnh đạo cấp trên và hưởng lương và chế độ do Nhà nước định ra. Vì vậy, mọi người có thể biết thu nhập của nhau và xã hội hầu như không có người quá giàu, không có tích lũy nhiều. Người dân Việt Nam khi ấy có phần giống như ở các nước XHCN khác, trôi qua rất đơn giản, hầu như mọi sự đều có Nhà nước lo, từ lương thực, thực, thực phẩm, áo quần, đi nghỉ mát, đi tham quan,…

Nhưng rồi, nền Kinh tế Kế hoạch hóa Tập trung xuất hiện rất nhiều bất cập, cộng thêm sự can thiệp của những thế lực thù địch đã dẫn tới nền kinh tế bị suy kiệt, đến mức không đủ lương thực cho dân ăn đủ no. Những năm thập kỷ 80 thế kỷ 20 đã chứng kiến nhiều bất cập trong điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao, sản lượng hàng hóa sản xuất giảm, lưu thông phân phối đình trệ,…đã tạo áp lực, nhu cầu thay đổi cách điều hành kinh tế vĩ mô.

Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước XHCN khác cũng gặp hoàn cảnh tương tự, kể cả ở Liên Xô, buộc chính quyền phải đổi mới cách vận hành nền kinh tế hiệu quả hơn. Và rồi, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ đã làm bộc lộ nhiều điểm yếu cốt tử của các nước XHCN giai đoạn cuối như xa rời sự lãnh đao của Đảng Cộng sản, đổi mới vận hành kinh tế không theo lộ trình thích hợp và dẫn đến sụp đổ cả hệ thống.

Ở Việt Nam, những thực tế diễn ra trong nước, những sự kiện xảy ra trên trường quốc tế đã buộc Đảng ta phải tiến hành công cuộc đổi mới, bắt đầu từ Đại hội VI năm 1986. Việt Nam đã tiến hành đổi mới tư duy, đổi mới vận hành nền kinh tế, đổi mới đường lối đối ngoại nhưng kiên quyết giữ vững sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Nhờ đó, chúng ta mới ổn định được hệ thống chính trị, ổn định được tư tưởng trong mọi tầng lớp nhân dân, ổn định được trật tự xã hội và tiến hành chuyển đổi thành công từ nền kinh tế KHHTT sang nền Kinh tế Thị trường (KTTT) định hướng XHCN. Thật ra có thêm phần định hướng XHCN không làm thay đổi gì nhiều đối với KTTT mà nó còn góp phần thúc đẩy KTTT lành mạnh hơn, giúp phân bổ tốt hơn nguồn lực phát triển và chú ý hỗ trợ những vùng miền, những người còn gặp khó khăn. Thế giới rất ấn tượng với công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam trong cả giai đoạn đổi mới, cuộc sống cư dân vùng sâu, vùng xa đang được cải thiện, ấm no hơn, dân trí cao hơn.

Có một điều tôi vẫn thắc mắc là trong kinh tế KHHTT có đội ngũ doanh nhân không khi mà tất cả các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tập thể đều thuộc quản lý của Nhà nước và lãnh đạo là do Nhà nước chỉ định hoặc được bầu, trong xã hội không có chênh lệch lớn về giàu nghèo, không chấp nhận người quá giàu.

Trong thời kỳ đổi và hiện nay Doanh nhân luôn được nhắc đến trên các hệ thống thông tin đại chúng và các mạng xã hội, kể cả tôn vinh những người được xếp hạng tỷ phú đô la Mỹ (USD), những người đứng đầu các doanh nghiệp lớn, những đại gia, cá mập (shark),… nhưng cũng có cả bài viết về những thất bại của nhiều doanh nhân, thậm chí còn vi phạm pháp luật, vướng vòng lao lý. Dưới đây xin trình bày một số suy ngẫm cá nhân để tự giải thích, tự hiểu nhiều hơn về đội ngũ doanh nhân và các doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam.

Doanh nhân Việt Nam xưa nay, họ là những ai?

Doanh nhân, theo nghĩa đơn giản, chiết tự, là từ chỉ đội ngũ những người làm kinh doanh, còn nội hàm, định nghĩa của danh từ này bao gồm nhiều ý và đôi khi khó hiểu. Tra cứu trên từ điển và các văn bản pháp luật cũng cho thấy có nhiều khía cạnh liên quan tới nội hàm của doanh nhân. Theo cuốn Từ điển tiếng Việt xuất bản tháng 4-2007 của Trung tâm từ điển học, do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, Doanh nhân được định nghĩa là “Người làm nghề kinh doanh”; nhưng ngoài ra còn có từ Doanh gia, được định nghĩa là “nhà doanh nghiệp, nhà kinh doanh lớn, có tiếng tăm”.

