0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 12/10/2023 10:00 (GMT+7)

Doanh nhân Mai Kiều Liên: “Bông hồng thép” của ngành sữa Việt Nam

Đối với người dân Việt Nam, những sản phẩm sữa của Vinamilk đã trở thành 1 hình ảnh hết sức thân thuộc và gần gũi. Đứng đằng sau danh tiếng của tập đoàn này là 1 “bông hồng thép” mạnh mẽ mang tên Mai Kiều Liên.

Đến với ngành sữa nhờ lời khuyên của cha

Bà Mai Kiều Liên sinh ngày 01/09/1953 tại Pháp, quê gốc của bà ở Vị Thanh, Hậu Giang. Tuy sinh ra tại Pháp nhưng phần lớn thời gian, bà Liên vẫn sinh sống và trưởng thành là ở Việt Nam.

Cha mẹ bà Mai Kiều Liên đều là những bác sĩ nặng lòng yêu quê hương nên khi bà 4 tuổi cha mẹ bà đã vui vẻ chấp nhận bỏ cuộc sống sung túc, đầy đủ ở Pháp để trở về Việt Nam năm 1957.

Doanh nhân Mai Kiều Liên: “Bông hồng thép” của ngành sữa Việt Nam - Ảnh 1
CEO Vinamilk Mai Kiều Liên.

Hồi nhỏ bà Liên theo học tại trường phổ thông Trưng Vương, Hà Nội, những năm tháng chiến tranh bà phải sơ tán về nông thôn, học giữa bãi sông Hồng. CEO Vinamilk từng mơ ước theo học ngành sư phạm hoặc bác sĩ nên sau khi được phân công đi học ngành chế biến sữa và thịt, bà rất thất vọng.

Bà Liên kể rằng, trong đoàn du học sinh sang Liên Xô thời đó, có 176 người, trong đó, có 4 người bị yêu cầu học về công nghệ chế biến sữa. Trước khi đi học không ai biết mình sẽ học gì, cho đến khi tới biên giới Liên Xô và Trung Quốc thì mới được biết.

“Hồi đó đi học, người ta mơ được học vật lý, hoá học, học Y, học các ngành kỹ thuật khác, chứ ngành chế biến sữa không có trong suy nghĩ. Vì nước mình không có nhà máy chế biến sữa, ngoài Bắc mới chỉ có nông trường Mộc Châu được mấy trăm con bò, nên khi nghe ngành mình phải học tôi rất ngỡ ngàng và thất vọng”, bà Liên nói.

Bà Liên cho biết, vì mình không được từ chối ngành học đã được phân công nên bà đã hỏi ý kiến của cha mình là bác sỹ Mai Văn Thông. Nhưng cha của bà khuyên là nên học, vì sau chiến tranh vấn đề đầu tiên cần giải quyết đó là suy dinh dưỡng trẻ em, cải thiện thể lực, sức khoẻ cho mọi người. Nghe lời cha mình, bà đi học và từ đó cái nghề làm sữa đã đi theo bà suốt cả cuộc đời.

Quyết định bứt phá mang tính “lịch sử”, đưa ngành sữa Việt Nam lên tầm cao mới

Năm 1976, sau khi tốt nghiệp đại học, bà Mai Kiều Liên không ở lại xứ người làm việc mà quyết định về Việt Nam để cống hiến. Bà trở thành 1 nữ kỹ sư trong công ty sữa và cafe Việt Nam, tiền thân của Vinamilk sau này.

Với tư chất thông minh, ham học hỏi, bà đã áp dụng hiệu quả những kiến thức được học vào trong công việc. Từ công việc ban đầu là kỹ sư, bà Liên lên chức trưởng ca, rồi phó giám đốc kỹ thuật, rồi phó tổng giám đốc phụ trách kinh tế, rồi đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay.

Với nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc cùng năng lực quản trị tài ba, bà Liên đã có nhiều quyết định bứt phá mang tính “lịch sử”, đưa ngành sữa Việt Nam lên tầm cao mới.

