Doanh nhân nổi bật trong tuần: Tỷ phú Hoàng Kiều tái xuất, Đặng Hồng An nói về giá kit test COVID
Tỷ phú Hoàng Kiều; doanh nhân Đặng Hồng An; Chủ tịch Vietnam airline Đặng Ngọc Hòa; Chủ tịch KOSY Nguyễn Việt Cường… là những cái tên được chú ý trong tuần qua (từ ngày 27/9 đến 2/10).
Tỷ phú Hoàng Kiều muốn nhận nuôi và đưa 23 người con của Phi Nhung sang Mỹ
Trước thông tin ca sĩ Phi Nhung qua đời vào ngày 28/9 sau hơn 1 tháng chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) do mắc COVID-19, tỷ phú Hoàng Kiều đã chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về việc đứng ra giúp đỡ, tiếp tục nuôi nấng cho 23 người con nuôi của nữ ca sĩ.
Khi được hỏi liệu rằng tỷ phú Hoàng Kiều sẽ hỗ trợ chi phí ăn, học cho 23 bé trong thời gian tới hay trực tiếp nhận các bé làm con nuôi, ông nhấn mạnh việc sẽ nhận nuôi các bé. Vị tỷ phú này cho biết bản thân đã đi qua những giai đoạn khó khăn như vậy, dù mồ côi từ năm 3 tuổi nhưng ông đã phấn đấu, đã hăng say làm việc nên ông sẽ tạo điều kiện hết sức cho các bé.
Tỷ phú Hoàng Kiều cho chuyện đưa các bé sang Mỹ là “đương nhiên”, vì “con phải ở gần cha”, tuy nhiên vẫn còn tùy thuộc vào nhiều trường hợp. Ông cho biết ông muốn giúp đỡ những đứa trẻ khôn lớn thành người chứ không phải lợi dụng tên tuổi của ca sĩ Phi Nhung.
“Tuy bây giờ tôi không còn là tỷ phủ nữa, nhưng tôi vẫn làm và bảo đảm trong các người con của tôi trong tương lai sẽ có được 3 ông tỷ phú người Việt Nam, hoặc là 30 tỷ phú, danh tiếng tỷ phú được kéo dài, đó là ước mơ của tôi”, ông cho hay.
Tuy nhiên, ông Hoàng Kiều cũng cho biết hiện tại ông vẫn chưa chính thức liên lạc được với gia đình nữ ca sĩ, đồng thời cũng chưa có sự chấp thuận chính thức nào.
Trong livestream của mình, ông Hoàng Kiều cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với FPT trước ý tưởng xây dựng trường nuôi dạy trẻ mồ côi do COVID-19 cho hàng nghìn các em nhỏ. Ông cho rằng FPT đã nhận phần nặng, còn phần của ông chỉ là 23 người con “cũng chẳng có là bao”.
Doanh nhân Đặng Hồng An có phát ngôn "dậy sóng" về giá kit test nhanh COVID-19
Tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương diễn ra mới đây, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam vừa gây chú ý với phát ngôn gây chú ý về giá một bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19.
Theo đó, ông Đặng Hồng Anh cho biết, giá bộ test xét nghiệm nhanh COVID-19 mua số lượng lớn tại nước ngoài chỉ khoảng 1,5 USD/test.
Doanh nhân này công bố nếu mua số lượng lớn giá chỉ còn 1 USD/test, tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỉ đồng. Thông tin khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về mức giá xét nghiệm hiện nay.
Ông Đặng Hồng Anh sinh năm 1980, là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam từ năm 2018.
Ông Đặng Hồng Anh chính là con trai của doanh nhân Đặng Văn Thành, cựu Chủ tịch Sacombank, và được biết đến với biệt danh “ông vua mía đường” sau khi xây dựng thành công đế chế Thành Thành Công (TTC).
Sau khi tốt nghiệp cử nhân tại đại học Hùng Vương năm 2004, thiếu gia Đặng Hồng Anh bắt đầu làm việc tại Công ty Thành Thành Công của gia đình với chức vụ Phó Giám đốc.
Cũng trong năm 2004, Đặng Hồng Anh chính thức điều hành Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc, sau đó là Chủ tịch HĐQT. Bên cạnh đó, ông còn là thành viên HĐQT của ngân hàng Sacombank tại thời điểm ông Đặng Văn Thành còn tại vị ghế Chủ tịch HĐQT nhà băng này.
Chủ tịch Vietnam airline Đặng Ngọc Hòa không ủng hộ hạ giá vé máy bay
Tại toạ đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia kinh tế ngày 27/9 của Văn phòng Quốc hội, ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch VietnamAirlines nhắc tới đề xuất áp dụng giá vé máy bay tối thiểu (giá sàn) đang được lấy ý kiến.
Ông Hoà cho biết, hiện giá vé máy bay chỉ còn khoảng 40% so với giai đoạn 2018-2019, do tất cả các hãng đều không bay được. Việt Nam có 250 máy bay đang đậu ở tất cả các sân bay, thậm chí nhiều sân bay không còn chỗ đậu.