Đôi điều suy ngẫm về Doanh nhân, Doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 2
Giới Doanh nhân có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế. (ảnh minh họa)

Khi đọc lịch sử phát triển kinh tế thế giới ta thấy có nhiều giai đoạn phát triển sau khi con người ra khỏi cách mưu sinh qua săn bắn hái lượm bằng một phương thức mới là trồng trọt và chăn nuôi (được các nhà kinh tế gọi là nền kinh tế Trọng Nông), kinh tế Trọng Nông phát triển kèm với những ngành mới như khai khoáng, chế tác các vật dụng như đồ gốm, đồ kim loại và không chỉ làm đồ dùng mà còn chế tác nhiều loại trang sức quý giá. Đến cuối giai đoạn phát triển kinh tế Trọng Nông, lượng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm khác đã có thể đủ dùng trong nhiều cộng đồng và còn có thể dư thừa. Con người giai đoạn này còn có thể thuần hóa nhiều loại động vật để chuyên chở hàng hóa chế tạo được phương tiện xe cộ chạy trên bộ và thuyền buồm đi lại trên sông, biển. Vì vậy, đã hình thành một phương thức hoạt động kinh tế mới đó là trao đổi các loại sản phẩm giữa các cộng đồng dân cư, lúc đầu là giữa các cộng đồng ở gần nhau rồi dần dần đến các thị trường xa hơn, thậm chí giữa các lục địa với nhau.

Thời kỳ này có sự phát triển mạnh giao thương, buôn bán sản phẩm nên các nhà kinh tế gọi là chủ nghĩa Trọng Thương, đó là một hệ thống kinh tế thương mại kéo dài từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18. Chủ nghĩa trọng thương dựa trên nguyên tắc của cải thế giới là tĩnh, và do đó, các chính phủ phải điều tiết thương mại để xây dựng của cải và sức mạnh quốc gia. Sự ra đời của chủ nghĩa Trọng Thương cũng đồng thời sản sinh tầng lớp người chuyên thực hiện công việc trao đổi, mua bán sản phẩm, được gọi là Thương nhân. Thương mại phát triển rất mạnh trong thời kỳ cuối của chế độ phong kiến và thời kỳ đầu của chế độ tư bản. Ở Việt Nam, chế độ tư bản phát triển rất chậm nên thương nghiệp cũng phát triển chậm, số lượng thương nhân không nhiều. Tuy nhiên những người làm thương nhân lại có thể giàu lên nhanh nhờ nhiều phương thức giao dịch trong đó có cả những phương thức, mánh lới khó được chấp nhận như kiểu: “buôn bán một vốn bốn lời”. Chính vì vậy, nhân dân Việt Nam trước đã có cái nhìn không mấy thiện cảm về thương mại và thương nhân và nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa doanh nhân và thương nhân thời kỳ đầu.

Kinh tế thế giới có bước tiến vượt bậc cùng với bước tiến đột phá của khoa học kỹ thuật trong thời kỳ khai sáng với sự ra đời của động cơ/máy hơi nước và tiếp đến là phát minh ra điện, động cơ điện giúp sản xuất nhanh hơn, sản xuất đồng loạt sản phẩm theo tiêu chuẩn và từng bước thay thế lao động chân tay của con người. Bắt đầu từ thời kỳ này kinh tế thế giới bước sang kinh tế Trọng Công (công nghiệp) với sự ra đời của nhiều cơ sở sản xuất lớn như các hãng, các công ty, các nhà máy, tập đoàn và những người chủ, những người lãnh đạo, điều hành các cơ sở này được gọi là Doanh nhân.

Điểm qua quá trình lịch sử như vậy để thấy hiểu đến nơi đến chốn về doanh nhân là điều hết sức khó khăn và có thể coi là không thể đối với một cá nhân. Nếu dựa trên lịch sử để xem xét thì doanh nhân Việt Nam bắt đầu xuất hiện trong thời kỳ Pháp chiếm đóng Việt Nam. Mặc dù coi Việt Nam là nước thuộc địa, mọi hoạt động kinh tế đều có mục đích chính là phục vụ mẫu quốc (nước Pháp) nhưng do nguồn lực, đặc biệt là nhân lực không đủ nên Pháp đã cho phép thành lập một số hoạt động kinh tế do người bản địa khởi xướng điều hành.