Điển hình là quyết định phục hồi nhà máy sữa bột Dielac vào năm 1988, đặt nền móng cho sự ra đời của nhãn hiệu sữa bột trẻ em đầu tiên được làm từ chính bàn tay, khối óc của người Việt. Bà Liên từng chia sẻ, đề tài khi tốt nghiệp đại học của bà là “xây dựng một nhà máy sữa”. Có lẽ khi đó, bà cũng không nghĩ rằng có một ngày mình thực sự khôi phục thành công một nhà máy sữa bột bị hư hỏng nặng và thất lạc toàn bộ hồ sơ kỹ thuật.

Doanh nhân Mai Kiều Liên: “Bông hồng thép” của ngành sữa Việt Nam - Ảnh 2
Hình ảnh trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm.

Từ những hiểu biết, kiến thức có được khi du học về một ngành chế biến sữa tiên tiến, bà đã mạnh dạn cùng tập thể kĩ sư, chuyên gia Việt Nam đưa 3 nhà máy đi vào hoạt động ổn định sau khi tiếp nhận lại là Thống Nhất, Trường Thọ và Dielac. Trong thời gian này, bà cũng trực tiếp tham gia nghiên cứu, phát triển các sản phẩm của Vinamilk như Ngôi Sao Phương Nam, Dielac… Đây đều là những thương hiệu nổi tiếng, có chất lượng cao và được tin dùng đến hiện nay.

Đến những năm 1990, bà Liên cùng đội ngũ lãnh đạo công ty tiếp tục giải quyết bài toán khó khác của Việt Nam là luôn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Từ việc xây dựng đàn bò sữa trong nước, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu nội địa rộng lớn, hiện đại đã được hình thành và thay đổi diện mạo của ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam.

Trong suốt những năm lãnh đạo Vinamilk, bà Mai Kiều Liên vẫn giữ được "tinh thần" của một nhà khoa học khi luôn tìm tòi, nghiên cứu và phát triển các mô hình chăn nuôi bò sữa tiên tiến tại Việt Nam, đặc biệt trong việc xây dựng hệ thống các trang trại bò sữa.

Năm 2015, Vinamilk có Trang trại bò sữa đầu tiên đạt chứng nhận Global GAP. Năm 2016, Vinamilk cũng là công ty sở hữu trang trại chuẩn hữu cơ Châu Âu đầu tiên của Việt Nam.

Tại các trang trại bò sữa Vinamilk, lần đầu tiên, nhiều công nghệ đã được ứng dụng như: phần mềm quản lý đàn qua chip điện tử được gắn cho mỗi cá thể bò, phần mềm quản lý khẩu phần ăn, robot vun đẩy thức ăn, dàn vắt sữa tự động…

Đây là kết quả của một chiến lược sắc bén nhưng chứa đựng tư duy của một nhà khoa học: Không chỉ nuôi được bò sữa tại xứ nhiệt đới như Việt Nam, Vinamilk sẽ áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất, tiên tiến nhất trên thế giới.

Thành công không chỉ là thành đạt

Là người phụ nữ quyết đoán và có suy nghĩ cấp tiến, bà Liên đã đưa ra những quyết định kịp thời như đầu tư vùng nguyên liệu từ sớm (đầu những năm 1990), tiến hành tái cấu trúc Vinamilk (2003), đưa Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (2006), quyết định đầu tư và ngừng đầu tư trong lĩnh vực bia, cà phê (giai đoạn 2005-2010). Dưới sự chèo lái của bà Mai Kiều Liên, hiện nay giá trị thương hiệu Vinamilk được định giá 3 tỷ USD, doanh thu hàng năm lên đến chục nghìn tỷ đồng, là 1 trong những doanh nghiệp lớn hàng đầu của Việt Nam.

Doanh nhân Mai Kiều Liên: “Bông hồng thép” của ngành sữa Việt Nam - Ảnh 3
Một trang trại bò sữa của Vinamilk.

Bà Liên được đánh giá là 1 nữ doanh nhân bản lĩnh, đầy quyền lực nhưng cũng rất nữ tính, chân chất, giản dị và rất đời thường. Sau những ngày làm việc căng thẳng bà trở về chăm sóc gia đình và làm những công việc của… ô sin. “Buổi tối, bên cạnh việc nhà thì tôi cũng vẫn trả lời email công việc. Ông xã tôi cũng có thể nấu cơm, tôi lau nhà rất vui vẻ, thoải mái. Nhà tôi không thuê người giúp việc mà tất cả các thành viên tham gia vào công việc gia đình”. Bà Liên chia sẻ.