Giá vé máy bay trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay đang rất thấp, các hãng vẫn phải bay vì "nếu không sân bay hết chỗ đậu, máy bay hỏng và để có ít dòng tiền trợ giúp hãng hàng không".
Với mức giá vé máy bay thấp hiện nay, theo ông Hoà, cũng làm ảnh hưởng tới an toàn hàng không trong khi ngành này cần tiêu chuẩn cực kỳ cao.
"Nếu các hãng hạ giá vé thấp hơn cả giá xăng dầu cho một chuyến bay sẽ ảnh hưởng tới chi phí an toàn hàng không, nguy cơ sự cố an toàn hàng không và ảnh hưởng tới quốc gia", ông Hoà nói thêm.
Chủ tịch VietnamAirlines dẫn chứng trường hợp Indonesia, việc một số hãng hàng không nước này hạ giá vé máy bay xuống thấp đã bị phía châu Âu, Mỹ cấm vận bay và sau khi có một số tai nạn, nước này phải đưa ra mức giá vé máy bay không quá thấp để đảm bảo an toàn hàng không.
Lý do nữa được Chủ tịch VietnamAirlines nêu, là hạ giá vé máy bay khiến cho "tất cả các hãng hàng không đều yếu". "Chúng tôi rất lo ngại sau khi dịch phục hồi thì sức khỏe của các hãng hàng không không đủ để cạnh tranh với nhau, chứ chưa nói gì chuyện ra khu vực và quốc tế", ông nhấn mạnh.
Chủ tịch KOSY Nguyễn Việt Cường muốn mua vào hơn 36,2 triệu cổ phiếu KOS
Chủ tịch HĐQT CTCP Kosy (HoSE: KOS) Nguyễn Việt Cường vừa đăng ký mua vào hơn 36,2 triệu cổ phiếu KOS theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Giao dịch được thực hiện từ ngày 6/10 đến ngày 4/11, với mục đích gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Kosy.
Ông Nguyễn Việt Cường hiện đang nắm giữ hơn 44,4 triệu cổ phiếu KOS, tương đương tỷ lệ sở hữu 26,91%. Nếu giao dịch hoàn tất, ông Cường sẽ tăng số lượng nắm giữ lên hơn 80,6 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu tăng lên 48,86%.
Tạm tính theo thị giá của KOS, chủ tịch Kosy dự kiến chi hơn 1.100 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.
Được biết, Kosy mới đây đã tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc miễn thủ tục chào mua công khai khi mua/nhận chuyển nhượng cổ phiếu KOS của ông Nguyễn Việt Cường.
Theo tờ trình được cổ đông Kosy thông qua, ông Cường dự kiến nhận chuyển nhượng hơn 36,2 triệu cổ phiếu KOS từ 2 cổ đông cá nhân là Ngô Thị Hoa và Nguyễn Quốc Thao. Như vậy, giao dịch mà chủ tịch Kosy đang thực hiện rất có thể là giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu KOS như phương án được ĐHCĐ thông qua.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS
Ngày 01/10/2021, Hội đồng Quản trị Tập đoàn GFS đã thông qua Nghị quyết bổ nhiệm bà Nguyễn Hồng Hạnh - Phó Tổng Giám đốc thường trực đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS.
Việc bổ nhiệm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc mới nằm trong kế hoạch tái cấu trúc, bồi dưỡng và chuyển giao công tác quản trị, điều hành theo mục tiêu phát triển dài hạn của Tập đoàn.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh tốt nghiệp Cử nhân Đại học Luật Hà Nội năm 2001 và Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh Đại học Benidictine (Chicago, Mỹ) năm 2013. Năm 2011 bà Nguyễn Hồng Hạnh được được quyết định kết nạp Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Trước khi gia nhập Tập đoàn GFS, bà Nguyễn Hồng Hạnh đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản trị điều hành doanh nghiệp với các vị trí lãnh đạo cấp cao tại những tổ chức, doanh nghiệp có quy mô lớn như: Phó Giám đốc PGD Tân Mai ngân hàng Agribank Chi nhánh Hà Nội; Giám đốc Dự án Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Đất Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược phẩm Trung ương 2…
Trên mọi cương vị, bà Nguyễn Hồng Hạnh đã thể hiện là người quyết đoán, sáng tạo, đổi mới, tận tâm với công việc, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tổ chức, doanh nghiệp.
Trong đó, nổi bật phải kể đến Agribank Chi nhánh Hà Nội, nơi bà Nguyễn Hồng Hạnh công tác gần 15 năm, luôn là một trong những top đầu Chi nhánh có thành tích xuất sắc trong gần 2.300 Chi nhánh/Phòng giao dịch của Agribank trên toàn quốc.
Tập đoàn GFS thành lập năm 1997, tiền thân là đơn vị thành viên của Tổng công ty CIENCO 8. Năm 2005, GFS đã được cổ phần hoá và trở thành Tập đoàn kinh tế đa ngành với 05 lĩnh vực đầu tư chính: Bất động sản - Xây dựng, Khoa học - Công nghệ, Công nghiệp, Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, Đào tạo, Phát triển nhân lực.