Chẳng hạn, doanh nhân Bạch Thái Bưởi, một trong 4 người được coi là giàu nhất thời gian đầu thế kỷ 20 là hàng hải, khai thác than và in ấn. Nhiều doanh nhân thời ấy thấu hiểu về sự o ép của bọn thực dân đối với doanh nhân người Việt và khi cần đã hết lòng giúp đỡ cách mạng giải phóng dân tộc. Ngoài Bạch Thái Bưởi còn có vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà và nhiều doanh nhân khác nữa. Thời kỳ trước 1975 ở miền Nam cũng đã xuất hiện nhiều doanh nhân người Việt làm chủ nhiều hãng, công ty lớn, sản xuất được nhiều sản phẩm có giá trị. Trong khi đó ở miền Bắc từ 1954 và cả nước Việt Nam từ 1975 đến thời kỳ đổi mới hầu như không có doanh nhân nào đúng nghĩa vì Việt Nam theo nền kinh tế KHHTT, không tạo điều kiện hình thành giới doanh nhân, chỉ có một số cán bộ được cử giữ chức vụ trong các cơ sở sản xuất trong khoảng thời gian không dài.

Từ năm 1986 Việt Nam bắt đầu con đường đổi mới, từng bước chuyển nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, cho phép kinh tế tư nhân phát triển. Và, năm 1990 Việt Nam ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân, chính thức cho phép tư nhân tham gia các hoạt động kinh tế và coi kinh tế tư nhân là bộ phận của nền kinh tế đất nước. Điều 2 Luật này quy định:

“Doanh nghiệp tư nhân là đơn vị kinh doanh có mức vốn không thấp hơn vốn pháp định, do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. "Kinh doanh" nói trong Luật này là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi ”.

Điều 3 quy định về sự bảo lãnh, công nhận:

“Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của doanh nghiệp tư nhân, thừa nhận sự bình đẳng trước pháp luật của doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp khác và tính sinh lợi hợp pháp của việc kinh doanh. Trong khuôn khổ pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tự do kinh doanh và chủ động trong mọi hoạt động kinh doanh”.

Đặc biệt, Điều 4 quy định một điểm cốt lõi , đó là:

“Quyền sở hữu về tư liệu sản xuất, quyền thừa kế về vốn, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp được Nhà nước bảo hộ.”

Bộ Luật này không dài nhưng rất rõ ràng, dễ hiểu và dễ vận dụng nên được nhiều người đồng tình. Luật doanh nghiệp tư nhân 1990 và Luật Công ty 1990 là những văn bản pháp lý đầu tiên quy định về việc thành lập và hoạt động của các chủ thể kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Tiếp sau 2 luật này, một loạt luật và văn bản pháp quy đã được ban hành như Luật Doanh nghiệp nhà nước 1995, Luật Doanh nghiệp 1999/2005/2014/2020 đã từng bước tạo hành lang phát triển các doanh nghiệp và hình thành đội ngũ doanh nhân ngày một đông đảo.

Qua phân tích ở trên cho thấy, thời kỳ đổi mới phát triển kinh tế, chuyển sang nền KTTT định hướng XHCN là thời kỳ hội đủ các điều kiện tạo nên đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay.

Điều kiện đầu tiên là cơ chế pháp lý với những luật công nhận hoạt động kinh tế tư nhân, công nhận các doanh nghiệp tư nhân, công nhận quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất có được của doanh nghiệp, quyền sử dụng đất có thể chuyển nhượng, quyền được tuyển dụng nhân lực,… Đây được coi là điều kiện tiên quyết.

Điều kiện về vốn và huy động vốn. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để doanh nghiệp phát triển lên mức độ cao, có thu nhập lớn, quy mô lớn và phát triển bền vững. Trong thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ 20 có 2 luồng xuất ngoại rất khác nhau đó là xuất ngoại bất hợp pháp của những người cố vượt biên sang các nước khác mong tìm cuộc sống tốt hơn và xuất khẩu lao động sang Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu (CHDC Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc,…). Luồng vượt biên bất hợp pháp có một số người thuộc tầng lớp giàu, có chuyên môn tốt đã được một số nước tiếp nhận thành kiều bào, một số khác ra đi bằng cả thuyền chênh vênh (nên được gọi là thuyền nhân), bao gồm những người không có nghề nghiệp tốt lại ít tiền nên được đưa vào các trại tỵ nạn (trại điển hình là ở Hồng Kông) và Chính phủ ta lại phải sang đưa về. Luồng thứ hai được Nhà nước tuyển chọn sang lao động (hợp pháp) tai các quốc gia có yêu cầu với số lượng khá lớn. Chúng tôi có đọc được một bài báo mạng đưa ra một số con số đáng quan tâm, xin được nêu lại để tham khảo (nhưng chưa được kiểm chứng).