Bà cũng cho biết thêm, xong công việc về nhà tôi vẫn là một bà nội trợ chính với việc nấu nướng, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa… “May mắn là vợ chồng tôi là bạn học từ hồi phổ thông, sau đó tôi đi học ở bên Nga còn chồng tôi học ở Ba Lan. Chúng tôi hiểu nhau, chia sẻ và đồng cảm với nhau, ngay cả trong những việc nhà. Thường các buổi tối sau khi việc nhà xong, khoảng 22 giờ tối tôi thường mở mail xem có mail nào gửi cần xử lý không, tôi có thể liên hệ được tất cả các anh em ở tất cả các vùng miền khác nhau, bất cứ lúc nào. Hơn nữa chính gia đình là chốn bình yên để tôi nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, giúp tôi lấy lại năng lượng để làm việc hiệu quả hơn”, bà Liên chia sẻ.

Nói về bà Mai Kiều Liên, bà Phạm Thị Việt Nga Tổng Giám đốc Dược Hậu Giang nhận xét: “Khi tiếp xúc với bà Mai Kiều Liên, tôi thấy bà quá bình dân, mặc dù bà đứng ở tầm cao. Bình dân từ cách nói chuyện, có sao nói vậy, nói những gì suy nghĩ từ tận đáy lòng, không dùng những từ hoa mĩ, bóng bẩy. Bình dân cả trong cách đối nhân xử thế với người đối diện”. Bà Nga cũng cho biết bà cũng coi Mai Kiều Liên là thần tượng của mình.

Giản dị, hòa đồng, cởi mở là thế nhưng trong công việc kinh doanh Bà Liên luôn quyết liệt, khi đã suy nghĩ kỹ thì quyết tâm làm tới cùng, vượt qua mọi khó khăn. Với bà quyền lợi người tiêu dùng phải được đặt trên hết. Bởi lẽ, quyền lợi người tiêu dùng mà không có thì quyền lợi cho tất cả các cổ đông cũng không. Người tiêu dùng là trước hết, sau đó mới đến cổ đông và cũng không được quên quyền lợi của người cung cấp nguyên liệu là nông dân, một trong những đối tác quan trọng của Vinamilk.

Làm lãnh đạo từ thời bao cấp, tuy nhiên bà không hề kém cạnh các CEO trẻ, bà luôn tận dụng tối đa công nghệ vào công việc của mình. Trong công việc nhân viên muốn trao đổi ý kiến hay bày tỏ nguyện vọng của mình điều qua email. “Tôi xử lý phần lớn công việc qua email. Tôi khuyến khích tư duy phản biện nhưng rất ghét họp hành. Anh em trong công ty, bất kỳ ai, có bức xúc gì thì cứ email cho tôi, tôi trả lời ngay. Trung bình một ngày, tôi nhận được từ 2-3 email của nhân viên bày tỏ những thắc mắc, bức xúc trong công việc”, bà Liên cho hay.

Mỗi ngày vị CEO Vinamilk đến cơ quan lúc 8h và về lúc 5h như bao nhân viên khác, nếu có công việc phát sinh, bà có thể xử lý ở bất cứ nơi đâu nhờ các thiết bị di động công nghệ cao. Mặc dù là người quản lý cấp cao nhưng bà rất tỉ mỉ, nắm công việc ở những chi tiết rất nhỏ, sâu sát từng sản phẩm của Vinamilk. Có lẽ nhờ vậy mà bà Liên luôn có sức thuyết phục đối với anh em cán bộ công nhân viên, thống nhất được mọi người thành một khối để phát huy sức mạnh của tập thể, cùng Vinamilk gặt hái những thành công ngày hôm nay.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Doanh nhân Mai Kiều Liên: “Bông hồng thép” của ngành sữa Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Bắt Giám đốc Công ty mua bán điện thuộc EVN
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Danh Sơn, Giám đốc Công ty mua bán điện thuộc EVN để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tin mới