Trong vòng 10 năm (1980-1990) đã có 277.183 người đi lao động, học tập có thời hạn ở nước ngoài (kể cả sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh). Từ những năm 1983-1984, xuất khẩu lao động bắt đầu phát triển sang cả khu vực II: Chủ yếu là các nướcTrung Đông, châu Phi. Số lao động và chuyên gia sang làm việc ở khu vực II, cho đến năm 1990 là 19.301 người.

Nếu tính trung bình mỗi năm 1 người lao động còn tiết kiệm được một khoản tiền khoảng 1.000 USD, chưa kể các khoản thu khác ngoài lương. Phần lớn số tiền này không được chuyển trực tiếp về nước, mà chuyển về dưới hình thức các hàng hóa.

Với trên 250 ngàn người lao động ở các nước XHCN, hằng năm có một lượng hàng tối thiểu tương đương với 250 triệu USD được gửi về nước, mà hầu hết là các hàng tiêu dùng. Nếu tính cả lao động xuất khẩu sang khu vực II với thu nhập hàng năm cao hơn nhiều thì có thể ước tính Việt Nam thu được khoảng nửa tỷ USD một năm. Con số này càng có ý nghĩa quan trọng, nếu so sánh với tổng mức nhập khẩu chính ngạch hàng năm của những năm nửa đầu thập kỷ 80 chỉ vào khoảng 1,4-1,5 tỷ USD.

Khi ấy, đi xuất khẩu lao động được coi là đổi đời đối với người lao động và gia đình họ. Nhiều trong số đó còn trở nên giàu, thậm chí rất giàu (thành Tướng, Soái theo cách gọi thời ấy) do kết hợp kinh doanh, buôn bán liên quốc gia mà Liên Xô và nhiều nước XHCN Đông Âu còn thiếu. Những người này khi về nước đã có trong tay khoản vốn lớn, khi đất nước “mở cửa” họ đã có sẵn kinh nghiệm kinh doanh và kinh phí để vào cuộc và một số đã thành đạt, trở thành tỷ phú USD hiện nay.

Một sự kiện khác diễn ra trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới cũng giúp nhiều người giàu lên và có khả năng tích tụ nguồn tiền ở một số cá nhân, đó là buôn bán quyền sử dụng đất. Trước khi có Luật Đất đai 1993 hầu như không có quyền sử dụng đất một cách rõ ràng vì đất chưa có giá trị lớn trong cộng đồng dân cư. Lúc đó vẫn còn nhiều đất mà con người có thể sử dụng mà không phải tốn quá nhiều tiền. Một miếng đất ven đường được cuốc lên trồng rau rồi xin phép làm một cái lều nho nhỏ (chỉ cần “xin phép” chính quyền địa phương) rồi lấn tiếp lên nhà cấp IV và có thể ra ở tự nhiên. Khi có Luật Đất đai 1993, nếu được xem là đã ở rồi thì có thể xin giấy xác nhận quyền sử dụng đất (sau này gọi là sổ đỏ). Luật Đất đai 1993 đã có quy định về giao quyền sử dụng đất cho các cá nhân, chủ thể, quy định 6 loại: đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất khu dân cư nông thôn, đất đô thị, đất chuyên dụng, đất chưa sử dụng.

Như vậy sau khi có Luật Đất đai 1993 thì quyền sử dụng đã trở thành dạng “hàng hóa” trên thị trường và thị trường này càng trở nên sôi động khi kinh tế phát triển. Giá chuyển nhượng tăng cao chóng mặt đã giúp một số người có tiền và “liều” hoặc tính trước được xu thế nên “ôm” được nhiều đất rồi bán ra thu lợi nhuận khổng lồ. Giá chuyển nhượng vẫn còn tăng cho đến hiện nay, thập kỷ 20 thế kỷ 21 và không biết đến bao giờ thì dừng.

Một sự kiện giúp tích tụ vốn rất nhanh trong thời kỳ đổi mới, đó là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước với cách tính giá trị đóng góp của nhà nước còn lại và quyền sử dụng đất còn lỗ hổng nên công ty cổ phần sau khi chuyển đổi nắm trong tay một tiềm lực phát triển lớn. Sau này, nhiều công ty cổ phần chuyển đổi khá nhanh thành công ty liên danh, công ty tư nhân và nhiều cá nhân nắm mức cổ phiếu rất cao trong đó. Riêng đất đai, nhà nước có chủ trương chuyển nguyên quyền sử dụng cho công ty cổ phần, không tính đến “giá trị” đất trong phần đóng góp cổ phần của nhà nước.

Những phân tích ở trên cho chúng ta hiểu phần nào về giới doanh nhân, họ là ai và lộ trình đi lên trở thành doanh nhân tiêu biểu, doanh nhân thành đạt, đại gia. Nhưng quả thật đưa ra được định nghĩa về doanh nhân không phải dễ, chỉ xin phác họa một số nét về họ để dễ phân tích sau này:

Họ là người (cá nhân) làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, chủ yếu là trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và công nghệ.

Họ có vị trí cao trong các cơ sở kinh doanh (công ty, hãng, tập đoàn,…), cả tư nhân và nhà nước, bao gồm chủ doanh nghiệp, các cán bộ điều hành (đặc biệt là CEO), kể cả được thuê hoặc bổ nhiệm.

Họ có nguồn kinh phí lớn, tỷ lệ cổ phiếu, tỷ lệ góp vốn trong các công ty ở mức cao. Mang tính quyết định đối với hoạt động doanh nghiệp.

Quy mô công ty công ty càng cao, mức góp vốn càng cao thì doanh nhân càng được đánh giá cao, nổi tiếng trong cộng đồng.

Họ có đóng góp lớn cho ngân sách qua đóng thuế thu nhập cá nhân và thuế mà các doanh nghiệp mà họ là chủ hoặc điều hành đóng hàng năm…..

Hiện tại đã có Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam (VPBA) nhưng không hiểu các doanh nhân làm việc trong các công ty nhà nước như Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 11, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Thành An, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty 789 thuộc top 10 doanh nhân tiêu biểu năm 2022 có được tham gia không.

Nhà nước đã có quyết định lấy ngày 13/10 là ngày Doanh nhân Việt Nam, ngày tôn vinh những đóng góp to lớn của giới doanh nhân cho sự phát triển, hưng thịnh, giàu mạnh của đất nước. Điều đó chứng tỏ Nhà nước rất quan tâm đến doanh nhân và tạo động lực, nguồn lực để doanh nhân phát triển.

Trở thành doanh nhân dễ hay khó?

Câu hỏi này được đặt ra có hai đích hướng đến là giúp những người đang muốn thành doanh nhân lớn vững tâm, vững bước đi lên và giúp những người không muốn thành doanh nhân, không là doanh nhân hãy yên lòng với công việc hiện tại của mình.

Đôi điều suy ngẫm về Doanh nhân, Doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 3
Trở thành doanh nhân dễ hay khó? (ảnh minh họa)

Thật ra, cổ nhân đã từng nói, khi lớn lên con người luôn theo đuổi hai mục đích là danh và lợi. Danh ở đây có thể là chức vụ, danh vọng, danh tiếng, nổi tiếng, được mọi người trọng vọng, tung hô,... còn lợi ở đây là lợi lộc, là vật chất, là giàu có, thịnh vượng,… Danh ở đây cũng có hai nghĩa, người có danh vọng tốt được người đời tôn vinh cả lúc sống và lúc chết nhưng cũng nhiều người có danh xấu mà ngàn đời không rửa được. Thời phong kiến, ngay cả bậc vua chúa cũng có người danh xấu, danh tốt còn mãi tới ngày nay. Nguyễn Công Trứ còn có câu nói/câu thơ về danh rất hay: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông" thể hiện mong muốn của con người muốn làm việc lớn.

Lợi thì có nhiều hạng bậc, có người cực giàu nhưng phần lớn của cải có được bằng sự bòn rút của dân của nước nhưng cũng nhiều người giàu lên từ lao động chân chính. Một người giàu từ lao động của mình làm ra như Giăng Van-giăng (Jean Valjean) trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo, đến cuối đời, trước khi chết vẫn không an tâm khi số tiền rất lớn của ông để lại mà người con rể không “thèm” sử dụng vì nghĩ đó là đồng tiền có được từ những việc làm bất chính, thậm chí là “bẩn thỉu”. Mãi khi hấp hối, ông mới nói rõ được nguồn gốc chân chính của đồng tiền mình làm ra để con gái và con rể yên tâm sử dụng. Ở Việt Nam, rất nhiều người biết đến vai Trùm Sò trong vở kịch Nghêu Sò Ốc Hến nhưng cách diễn thể hiện sự giàu có rất khác nhau. Đã có đoàn kịch, khi diễn cảnh Trùm Sò cởi chiếc áo đắt tiền cho quan huyện mượn, mặc thì chiếc áo bên trong là áo cũ, có những miếng vá với thông điệp là Trùm Sò giàu có nhất vùng nhưng sự giàu có đó có phần do tiết kiệm nữa.

Bản thân tôi cũng có tham vọng danh lợi, được đọc nhiều sách về danh nhân về những người thành đạt, những người giàu có và cũng mơ ước chứ, danh và lợi ai chả muốn có. Tuy nhiên nghiên cứu kỹ hơn thì thấy muốn có danh và lợi (ở mức cao) rất khó, muốn đạt được họ phải có những phẩm chất năng lực rất tốt và kèm theo đó là gặp thời, gặp may mắn nữa. Các cụ cha ông ta đã tổng kết rất hay về phẩm chất của những người có thể thành đạt trong mưu cầu danh lợi, đó là “Có chí làm quan, có gan làm giàu”.

Xin được nói thêm về nghĩa của từ “gan” ở đây, phải chăng đó là phải dám làm và đôi khi phải “liều” như tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng nói trong lần đến Tập đoàn Viettel gặp Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng và đông đảo cán bộ Viettel. Tỷ phú còn dùng từ rất dân dã để nói về liều, đó là phải chấp nhận “một ăn một tịt” nhưng đi kèm nó là phải có quyết tâm, phải tìm hiểu kỹ về mọi mặt, phải nắm rõ nguồn lực của mình và tiềm năng huy động nguồn lực bên ngoài, đặc biệt phải cố gắng hết mình, biết đối diện với khó khăn, thử thách thì khả năng thành công cao hơn. Khi ấy, lúc đầu có vẻ “liều” nhưng về sau lại là động lực.

Càng tìm hiểu tôi càng thấm thía về các phẩm chất khác của doanh nhân như một tài liệu đã viết, đó là: Kỹ năng lãnh đạo (1), Kể những câu chuyện tuyệt vời (2), Dám đánh liều (3), Sáng tạo, luôn đổi mới (4), Tự lực (5), Đam mê (6), Không đứng yên (7). Và càng ngẫm tôi càng thấy mình còn thiếu và còn kém ở nhiều phẩm chất kể trên.

Trong quá trình hoạt động hướng tới danh và lợi, có cả người thành công, lên tận trời cao và người không thành công, thậm chí là thất bại thảm hại, là xuống bùn đen, là thân bại danh liệt. Ngay trong những thập niên đầu của Thế kỷ 21, Việt Nam đã xuất hiện nhiều doanh nhân tỷ phú USD nhưng cũng có nhiều doanh nhân vướng vòng lao lý. Ngay cả nhiều người có danh vọng cao nhưng do thiếu tu dưỡng đã mắc sai phạm đến nỗi bị kỷ luật, bị tù đày rất đáng để mọi người suy ngẫm. Chúng ta mừng vì có nhiều doanh nhân trẻ tham gia kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và hy vọng họ sẽ thành công vì họ là người có học thức, trí tuệ, rút được kinh nghiệm từ tiền nhiệm, được cả xã hội cổ súy và nâng đỡ.

Đóng góp của doanh nhân Việt Nam hiện tại và tương lai

Khó có thể thống kê hết các đóng góp của doanh nhân và cũng khó đánh giá mức giàu có của các doanh nhân. Bởi vì doanh nhân tư nhân có thể đánh giá qua số cổ phiếu, cổ phần của họ được công bố trên sàn chứng khoán còn doanh nhân hoạt động trong doanh nghiệp nhà nước lại chỉ tính mức thu nhập (không cao lắm?).

Đôi điều suy ngẫm về Doanh nhân, Doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 4
PGS.TS Hoàng Xuân Cơ trả lời PV trong một sự kiện.

Trong xã hội hiện tại của Việt Nam, về nguyên tắc, chỉ có hoạt động kinh tế tư nhân mới trở nên giàu có được. Vì vậy, cũng là doanh nhân nhưng doanh nhân làm việc trong công ty nhà nước không thể có khối tài sản lớn như đồng nghiệp ở khối tư nhân (trừ khi họ tham nhũng). Hiện tại, có nhiều chính sách đối với đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam; cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước (trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác) được làm liên quan đến hoạt động kinh tế tư nhân (theo Quyết định 15/QĐ-TW năm 2006). Mục đích chính của các quy định này là để tránh tham nhũng, móc ngoặc xảy ra khi vừa là cán bộ công chức nhưng lại thành lập công ty tư nhân và hoạt động kinh tế tư nhân.

Như vậy, đảng viên không thuộc các đối tượng nêu trên vẫn có thể làm kinh tế tư nhân để thành doanh nhân giàu có. Đây là điều cần xem xét thêm khi có nhiều cán bộ, đảng viên không muốn làm trong cơ quan nhà nước mà bung ra làm kinh tế tư nhân. Mặt khác, ở nhiều nước, người nắm cương vị rất cao, thậm chí là tổng thống vẫn có thể điều hành công ty. Theo bài đăng trên vnExpress ngày 1/11/2016 thì, trong một bản công bố thông tin cá nhân khi tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump liệt kê mình làm chủ tịch, người được ủy thác, giám đốc và cổ đông của hơn 530 thực thể.

Gần một nửa số đó có chữ Trump trong tên công ty. Thương hiệu cá nhân đã mang lại cho ông số tài sản khổng lồ với nhiều thương vụ hấp dẫn. Quả thật, đã có những lùm xùm liên quan đến người vừa làm tổng thống vừa lãnh đao các công ty nhưng với luật pháp được coi là chặt chẽ, có thể kiểm soát được cả công việc của tổng thống, cả công việc của doanh nhân thì có vẻ như mọi chuyện vẫn ổn. Trong hoàn cảnh nước ta, khi mà kinh tế thị trường mới ở giai đoạn đầu thì việc đưa ra các điều khoản ngăn chặn tham nhũng cũng là điều dễ hiểu.

Có một câu hỏi mà nhiều người vẫn đặt ra (mặc dù có vẻ hơi lẩn thẩn), đó là những doanh nhân giàu có họ tiêu khoản tiền khổng lồ đó như thế nào. Có lẽ những người có ít tiền thì hay tưởng tượng khi mình có nhiều tiền sẽ tiêu gì đây hay cho ai đây, nhưng những người có rất nhiều tiền có lẽ có suy nghĩ khác chăng. Vấn đề tiêu tiền như thế nào phụ thuộc nhiều vào các điều kiện như: kiếm được bằng cách nào, dễ hay khó; có theo văn hóa tiêu tiền của cộng đồng không; có ràng buộc pháp luật trong việc tiêu tiền không; và nhiều điều kiện riêng khác.

Các Cụ (cha ông ta) thường nói của cải kiếm được “dễ” theo nghĩa không tự mình kiếm, không bỏ sức lao động thật sự thì cũng có tâm lý chi dễ, thậm chí những đồng tiền bất chính rồi cũng sẽ đội nón ra đi dễ dàng theo kiểu “của thiên trả địa”, vào túi trước ra túi sau,… Ở một số cộng đồng, thậm chí các quốc gia, liên quốc gia, người dân có nguyên tắc tiêu tiền mà hầu như ai cũng tuân thủ, chẳng hạn chi cho con cái theo kiểu tạo điều kiện cho chúng học hành, rất tránh đưa tiền cho chúng tiêu vô tội vạ, các con đi học cha mẹ đóng trực tiếp cho nhà trường, ăn ở tại trường cũng được chi trực tiếp cho cơ sở dịch vụ, ngay mua sắm cũng được bố mẹ đưa đi, con chọn rồi bố mẹ trả tiền,… Khi đó hầu như đứa trẻ em hiểu rằng chúng chỉ được có quà vào ngày sinh nhật và một số ngày lễ.

Rõ ràng kiếm tiền đã khó nhưng tiêu tiền cũng không hề dễ, ngay cả khi luật pháp đã có những quy định rõ ràng. Chẳng hạn, khi tiêu tiền phải chứng minh tiền đó hợp pháp và khoản chi đúng pháp luật, khi cho, biếu tặng cũng phải theo quy định,… Thế mà nhiều khi con người không tuân thủ nên mới xảy ra rất nhiều vụ án đau lòng không chỉ ở Việt Nam và còn cả trên thế giới. Đôi khi chúng ta thấy có những khoản chi có vẻ kỳ lạ thế nào ấy, như chi mua một biển số xe “đẹp” hay bỏ cọc với giá trên trời cho một mét vuông đất đô thị rồi sẵn sàng để mất (vì thật ra không mua). Tuy nhiên, nếu tìm hiểu nguyên nhân đằng sau thì chắc phải có lý do mà không phải ai cũng biết và có thể là không hề vô lý chút nào.

Ở Việt Nam, xưa nay đều coi tiền cha mẹ kiếm được rồi cuối cùng cũng dành cho con nên mới cáo cảnh báo “không ai giàu 3 họ không ai khó 3 đời”, cha mẹ kiếm được nhiều nhưng rồi để lại cho con nhưng có thể vì chiều chuộng quá nên con cái chỉ có chi mà không kiếm được thêm nhiều khi cha mẹ qua đời. Hậu quả là tiền bạc, của cải đội nón ra đi dần dần. Ngày nay, nếu con cái vướng vào tệ nạn nghiện hút, ăn chơi xa xỉ thì chả mấy chốc gia sản lụn bại. Trường hợp ngược lại, nếu ngay từ đầu cha mẹ chịu khó cho con học hành, tạo dựng cho con có nghề nghiệp, có cơ ngơi làm ăn, có chí hướng phát triển thì sau này sản nghiệp của cha mẹ khi về già muốn để lại cho con cũng “khó” vì con cái đã đủ lo cho mình. Cảnh con cái từ chối của cải cha mẹ cho, khuyên cha mẹ làm từ thiện hoặc trợ giúp cộng đồng xảy ra ngày càng nhiều không chỉ trên thế giới mà còn ở cả Việt Nam nữa.

Thời đại có nhiều người giàu thì phải có thị trường cho họ tiêu tiền và phải chăng, họ có quyền mua sắm những đồ vật với giá “trên trời” hoặc dùng đồ hiệu có vẻ xa xỉ một hai lần rồi bỏ,… Quả thật, bây giờ thị trường có vẻ tập trung phục vụ người giàu, nếu người nghèo thì là ăn no, khá hơn là ăn ngon, giàu nữa thì ăn gì đây?, Câu trả lời của sinh viên là ăn “lạ” theo nghĩa là người khác không có để ăn. Rồi mặc cũng vậy, từ mặc lành lặn, mặc ấm, rồi mặc đẹp, thời trang và rồi cũng đến mặc “lạ” chăng. Đi du lịch bây giờ dành cho người siêu giàu không còn là nơi đẹp trên trái đất nữa mà là khám phá những điều mới lạ trong vũ trụ, sắp tới là lên mặt trăng và đến các hành tinh nữa.

Tuy nhiên, qua thông tin đại chúng, việc tiêu tiền của người giàu cũng rất khác nhau, có tỷ phú nhưng cuộc sống bình dân, tiền cuối cùng dành phần khiêm tốn cho con cái, người thân còn chủ yếu dành cho cộng đồng. Chắc họ cũng phải dốc nhiều tâm trí để đồng tiền mình kiếm được có thể phát huy hơn nữa mục đích phục vụ cõi nhân sinh. Ngồi cùng bạn bè, nhiều khi mọi người cho rằng có đủ tiền để chi tiêu đủ cho cuộc sống kiểu “sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành” để không quá bận tâm với đời. Khi có nhiều tiền, đôi khi phải “vắt óc” suy nghĩ về tiêu như thế nào để mình không phải ân hận, dằn vặt vì chi tiêu chưa đúng.

Xét tổng thể, có thể lấy con số đóng góp của kinh tế tư nhân mà nhiều doanh nhân có vai trò chủ thể, lãnh đạo điều hành cho nền kinh tế cả nước làm minh chứng cho đóng góp của họ. Xin dẫn ra đây đánh giá đăng trên Tạp chí Tuyên giáo điện tử ngày 13/5/2021 làm minh chứng:

“Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội”

Quả là mức đóng góp không nhỏ, hơn thế nữa, danh tiếng của các tỷ phú USD không chỉ là tự hào của họ mà còn là tự hào chung của Việt Nam, làm danh tiếng Việt Nam lan xa trên trường quốc tế.

Kết luận

Có lẽ, chỉ xin nói một điều thực lòng: bản thân tôi không phải là doanh nhân nên chắc chắn những bàn luận ở trên chỉ là những cảm nhận, thu nhận được trong cuộc sống muôn màu. Nó còn thiếu, còn chưa đúng và còn theo chủ quan của tôi nhưng vẫn cố gắng trình bày. Nếu có dịp sẽ lại có thêm ý kiến nhiều hơn về chủ đề này còn bây giờ xin khép lại tại đây.

Hoàng Xuân Cơ

Bạn đang đọc bài viết Đôi điều suy ngẫm về Doanh nhân, Doanh nghiệp Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Bắt Giám đốc Công ty mua bán điện thuộc EVN
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Danh Sơn, Giám đốc Công ty mua bán điện thuộc EVN để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tin mới